Gần một tuần qua, chị Phạm Thị Hạnh Dung (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) tất bật với công việc làm bánh trung thu gửi tặng các bệnh nhi, lực lượng y tế, tình nguyện viên làm nhiệm vụ chống dịch COVID-19.
Là một người làm bánh chuyên nghiệp nhưng thời gian này chị Dung tạm ngưng kinh doanh do tình hình dịch bệnh phức tạp. Những ngày qua, thấu hiểu tình cảnh chật vật của các lực lượng chống dịch ở tuyến đầu, của các bệnh nhi F0 tại các bệnh viện…, người phụ nữ này quyết định vào bếp làm các phần bánh ngọt để gửi tặng mọi người như một món quà tinh thần xua tan những căng thẳng, mệt mỏi.
“Cuối tuần rồi mình tình cờ đọc được thông tin trên báo về một em bé tới ngày sinh nhật nhưng đang phải điều trị COVID-19 trong bệnh viện. Các bác sỹ đã cố gắng tìm, đặt mua bánh và mang đến tặng bệnh nhi này. Trung thu cũng sắp về và là dịp đặc biệt với thiếu nhi mà các con lại đang chữa bệnh nên tôi muốn mang bánh đến cho các con để góp phần động viên tinh thần trong lúc điều trị”, chị Hạnh Dung bày tỏ. Ngoài ra, những chiếc bánh trung thu nhỏ xinh mà ấm tình này cũng được chị chuyển đến đội ngũ y bác sỹ, tình nguyện viên làm nhiệm vụ chống dịch nhằm tiếp thêm động lực tinh thần cho mọi người.
Chị Hạnh Dung cho biết, dự kiến ban đầu làm 1.000 cái, nhưng chỉ trong buổi đầu tiên (ngày 8/8) đã làm được gần 900 cái. Tinh thần chung sức còn tràn trề, chị Dung tiếp tục bỏ thời gian, công sức để gửi những phần bánh này đến nhiều người hơn.
Ngoài “bếp trưởng” Hạnh Dung, hoạt động này còn có sự tham gia của các bạn nhỏ là cư dân nhí ở cùng chung cư. Đặc biệt, cậu bé Khổng Trung Nguyên dù mới 11 tuổi và chưa từng làm bánh trước đây, nhưng là người luôn hăng hái hỗ trợ bếp bánh nghĩa tình này những ngày qua. Chị gái của Nguyên cũng góp tay cùng làm.
“Biết là phần bánh sẽ gửi cho các bệnh viện dã chiến, các bệnh viện nhi nên con muốn góp sức làm. Con thấy vui, mong các bạn nhỏ ăn bánh sẽ có động lực để mau khỏi bệnh, trở lại với gia đình. Đây cũng là động lực để con tiếp tục làm nhiều bánh hơn”, Trung Nguyên bộc bạch. Cậu bé cũng cho biết thêm, đây là mùa hè ý nghĩa, thú vị hơn nhiều mùa hè trước, bởi cậu đang tham gia một hoạt động ngoại khóa chứ các hè trước chỉ nằm ở nhà, đồng thời học thêm được kỹ năng làm bánh, giữ thói quen gọn gàng, sạch sẽ.
Dù mới bắt tay làm bánh, Trung Nguyên tỏ ra khá thạo việc và sáng tạo. “Bạn ấy nhanh nhạy lắm, khi thấy khâu mình đang rảnh là liền hỗ trợ làm các việc khác. Trong lúc làm cũng có những động tác sáng tạo giúp công việc trôi chảy hơn. Không có những bạn nhỏ này mình thật sự làm không nổi dù có nguồn lực tới đâu”, chị Hạnh Dung nhận xét về cậu bé mới học hết lớp 5.
Chia sẻ về công việc từ tâm này, chị Hạnh Dung cho biết khi bắt đầu lên ý tưởng làm bánh cũng đã mường tượng được những khó khăn về nguồn nguyên liệu trong thời điểm dịch bệnh phức tạp này. Chị liên hệ và các nhà cung cấp cố gắng hỗ trợ nhiều nhất trong khả năng để có nguồn nguyên liệu làm bánh.
Ban đầu chủ động làm với chi phí cá nhân và cũng không vận động, kêu gọi, nhưng nhiều bạn bè, khách hàng biết việc làm thiết thực của chị nên đã đóng góp để nối dài những mẻ bánh ý nghĩa. “Do có số tài khoản của mình trước đó, họ chủ động chuyển khoản cho mình. Chuyển xong rồi họ mới nhắn mình là chị ơi cho em phụ bột, phụ đường. Và giờ nguồn lực này cứ xoay vòng và đảm bảo giúp mình duy trì thêm được một số lượng bánh lớn nữa. Bản thân mình tâm nguyện sẽ làm và gửi tặng đến hết các bệnh viện tuyến đầu”, chị Hạnh Dung chia sẻ.
Đặt nhiều tâm huyết, tình cảm vào những chiếc bánh, chị Dung cho biết chắc chắn “sẽ làm đến khi hết nguyên liệu”. “Khi làm mình gửi tình yêu thương vào từng chiếc bánh. Hy vọng từng chiếc bánh mình gửi đi như một món quà tinh thần cho đội ngũ y bác sỹ, tình nguyện viên, bệnh nhi. Cuộc đời ngắn lắm cho nên giúp được ai, làm được gì thì cứ làm thôi. Khi mình sẵn lòng chia sẻ thì tự nhiên nguồn lực, nhân lực sẽ đến với mình”, chị Dung tâm sự.
Tính đến hôm nay, bếp bánh này đã gửi tặng các nơi được 2.100 chiếc ánh ấm áp nghĩa tình.
Ngoài làm bánh, chị Hạnh Dung hiện cũng đang tham gia bếp ăn từ thiện cùng nhóm bạn để hỗ trợ bữa ăn sáng cho người cơ nhỡ, khó khăn. Sau khi nấu xong, các tình nguyện viên đến nhận và mang đi phát trên đường phố.
Trước khi dừng các việc khác để tập trung làm bánh cho tuyến đầu, chị Dung còn tham gia hỗ trợ công việc tình nguyện bên ngoài như hỗ trợ tiêm vắc xin, chia sẻ rau củ quả, vận chuyển đồ cho sinh viên bị “mắc kẹt”.