Hà Nội: Sẽ xử lý các nhà xe chống đối điều chuyển luồng tuyến

TPO - Sau buổi đối thoại với các nhà xe bỏ bến để phản đối phương án điều chuyển, sắp xếp lại luồng tuyến xe khách, chiều nay (1/1) Sở GTVT đã có thông báo, vẫn thực hiện phương án điều chuyển, sắp xếp trên và cho biết từ sáng 2/1 sẽ huy động Thanh tra, Cảnh sát xử lý các nhà xe chống đối.
Từ sáng mai, có trên 600 lượt xe của 32 tuyến xe khách được điều chuyển, sắp xếp lại.

Văn bản thông báo số 1700/TB-SGTVT do Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang ký nêu rõ, chủ trương điều chuyển, sắp xếp lại nhiều lượt xe khách cho phù hợp quy hoạch đã được lãnh đạo thành phố và Bộ GTVT thống nhất triển khai. 

Theo đó, Sở GTVT quyết định thực hiện việc điều chuyển, sắp xếp trên từ ngày 2/1. Sở ra thông báo số 1700 để các DN vận tải thuộc diện điều chuyển biết, thực hiện.

Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát, các lượt xe đi các tuyến: Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái được điều chuyển về bến Mỹ Đình; các lượt xe chạy tuyến đi Sơn La, Lai Châu được điều chuyển về bến Yên Nghĩa. 

Tại bến Gia Lâm, các lượt xe đi tuyến Sơn La điều chuyển về bến Yên Nghĩa. Với bến Nước Ngầm, các lượt, chuyến chạy đến các tỉnh: Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái điều chuyển về bến Mỹ Đình; các lượt xe chạy đến Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Nông, Kon Tum điều chuyển về Yên Nghĩa. 

Tại bến Mỹ Đình, các lượt xe chạy các tuyến Nam Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh điều chuyển về bến Nước Ngầm; tuyến đến Hà Nam về bến Giáp Bát; tuyến về Thanh Hóa chạy đường Hồ Chí Minh về bến Yên Nghĩa; các tuyến về Hải Dương, Hưng Yên về bến Gia Lâm. Tổng cộng có trên 600 lượt xe của 32 tuyến xe khách được điều chuyển, sắp xếp theo kế hoạch trên.

Cùng với thực hiện kế hoạch trên, Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, từ ngày 2/1 sẽ triển khai lực lượng liên ngành gồm Thanh tra, Cảnh sát và Công an địa phương sẽ xử lý nghiêm các xe chạy trái tuyến, xuyên tâm và không thực hiện việc điều chuyển trên.

Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội  thông báo chủ trương sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng ôtô trên địa bàn.

Theo đó, Sở sẽ điều chuyển các tuyến của tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nam Định, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Sơn Tây, Trôi, Phùng, chuyển về bến xe Nước Ngầm.

Các tuyến của tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm, Giám Bát, Yên Nghĩa, chuyển về bến xe Mỹ Đình.

Các tuyến của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Nông, Điện Biên, Hòa Bình, Kon Tum, Sơn La, Thanh Hóa (các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Quán Lào, Thọ Xuân, Yên Cát đi theo đường Hồ Chí Minh) đang hoạt động tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm, chuyển về bến xe Yên Nghĩa.

Các tuyến của tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn đang hoạt động tại các bến xe Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Sơn Tây, chuyển về bến xe Gia Lâm.

Sở Giao thông cho biết mục đích điều chuyển là tránh các tuyến xe khách đi vào nội đô, tránh sự hoạt động chồng chéo, trùng lắp giữa các tuyến xe trong bến với nhau. Đặc biệt, việc điều chuyển các tuyến xe phù hợp với cung đường, tránh xung đội giao thông và để xe khách của các tỉnh đến từ phía Bắc, Nam, Đông, Tây sẽ đến đón trả khách tại các bến xe nằm ở phía tương ứng của Hà Nội.

Thời gian thực hiện điều chuyển từ 2/1/2017.

Đây là lần thứ 2, Sở Giao thông áp dụng việc thay đổi lộ trình các tuyến xe khách nhằm giảm ùn tắc và quá tải cho các bến trung tâm. Trước đó vào năm 2013, hàng trăm xe khách từ bến Mỹ Đình được chuyển về Yên Nghĩa, Giáp Bát và Nước Ngầm; xe ở bến Nước Ngầm được điều chuyển ngược lại về Mỹ Đình. 

Tuy nhiên, sáng 30/12, hàng loạt tài xế các nhà xe tuyến Mỹ Đình đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, đã không đón khách như thường lệ dẫn đến hiện tượng ùn ứ khách. Việc từ chối phục vụ là do doanh nghiệp không đồng tình với sự điều chuyển sang bến xe Nước Ngầm vì cho rằng, việc điều chuyển ảnh hưởng tới lợi nhuận kinh doanh vận tải của doanh nghiệp, lệch tuyến đi lại của người dân.

Thậm chí tại buổi Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức đối thoại với doanh nghiệp vận tải vào chiều 31/12, nhiều doanh nghiệp tiếp tục bức xúc và tha thiết được đối thoại trực tiếp với Chủ tịch thành phố Hà Nội.