Hà Nội kiến nghị cho hai nhà đầu tư làm đường sắt đô thị

TP - UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình với Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép Tập đoàn Vingroup và Cty CP Tập đoàn T&T đầu tư vốn lập báo cáo triển khai 3 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT). Đây là 3 dự án nằm trong quy hoạch 10 tuyến ĐSĐT được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Hà Nội triển khai từ nay đến năm 2025.
Ngoài 2 dự án đang triển khai, Hà Nội đề xuất thực hiện thêm 4 tuyến ĐSĐT vào năm 2020.

Tờ trình nêu rõ, sau khi công khai quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và kêu gọi các nhà đầu tư tham gia, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu đầu tư. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 2 nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup và Cty CP Tập đoàn T&T đăng ký xin triển khai thủ tục đề xuất dự án. Cả 2 nhà đầu tư đều đề xuất đầu tư dự án theo hình thức BT. Theo đó, Vingroup đề xuất thực hiện 2 đoạn tuyến: tuyến số 5 (đoạn Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,4 km và tuyến số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) dài 5,9 km; Cty CP Tập đoàn T&T đề xuất đoạn tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà) dài 54 km.

Cũng theo UBND thành phố Hà Nội, cả 2 nhà đầu tư trên đều cam kết khi được giao nghiên cứu đề xuất dự án sẽ tự nguyện ứng vốn cho nội dung này, không yêu cầu được bồi hoàn lại và sẵn sàng bàn giao lại toàn bộ hồ sơ, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho UBND thành phố và đơn vị được lựa chọn để tiếp tục triển khai đầu tư (trong trường hợp thành phố lựa chọn nhà đầu tư khác). Trong trường hợp Tập đoàn Vingroup và Cty CP Tập đoàn T&T được lựa chọn là nhà đầu tư chính thức, 2 nhà đầu tư sẽ hạch toán chi phí nghiên cứu tiền khả thi vào chi phí dự án.

Từ cơ sở đề xuất của 2 nhà đầu tư, UBND thành phố Hà Nội nêu quan điểm, đây là 2 nhà đầu tư trong nước, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 25/1/2017, có năng lực quản trị, năng lực tài chính tốt, đã thực hiện một số dự án nhóm A.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố sẽ yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương thuê tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo tiến độ, trong năm 2018 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét báo cáo, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp diễn ra ngay sau đó.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao UBND thành phố Hà Nội tập trung kêu gọi đầu tư 10 tuyến ĐSĐT theo hình thức đối tác công tư (PPP). Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội tích cực triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn Thủ đô, bảo đảm sự gắn kết của ĐSĐT nói riêng và hệ thống giao thông đô thị nói chung.

Tháng 7/2017, UBND thành phố Hà Nội đã công bố danh sách 7 nhà đầu tư đăng kí đầu tư vào các dự án ĐSĐTở Thủ đô gồm: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Cty cổ phần Lũng Lô 5, Cty TNHH Tân Hoàng Minh, Liên danh Tổng Cty Licogi và Cty TNHH Tập đoàn MIK Group Việt Nam, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và Cty Mosmetrotroy (Liên Bang Nga).