Hoạt động ngoại giao của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân thế giới lần thứ 3 được tổ chức tại La Hay (Hà Lan) là một ví dụ. Chỉ trong một ngày, chính xác là trong nửa ngày, vừa tham dự Hội nghị với tư cách một thành viên vừa có cuộc gặp với 20 nguyên thủ quốc gia…
Thử gẫm lại, trong hoạt động ngoại giao luôn cần thiết những cuộc thăm hữu nghị chính thức đến một quốc gia và làm việc với những người lãnh đạo quản trị quốc gia ấy. Và tất nhiên vô số những thủ tục những nhiêu khê tốn kém nhưng cần phải có, phải thực thi của một cuộc thăm song phương. Ấy vậy nên có lẽ sau này đã xuất hiện cái nhánh ngoại giao song phương nhân các cuộc gặp đa phương?
Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh (HNTĐ) về an ninh hạt nhân thế giới tại La Hay lần này không phải để cho có… mặt trong phong trào Giải trừ quân bị bảo vệ hòa bình thế giới! Chúng ta đã có Viện hạt nhân Đà Lạt nhiều năm nay với những nghiên cứu, với các ứng dụng hạt nhân vào mục đích nhân văn. Rồi gần đây nước Việt mình đã sở hữu phương pháp làm giàu thanh nhiên liệu mà không dễ gì nhiều quốc gia trên hành tinh này có được. Rồi chúng ta đang tiến hành những bước đi cần thiết thận trọng trong việc xây dựng những nhà máy điện hạt nhân cho mục đích dân sinh. Trách nhiệm nghĩa vụ của Việt Nam trong câu chuyện luôn nóng toàn cầu này đã thể hiện trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị mà các phương tiện thông tin đại chúng từng đề cập trong thời gian qua.
Như đã nói sơ qua trong các bài viết trước, trước khi tiến hành phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ ba chính thức khai mạc, lãnh đạo 53 quốc gia (trong đó có 14 Tổng thống và 1 Vua, 16 Thủ tướng, 4 Phó Tổng thống và 2 Phó Thủ tướng) đã tề tựu tại Phòng Chờ Lớn tại Trung tâm Hội nghị. Từ hơn một giờ đến 3 giờ chiều là thời gian chính thức khai mạc. Quỹ thời gian ấy, với nhiều chính khách lẫn nhà ngoại giao trước một cuộc quy tụ lớn toàn cầu như HNTĐ dường như là không uổng phí lẫn suông nhạt.
Tôi đã may mắn được hầu chuyện các sứ thần Việt, những người góp phần kiến tạo thành công các cuộc gặp song phương trong đó có vị thứ trưởng ngoại giao trẻ, Hà Kim Ngọc.
Trước hết nói về cuộc gặp tới 2 lần trong hai ngày HNTĐ với Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Chủ tịch nở nụ cười cởi mở cùng câu kết thúc cuộc gặp gần 15 phút (lần thứ nhất) với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là mong sớm đón Thủ tướng sang thăm Trung Quốc lần thứ hai. Trước đó , không phải là những lời trao đổi xã giao mà là những việc cụ thể nhằm gìn giữ hòa bình chủ quyền an ninh trên biển Đông. Ông Chủ tịch nói, chúng ta có một số vấn đề tồn tại cần giải quyết. Nếu có chuyện phát sinh, tôi đề nghị Thủ tướng liên lạc với tôi bất cứ lúc nào hoặc cùng với hệ thống cán bộ và cơ quan có trách nhiệm hai nước giải quyết kịp thời.
Một sự kiện sau cuộc gặp đó chưa thấy xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ấy là cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ngoại trưởng Vương Nghị.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng với Tổng thống Hoa Kỳ tất nhiên không phải là tình cờ… Cũng có tin rằng Tổng thống Hoa Kỳ qua kênh ngoại giao muốn có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam tại HNTĐ? Nhưng, như là tình cờ vậy, khi Tổng thống Obama đang trong vòng vây của hơn 10 nguyên thủ, lãnh đạo quốc gia, hình như trong những trạng huống như vậy, ông Tổng thống Hoa Kỳ thường có cung cách phong thái là không đứng một chỗ mà đi lòng vòng để gặp khách? Vòng, nhưng không phải là lần lượt? Vậy nên khi ông Tổng thống Obama tiến thẳng đến vị trí Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng thì động thái ấy được coi là tự nhiên và tất nhiên các vị khác cũng tế nhị giữ một cự ly cho cuộc gặp riêng giữa hai người.
Câu cuối kèm nụ cười cởi mở của Tổng thống Obama là tôi phải đi thăm Việt Nam sớm.
