Gọi tình ca về chốn vô thanh

TP - Làm sao có được hạnh phúc vợ chồng mà lúc giận không thể nói, gọi không thể nghe? Làm sao có thể bán buôn khi chỉ có tiếng ú ớ nơi cổ họng?... Rất nhiều câu hỏi như vậy cho chuyện tình vô thanh của đôi vợ chồng câm điếc Võ Đăng Bình (29 tuổi) và Nguyễn Thị Kim Loan (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).
Anh Bình chị Loan trong quán ăn “câm điếc” mưu sinh của mình. Ảnh: Thanh Trần.

Số phận lấy mất giọng nói và đôi tai, nhưng để lại cho họ nghị lực sống phi thường. Anh Bình và chị Loan đã vượt qua rào cản để cùng nhau mưu sinh, vun đắp tổ ấm…

Chạy về phía nhau

Tôi đã hình dung đôi vợ chồng câm điếc là hai con người rụt rè và buồn tẻ, vậy mà xuất hiện trước mắt tôi, anh Bình trong dáng người tròn tròn, khuôn mặt sáng với nụ cười hiền như đứa trẻ. Còn chị Loan thì nhanh như sóc, liền tay liền chân vừa nấu nướng vừa chạy đi dọn dẹp quán xá. Tôi viết mấy dòng ra giấy, chị Loan ra hiệu muốn hỏi gì cứ nói với mẹ, mẹ sẽ giúp chị trả lời. 
Anh chị quen nhau trong một lần đi sinh hoạt câu lạc bộ những người câm điếc. Chàng trai 21 tuổi Đăng Bình hiền khô để mắt tới cô gái Kim Loan đang tuổi xuân thì xinh xắn nhưng không dám ngỏ. “Im im rứa đó, rồi tự nhiên tuần mô tui cũng thấy hắn xách xe chạy tuốt qua bên Sơn Trà.  Biết con muốn tìm người đầu ấp tay gối nhưng không dám nói, tui mở lời có thích thì dẫn về rồi mẹ tính chuyện cưới xin. Mấy hôm sau hắn dẫn về thiệt”, bà Phạm Thị Huê, mẹ anh Bình kể lại. Đứa con dâu tương lai về ra mắt, bà Huê buồn không thiết ăn mà không dám nói ra. Viễn cảnh về một ngôi nhà im bặt, vợ chồng con trai bà không nghe được tiếng gọi ba má như bà làm lòng bà thắt lại. Nhưng rồi bà tự trấn an, rằng rổ rá đan nhau, miễn thương nhau là được. 

Tâm sự với tôi qua dòng chữ, chị Loan nói rằng chị thương anh Bình vì thật thà, nhưng không dám nghĩ tới chuyện đường xa vì sợ nhà anh không chấp nhận, sợ lời ra tiếng vào và hơn hết là nỗi mặc cảm bản thân đã đẩy ước mơ về mái ấm của mình đi xa vời vợi. Nỗi tủi buồn không biết nói với ai, những tháng ngày đó chị chỉ biết tủi buồn, khóc lóc. “Cho tới khi anh Bình kiên quyết nắm lấy tay dẫn tôi về nhà, tôi như sực tỉnh: Tại sao mình không dám đi tìm hạnh phúc? Dù mình câm điếc nhưng mình vẫn có quyền yêu, được yêu và xây dựng một gia đình nhỏ. Tôi quyết tâm sẽ làm bản thân được hạnh phúc! ”, chị nhớ lại.

Bà nội, hai đứa con là những thanh âm làm cuộc sống vô thanh của họ rộn rã hơn.

Năm 2009, đám cưới của đôi uyên ương câm điếc làm rộ cả xóm nghèo. Hàng trăm mâm cỗ vẫn không đủ để tiếp khách bởi ai cũng háo hức đến mừng cho cặp cô dâu chú rể “chẳng nói chẳng rằng” này. Rồi chị Loan mang bầu. Bà Huê nói cả nhà mừng nhưng đó là quãng thời gian lo đến nghẹt thở vì sợ đứa cháu ra đời không nói, không nghe như ba mẹ nó.

Hôm chị sinh, bà Huê nghe tiếng cháu khóc ré lên mừng trào nước mắt, không ngờ đứa con khiếm khuyết của mình cũng có ngày được làm cha. Cháu ba tháng tuổi, bà nói chuyện thì thấy cháu nghe được, biết “ư a” tiếp chuyện, trong bụng bà như phất cờ. Rồi mấy tháng sau, cháu bập bẹ gọi được từ ba, khi ấy bà vỡ òa ra, rằng cháu mình lành lặn, bình thường rồi! “Hai năm kể từ ngày tụi nó cưới nhau, cả nhà tui lo tới nhường nào thì chỉ cần đổi lấy một ngày, đó là ngày cháu gái Nhật Anh của tui biết nghe, biết nói. Lúc đó tui đã tin rằng ông trời không lấy hết của ai thứ gì cả”, bà Huê rưng rưng hạnh phúc. 

Biết số phận đã mỉm cười khi hai vợ chồng vượt hết mọi rào cản để đến với nhau, ba năm sau, anh Bình chị Loan sinh thêm bé Nhật Tân. Một thanh âm nữa vang lên trong tổ ấm của hai vợ chồng câm điếc. Nhật Anh bây giờ đã vào lớp 1, Nhật Tân học mẫu giáo. Qua đôi tay, chị diễn đạt với mẹ rằng đó trái ngọt cho những con người khiếm khuyết dám đứng lên đi tìm hạnh phúc của mình.

