Tình nguyện viên TPHCM mang bình oxy di động đến từng ngõ nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thấy các tình nguyện viên mang bình oxy đến tiếp ứng, người nhà vui mừng khôn tả: “Nội mình sống rồi...”. Những ngày này, các bạn trẻ trong đội hình “ATM Oxy” của TPHCM mặc đồ bảo hộ, tay ôm chặt bình oxy di động di chuyển trên nhiều đường lớn, ngõ nhỏ để trao hơi thở nhanh nhất cho bệnh nhân COVID-19.

Những ngày qua, anh Tô Quang Thế (cán bộ Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam quận 7, TPHCM, phụ trách điều phối hoạt động trạm oxy di động) cùng bạn Nguyễn Thành Nhân (sinh viên năm 2, Trường Đại học Sư phạm TPHCM) liên tục lên đường hỗ trợ một số bệnh nhân. Đây đều là những trường hợp F0 tự cách ly tại nhà cần nguồn oxy để trợ thở gấp hoặc duy trì mạch điều trị. Trong số này là một người dân lớn tuổi mắc COVID sang ngày thứ 8 và lúc này chỉ số SpO2 đang xuống thấp, nhà ở một con hẻm trên đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận. Do bản thân bệnh nhân không tự liên hệ được với trạm cấp cứu ATM oxy nên người thân ở Bình Dương đã gọi đến và nhờ đội trợ giúp.

Tiền Phong theo chân đội tình nguyện viên ATM Oxy lên đường hỗ trợ oxy điều trị cho bệnh nhân F0


Tình nguyện viên TPHCM mang bình oxy di động đến từng ngõ nhỏ ảnh 1

Anh em trong đội ATM oxy quận 7 lấy bình từ trạm chứa chuẩn bị lên đường cấp cứu bệnh nhân F0.

Chia sẻ với Tiền Phong, anh Thế cho biết, từ khi triển khai trạm oxy tại Nhà thiếu nhi quận 7 đến hết ngày 12/8, trạm đã thực hiện cấp cứu cho 20 trường hợp cần oxy cấp cứu. Trong đó có 14 trường hợp là F0 đã tự trang bị bình oxy tại nhà nhưng lúc đó đã hết và cần thay thế. “Họ phải thở oxy liên tục nên khi lượng oxy trong bình gần hết mà không thể liên hệ bên nào khác thì họ gọi mình. Với trường hợp này, chúng tôi mang bình qua ngay và luôn để kịp thời thay cho bình họ sắp cạn”, anh Thế cho hay. Trong khi đó, 6 trường hợp còn lại nhờ thay bình và hỗ trợ trong trường hợp khó thở vào buổi sáng hay buổi tối dùng trong đôi ba ngày. Sau đó trạm liên hệ phía bệnh nhân để nắm tình hình sức khỏe cũng như nhu cầu sử dụng của họ, nếu họ không còn sử dụng nữa thì đội đến nhà thu hồi bình để tiếp tục xoay phòng hỗ trợ các trường hợp tiếp theo.

Tình nguyện viên TPHCM mang bình oxy di động đến từng ngõ nhỏ ảnh 2
Tình nguyện viên TPHCM mang bình oxy di động đến từng ngõ nhỏ ảnh 3

Quang Thế và Thành Nhân tất tả mang bình oxy đến cứu trợ bà con trên địa bàn quận 7.
"Có lúc anh em dở khóc dở cười vì người nhà cho địa chỉ sai, dù chỉ chênh lệch một con số thôi nhưng lại khá mất công đi tìm", anh Thế cho hay.

Kể về các trường hợp đội đã hỗ trợ, anh Tô Quang Thế cho biết có trường hợp cả gia đình đều là F0, đặc biệt có một cụ bà khó thở, nguy cấp. Trong lúc cấp bách, không thể nhận được hỗ trợ của y tế địa phương do tình hình quá tải nội viện, người nhà gọi đến số hotline ATM oxy nhờ hỗ trợ. “Đầu dây bên kia vừa nói vừa nức nở cầu cứu. Xác định tình huống nguy cấp, nhóm bỏ qua bước liên hệ với phường mà nhanh chóng xác nhận và cử anh em mang dụng cụ gồm bình, van và ống thở lập tức lên đường đi ứng cứu. Khi qua tới nơi, người nhà mừng rỡ khôn tả, nói với anh em “Gọi đến trạm cũng với hy vọng còn nước còn tát thôi, không ngờ mọi người tới thật. Vậy là nội mình sống rồi!”, anh Thế chia sẻ về một ca cấp cứu khiến anh em không khỏi xúc động và tâm niệm sẽ luôn làm hết sức để trao hơi thở quý giá cho bà con.

Tình nguyện viên TPHCM mang bình oxy di động đến từng ngõ nhỏ ảnh 4

Hai anh em mang bình vào tận nơi ở và thực hiện lắp đặt bình cho người bệnh.

Tình nguyện viên TPHCM mang bình oxy di động đến từng ngõ nhỏ ảnh 5

Sau mỗi đợt trợ giúp người dân, các tình nguyện viên lại xịt khuẩn cẩn thận trước khi di chuyển.

Trước khi lắp đặt bình oxy, nhóm thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ bà cụ cách cải thiện hơi thở theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhanh chóng lắp đặt máy móc để trợ thở cho bệnh nhân trong lúc chờ lực lượng y tế tới xử lý bước tiếp theo. Mặt khác, tình nguyện viên trong đội cũng hướng dẫn người dân cách theo dõi chỉ số, cách sử dụng bình oxy. Chẳng hạn khi nào mức oxy xuống dưới mức giới hạn thì cần báo sớm để đội kịp thời mang bình qua ứng cứu, tránh tình trạng gần hết mới báo thì sẽ không kịp cấp cứu.