Nghĩ cũng hơi ngồ ngộ là chẳng cứ gì phải đến Paris hay Hà Nội, chuyện bảo tồn gìn giữ nguyên trạng cây cầu Long Biên và Trường Tiền giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Pháp Hollande được đặt ra ngay trong cuộc gặp bên lề HNTĐ! Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bộc bạch Việt Nam rất quyết tâm và trách nhiệm trong việc bảo tồn nguyên trạng sản phẩm của kỹ sư lừng danh Eiffel thì Tổng thống Pháp vồn vã, ngài nói rất đúng với ý tôi, không phải chỉ Việt Nam mà cả Pháp cũng phải có quyết tâm và trách nhiệm ấy. Chúng ta sẽ tiếp tục câu chuyện đang dở này cũng như kế hoạch bảo tồn mà cả hai bên từng đặt vấn đề!
Câu chuyện chỉ thoáng qua ấy như vừa mới dựng nên một hiệp định khung, sườn trong việc bảo tồn hai cây cầu? Và phía Pháp phải lo, phải làm những gì? Mức đóng góp sẽ ra sao? Dù sao, những người Việt từng đặt niềm tin vào việc bảo tồn cây cầu nguyên trạng có căn cứ để mà an lòng trước quyết tâm ấy?Ở bài trước, tôi đã đề cập nụ cười hiếm hoi luôn đăm đăm trên gương mặt ngài Ngoại trưởng Nga Lavrov. Nay cũng nói thêm, câu nói kiêm nụ cười ấy (ông nói bằng tiếng Anh, ý chừng muốn để mọi người xung quanh có mặt cùng chia sẻ) đại ý, chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm sẻ chia của Việt Nam trong thời điểm khó khăn…
Chắc ngài Ngoại trưởng Nga đang nhắc đến thời khắc… Crưm?Có ý kiến cho là Việt Nam và Hà Lan đã nâng cấp một cuộc gặp song phương nhân sự kiện đa phương là HNTĐ? Nghe vậy thì chỉ biết vậy! Nhưng cuộc làm việc với Thủ tướng Hà Lan nước chủ nhà HNTĐ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã na ná tầm cấp một cuộc thăm hữu nghị chính thức? Thủ tướng Hà Lan có lẽ đương bấn bíu không ít với vô vàn công việc của một nước chủ nhà tổ chức HNTĐ quá khéo và giỏi nữa để thu xếp một cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Trước Dinh Thủ tướng Hà Lan, quốc kỳ Việt Nam - Hà Lan phấp phới sóng đôi. Hai vệ binh phục sức theo lối cổ, kiếm tuốt trần trong tay nghiêm ngắn trước cửa phòng họp. Nhiều vị trong nội các đang được trưng dụng đột xuất bởi nhà đương có việc trọng nhưng đã thu xếp không biết bằng cách nào đó đã đến Dinh Thủ tướng để đối đẳng với các bộ trưởng Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Rõ ra là không phải một cuộc gặp cho phải đạo mà thực chất việc tiếp tục triển khai mối quan hệ song phương lên một tầm cấp chiến lược toàn diện mà chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cuối năm 2011 trong Tuyên bố chung đã đặt nền móng. Những tiến triển vượt bậc bây giờ đã thành hình, đã kết quả bước đầu của việc đóng tàu bể (hồi 2011 mới cùng nhau đặt vấn đề). Thoáng nhớ trong cuộc hội kiến Hoàng hậu Hà Lan (chỉ là một cuộc hội kiến) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất vui khi Hoàng hậu bộc bạch bà hiện đương là Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc với chuyên ngành là tín dụng vi mô và sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm trong lãnh vực này với Việt Nam. Thủ tướng đã đề nghị bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội có mặt trong buổi tiếp rằng nên giúp Chính phủ áp dụng triển khai những kinh nghiệm cùng công việc tuy mới nhưng là tất yếu với Việt Nam.
Thời toàn cầu hóa không một quốc gia nào đứng ngoài vòng xoáy tất yếu của vô vàn những dữ lành, cơ hội thách thức đan xen. Can dự vào tất cả nhưng vẫn kiên định điều bất biến, vẫn là mục tiêu tối thượng là quyền lợi chính đáng, là an ninh chủ quyền quốc gia. Có lẽ đó là sứ mệnh mà các chính khách lẫn sứ thần Việt đương phải nhọc nhằn mang vác.Có lẽ phải đủ độ tin cậy thì giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới thẳng thắn trong một cuộc gặp thân mật bên lề HNTĐ là cả hai bên cần xúc tiến khẩn trương tích cực một việc, nói đúng hơn là một sự kiện nổi cộm mới xảy ra. Đó là việc tiêu cực hối lộ và ăn hối lộ trong Dự án liên quan đến nguồn vốn vay của Nhật Bản. Cả hai Thủ tướng cùng khẳng định quyết tâm không để môi trường đầu tư cũng như sử dụng vốn vay ODA bị vẩn đục.
La Habana đêm 27/3