Mình còn đôi tay…

Bên vỉa hè nhỏ trên đường Nguyễn Chánh (quận Liên Chiểu), cứ tầm 5h chiều, một mái bạt căng lên, xe bán đồ ăn vặt được đẩy tới, kê chừng mươi bộ bàn ghế, dựng thêm tấm biển: Quán Bé, bán ốc hút. Từ sau ngày có thêm hai bé Nhật Anh và Nhật Tân, chị Loan tìm cách kiếm tiền, không chịu ở nhà phụ việc vặt. Chị nhờ mẹ ra mượn miếng đất trống trên vỉa hè, tập tành nấu nồi ốc đem ra bán. Bà Huê kể mấy ngày đầu, hôm nào về nhà chị cũng khóc, ú ở khua tay mách lại rằng khách không biết chị bị câm điếc, tới gọi bán hàng chị không nghe, cũng không trả lời nên họ nổi cáu chửi thẳng mặt đi về. Tưởng vậy là nàng dâu tội nghiệp của mình bỏ cuộc, hôm sau bà lại thấy con lục đục nấu nướng sắp đồ lên xe đẩy ra vỉa hè. “Rứa là tui biết con dâu tui có ý chí làm ăn. Tui bày nó ghi thêm hai chữ “câm điếc” vô dưới thực đơn. Tui bảo nó ai la con má đi đầu xuống đất!”, bà Huê tếu táo.

Quán ăn mở từ chiều đến tận khuya, rất nhiều khách tới đây vì cảm phục nghị lực của đôi vợ chồng này.

Đúng là hai chữ “thần thánh” ấy như cục nam châm hút khách tới quán. Chị Loan nổi máu “ham” kiếm tiền, về nhà lên mạng học thêm món ram cuốn, trứng lộn, một vài loại ốc nữa thêm vào thực đơn phục vụ đủ đối tượng khách, hôm nào cũng bán đến tận khuya. Hôm tôi tới, anh Bình chạy bưng thức ăn từng bàn, chị Loan đứng đảo ốc, chiên ram, hai đứa con nhỏ ngồi ngoan bên góc quán xem phim hoạt hình. Tổ ấm chỉ có một nửa âm thanh nhưng ấm êm đến lạ. Thấy xe dừng phía trước, chị Loan nhoài đầu ra cười, anh khách nắm tay đưa lên gõ gõ và xòe thêm năm ngón, chị hiểu ý, lấy bao bỏ ngay 5 quả trứng lộn. Khách vừa vãn anh Bình lập tức chạy lui góc bếp với đống đĩa chất cao. Đôi vợ chồng này còn rất thông minh khi nghĩ ra những “mẹo” tính tiền nhanh và chính xác. Chẳng hạn như đĩa xanh dành cho những món 30.000đ, đĩa hồng 20.000đ, đĩa vàng 7.000đ, phòng những lúc khách đông, chỉ cần nhìn đĩa là tính tiền y xì. Anh Huỳnh Chung Anh (phường Hòa Khánh Bắc), nói: “Lần đầu tiên tôi ghé vào đây là vì tò mò, muốn biết hai người câm điếc làm sao buôn bán được, nhất là bán quán ăn phức tạp. Lần sau thì tôi dẫn con tới để cho cháu thấy tấm gương về nghị lực, mong cháu hiểu trong hoàn cảnh nào mình cũng có thể vươn lên. Không chỉ vậy, tôi cũng rất thích sự sạch sẽ và chu đáo ở quán ăn đặc biệt này”.

Tôi nhờ bà Huê hỏi anh chị đã bao giờ  mệt mỏi với quán ăn này chưa, chị Loan trả lời không hề, miễn cách nào kiếm thêm tiền nuôi con, bớt làm khổ gia đình là hai vợ chồng  làm hết. Thế cũng đồng nghĩa mỗi ngày anh Bình chỉ còn được vài tiếng đồng hồ nghỉ ngơi, bởi sáng sớm anh phải đi giữ xe ngoài chợ tới trưa, cơm nước xong lật đật soạn sửa cho quán bán buổi chiều đến khi kim đồng hồ đứng chóc không giờ.  “Con mình đã thiệt thòi vì ba má không nói được, nên mình sẽ làm mọi cách để bù đắp cho con, và cũng không để mình thành gánh nặng cho ai. Vợ chồng tôi còn đôi tay thì sẽ không ngần ngại sóng gió nào cả”, chị trải lòng.

Hạnh phúc hơn nhờ “sống chung với mẹ chồng”

Qua tin nhắn, chị Loan kể với tôi mẹ chồng rất thương chị, những gì chưa biết hay khúc mắc trong cuộc sống chị đều tìm tới mẹ như một người bạn thân. Còn bà Huê tủm tỉm cười, nói con trai bà còn ngây thơ, không biết chiều vợ nên bà phải làm tư vấn viên thường xuyên giảng hòa khi hai đứa cãi nhau. “Cả những chuyện nhỏ xíu như tối ngủ nó không chịu ôm vợ, Loan cũng kể cho tui. Nghe vừa mắc cỡ vừa buồn cười nhưng lại thấy thương con, thương dâu mình. Tụi nó cũng có những khát khao yêu thương như bao người mà không diễn đạt được, nếu mình không lắng nghe và không chia sẻ thì cả hai lại càng tủi thân và ức chế, làm cuộc sống bức bối u tịch như bất hạnh của hai đứa. Kể cả những chuyện vụn vặt, con nít nhất tui cũng sẵn sàng làm quân sư, miễn sao gia đình nhỏ của con trai thêm hạnh phúc, dù hạnh phúc không lời”, bà Huê tâm tình.