> Đưa chuyện Cụ Rùa ra quốc tế
> Báo động mới về sức khoẻ Cụ Rùa
ThS. Hoàng Văn Quý, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Sơn La, là người chữa bệnh thành công cho ba ba gai, được các nhà khoa học đánh giá cao tại hội thảo bảo vệ cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm diễn ra gần đây 15-2 tại Hà Nội.
ThS. Quý cho biết, ông nuôi ba ba từ năm 2007. Hiện nay, con nặng nhất 20kg, nhẹ nhất 4kg. Trong thời gian nuôi, một số con ba ba mắc bệnh lở loét. Trên mai, riềm mai, cổ, yếm, chân hình thành các ổ lở loét. “Tôi đã chữa thành công cho ba ba gai. Tôi cho rằng, phương pháp này có thể áp dụng để chữa trị cho cụ Rùa.
Khi phát hiện ba ba bị lở loét, ông Quý dùng lincocin để điều trị. Khi thấy ba ba nổi, bò lên bờ, ông bắt ba ba cho vào bể cứu hộ. Tại bể này, ba ba được tiêm lincocin theo liều lượng nhất định trong 8 ngày.
Khi thấy ba ba hoàn toàn khỏe mạnh, ông mới thả lại chúng xuống ao nuôi.
TS Nguyết Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản và đồng nghiệp chữa lở loét thành công trên cá tầm tại Xạ Hương, Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Theo TS Vĩnh, cá tầm chỉ sống được trong môi trường nước sạch. Trong thời gian nuôi thử nghiệm, do một số nguyên nhân, nguồn nước nuôi cá bị ô nhiễm, hầu hết cá nuôi bị lở loét.
Cùng với TS Tuân (người thử nghiệm thành công xử lý nước hồ Văn, Hà Nội), TS Vĩnh dùng máy bơm nano từ tính để cấp cứu cho cá. Sau đó, ông rạch vết lở loét trên thân cá, lấy sạch mủ rồi rửa sạch bằng chế phẩm sinh học S301 (chiết xuất từ suối khoáng).
Chế phẩm này là sáng chế của TS David Trần, Việt kiều Mỹ, mang về áp dụng thành công tại Việt Nam và đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Sau từ 10 – 15 ngày điều trị, vết thương trên mình cá tầm lành dần và kín miệng.
Theo TS Vĩnh, loài rùa Hồ Gươm không đòi hỏi khắt khe về nguồn nước như cá tầm. Các vết lở loét trên thân cụ Rùa có thể gây ra do ô nhiễm nước, do thiếu dinh dưỡng, do va đập…, hoàn toàn có thể chữa được bằng phương pháp dành cho cá tầm.