“Giúp được họ tụi mình rất vui. Anh em không nề hà chuyện đường xa hay ban đêm gì hết”, anh Thế bộc bạch.

Anh Lê Phúc Nguyên, Chánh Văn phòng Quận Đoàn 4 cho biết, trong những ngày qua, khi tiếp nhận thông tin từ phía người dân và xác nhận thuộc diện nhu cầu cấp bách, trạm oxy của quận đã trực tiếp hỗ trợ cho các trường hợp khẩn cấp này. Ngoài hỗ trợ cấp cứu cho những người dân cần cấp cứu tại nhà, trạm cũng chuyển một số bình đến bệnh viện và trung tâm y tế quận để xử lý các trường hợp đang cấp cứu tại đây.

Tình nguyện viên TPHCM mang bình oxy di động đến từng ngõ nhỏ ảnh 6

Trạm oxy di động của quận 4.

Anh Nguyên cho biết thêm, trong số các trường hợp được hỗ trợ, có trường hợp gọi đến dù đã là 9 giờ tối và đã ngoài giờ hỗ trợ nhưng khi nhận được thông tin đây là F0 đang điều trị tại nhà lại tuổi cao, đau yếu thì anh em cố gắng mang bình qua ngay trong đêm.

Tiếp tục cống hiến với thông điệp "Trao oxy, nối dài sự sống" cho người bệnh COVID-19, tuổi trẻ TPHCM vẫn đang từng ngày lên đường hỗ trợ bà con trong những trường hợp khẩn nguy, thông qua những bình oxy nghĩa tình.

Anh Lê Hoàng Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Công nhân Lao động Thành Đoàn TPHCM, quản lý hoạt động ATM Oxy trên địa bàn thành phố, cho hay tính đến ngày 12/8, chương trình thiết thực này đã triển khai đến khắp các hệ thống quận huyện Đoàn của thành phố, với khoảng 800 bình hiện hữu và mục tiêu sẽ tăng lên 1.500 bình trong tuần tới.

Đội hình tình nguyện viên tham gia chương trình được tập huấn cách thức vận chuyển bình oxy, cách tháo lắp bình nếu người nhà không tự xử lý, nhận bình cũ về khử khuẩn và bơm để tiếp tục luân chuyển hỗ trợ các trường hợp khác.

Anh Lê Hoàng Minh, quản lý hoạt động ATM Oxy trên địa bàn thành phố cho biết, xuất phát từ câu chuyện người bố chạy xe máy mấy chục km đi đổi bình oxy về cứu con trong đêm, chương trình “ATM Oxy” ra đời với yêu cầu thành lập cho được các trạm oxy để lúc nào cũng sẵn sàng nguồn oxy cứu trợ những trường hợp khẩn cấp, thông qua hình thức là các tình nguyện viên có thể mang bình oxy này về tận các nơi cần kíp.

Đến nay, dự án đã thiết lập được 23 trạm oxy đặt tại khắp các quận, huyện và TP. Thủ Đức, trong đó trạm trung tâm đặt tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, với cơ số 20-30 mình mỗi trạm. Hằng ngày, đội ngũ tình nguyện viên đi gom bình và đổi bình mới để san sẻ với các địa bàn.

Cũng theo anh Hoàng Minh, hiện nay rất nhiều bệnh nhân đang chữa trị các bệnh nền tại nhà và muốn tiếp cận nguồn oxy hỗ trợ điều trị, tuy nhiên lúc này nguồn oxy trở nên khan hiếm do các cơ sở y tế cũng đang tập trung để cứu chữa bệnh nhân.

Do đó, dự án này chú trọng phục vụ cho 3 nhóm đối tượng thực sự cấp bách. Một là những trường hợp đang có bệnh nền cần cấp cứu được chỉ định thở oxy và đã có sẵn máy ở nhà cùng với các dụng cụ cần thiết như van, mặt nạ thở, duy chỉ thiếu là bình oxy mới để dùng tiếp. Thực tế đã có trường hợp người dân phải đi từ quận này sang quận kia với khoảng cách khá xa để đổi bình về cứu người thân sau cả tuần hết oxy khiến người bệnh trở nặng.

Nhóm thứ hai là hỗ trợ các bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 thuộc diện cần cấp cứu ngay để vượt qua tình trạng nguy hiểm, được bác sỹ thăm khám và lúc này bệnh viện cũng hết khả năng tiếp nhận. Đội oxy di động sẽ phối hợp với y tế để cấp cứu tại nhà. Cùng với đó là trường hợp người dân đang cách ly y tế ở nhà nhưng bệnh trở nặng và cần hỗ trợ cấp cứu điều trị trong lúc chờ chuyển lên tuyến trên. Quy trình này cần có sự chỉ định của y bác sỹ.

Anh Lê Hoàng Minh cũng dẫn lời khuyến cáo của các bác sỹ, rằng người dân không nên trữ bình oxy ở nhà khi không cần thiết sử dụng, bởi nếu bảo quản hoặc sử dụng không cẩn thận có thể gây cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng của chính gia đình mình.

Theo đại diện Ban tổ chức chương trình ATM Oxy để phục vụ nhu cầu cấp cứu người dân, nguồn oxy cần được chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng. Ngoài nguồn lực do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, ban tổ chức chương trình cũng kêu gọi sự ủng hộ, quyên góp bình không sử dụng trong dân để có nguồn phục vụ trở lại cho dân hoặc phối hợp với các đơn vị khí để đổi bình miễn phí cho chương trình.

Dự án ATM Oxy do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Hội LHTN Việt Nam TPHCM và PHGSmarthome tổ chức.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).