Hải Dương hướng đến phát triển công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo

TPO - Sở Công Thương Hải Dương cho biết, theo quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tới năm 2050, Hải Dương sẽ trở thành tỉnh công nghiệp công nghệ cao, có vị trí chiến lược, liên kết vùng và ứng dụng khoa học, công nghệ cao, trở thành trục động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Theo Sở Công Thương Hải Dương, để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, tỉnh đã xây dựng 4 trụ cột chính trong phát triển công nghiệp. Theo đó, tỉnh tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực, tập trung vào các lĩnh vực như điện, điện tử, cơ khí luyện kim. Cùng đó, tỉnh cũng xây dựng các cơ chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn để hướng tới đón đầu thu hút đầu tư trong các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai như công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Cùng đó, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cao cấp, tỷ lệ nội địa hoá cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đặc biệt hướng tới các thị trường khắt khe như EU, Mỹ, Nhật…

Bên cạnh thu hút đầu tư, tỉnh cũng xây dựng các yếu tố hỗ trợ để bảo đảm và đáp ứng nhu cầu phát triển như tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, tập trung vào ngành kỹ thuật và công nghệ thông tin. Tỉnh cũng có cơ chế thu hút nhân tài cấp quản lý, chuyên gia nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp.

Cũng theo Sở Công Thương Hải Dương, tỉnh đã xác định rõ phương hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực. Như với ngành cơ khí chế tạo, tỉnh sẽ đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị và hàm lượng công nghệ cao như kim loại chất lượng cao, kim loại màu phục vụ công nghiệp, sản xuất động cơ, sản phẩm cơ khí chính xác, công nghiệp ô tô, các loại máy xây dựng, máy móc công nghiệp, điện tử, tiến tới sản xuất ô tô điện, các máy móc công nghệ cao, robot…

Về ngành điện, điện tử, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn trong ngành thiết bị gia dụng, điện tử thông minh, tiến tới sản xuất các sản phẩm cảm biến và sản xuất vi mạch điện tử (chip) quy mô lớn.

“Tỉnh cũng chú trọng thu hút các doanh nghiệp sản xuất bán thành phẩm, phụ tùng, linh kiện, cụm linh kiện cao cấp, lắp ráp phụ trong ngành sản xuất xe có động cơ, máy móc công nghiệp, điện tử, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị ngoại vi, bo mạch, màn hình, thiết bị chuyên dụng cho ngành thiết bị điện tử, gia dụng. Nâng cao hiệu quả hoạt động các dự án hiện có trong lĩnh vực dệt may, da giày; sản xuất vật liệu xây dựng”, Sở Công Thương Hải Dương cho hay.