Tiến sĩ áo lính và chuyện tình bên xứ lạnh

Ấm nồng giữa tuyết lạnh xứ Bạch Dương.
Ấm nồng giữa tuyết lạnh xứ Bạch Dương.
TP - Được Bộ khoa học và giáo dục Liên bang Nga công nhận học vị tiến sĩ, thành thạo hai ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nga, thiếu tá Phạm Xuân Hoàn (SN 1983), Trợ lý kỹ thuật Phòng Bản đồ - Viễn thám thuộc Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam là một tài năng trong lĩnh vực khoa học quân sự và có một câu chuyện tình đẹp nên thơ.

Thi đỗ Học viện Kỹ thuật Quân sự năm 2001, Phạm Xuân Hoàn được lựa chọn cử đến Đại học Bách khoa Hà Nội theo học chuyên ngành công nghệ thông tin. Khi đó, chàng trai tuổi Quý Hợi (1983) quê Hải Dương không nghĩ quãng thời gian học tập của mình sẽ kéo dài tới 11 năm, trong đó có 9 năm ở nước ngoài. Năm 2003, anh khoác hành lý rời Việt Nam sang xứ sở bạch dương học về ngành nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên bằng phương pháp hàng không vũ trụ tại Trường Trắc địa bản đồ Moskva. Sau đó, anh ở lại làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Đo ảnh - Viễn thám.

Ngày mới sang nước Nga, Hoàn chưa quen đồ ăn và khí hậu lạnh giá khắc nghiệt ở đây, nên chuyện hay bị ốm là điều không tránh khỏi. Nhưng nghị lực của chàng trai Việt khiến nhiều bạn học phải nể phục. Gạt nỗi nhớ nhà cùng những thiếu thốn về vật chất, tinh thần sang một bên, Hoàn chú tâm vào việc học bằng ý chí mạnh mẽ.

“Kinh phí được cấp mỗi tháng là 220 đô la, nên tôi tranh thủ làm thêm nhiều việc như nhận sửa máy tính, làm gia sư hay những việc mà kiều bào bên này nhờ đến. Tuy vậy, chuyện ăn mỳ tôm vẫn là chuyện thường xuyên đối với nhiều du học sinh như tôi. Nhưng chính thời gian học tập ở đây, với sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo và bạn học đã giúp tôi có được những kiến thức cơ bản, vững chắc, tạo tiền đề và phương pháp tiếp cận cho các nghiên cứu khoa học quân sự sau này”, Phạm Xuân Hoàn nhớ lại.

Tiến sĩ áo lính và chuyện tình bên xứ lạnh ảnh 1

Vợ chồng thiếu tá Phạm Xuân Hoàn tại Quảng trường Đỏ ở Moskva trong ngày cưới.

“Chế ngự” UAV, đàm phán hợp đồng quân sự

Năm 2012, Phạm Xuân Hoàn về nước nhận công tác tại Cục Bản đồ với quân hàm đại úy và đã chứng tỏ tài năng nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới của mình một cách xuất sắc. Đặc biệt là anh đã tham gia xây dựng, hoàn thiện, bảo vệ thành công một loạt đề tài khoa học cấp nhà nước như “Ứng dụng ảnh vệ tinh VNREDSat-1 để xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình và thông tin địa lý quân sự nâng cao hiệu quả công tác tham mưu và bảo đảm địa hình ngoài lãnh thổ”; “Nghiên cứu kết hợp ảnh viễn thám quang học và radar thành lập bản đồ chuyên đề quân sự hỗ trợ đánh giá địa hình lãnh thổ Việt Nam và vùng phụ cận phục vụ mục đích quốc phòng”; “Nghiên cứu, thiết kế và tích hợp hệ thống khảo sát địa hình trong xây dựng dựa trên công nghệ chụp ảnh, quét laser, GPS/GNSS và UAV”…

Với nhà khoa học áo lính Phạm Xuân Hoàn, quá trình tham gia một đề tài khoa học cấp nhà nước tại một số đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa đó là điều anh rất tâm đắc vì đã được góp trí tuệ, công sức vào việc gìn giữ chủ quyền thiêng liêng.

Có một kỷ niệm mà cả hai chúng tôi nhớ mãi đó là lần đi dạo với nhau dưới trời mưa tuyết, không có ô hay thứ gì che đầu ngoài một chiếc túi nilon, nhưng cảm giác ấm áp khi chúng tôi nắm tay nhau ngắm những bông hoa tuyết trắng xóa. Hình ảnh đó sẽ không bao giờ phai nhạt được. 

Thiếu tá Phạm Xuân Hoàn

Anh kể: Ra được đảo đã khó bởi thời tiết biển luôn biến động, nhiều khi phải mất hàng tuần chờ đợi tàu khởi hành. Việc áp dụng kỹ thuật đo mới, công nghệ viễn thám không người lái (UAV) để khảo sát trên đảo cũng gặp không ít khó khăn do phần lớn mùa khảo sát có gió rất to nên rất ít có cơ hội bay UAV nên phải chờ đợi nhiều lần triển khai thiết bị ra và lại cất thiết bị đi vì không thể cất cánh. Khi khảo sát địa hình bằng thiết bị đo RTK phải lội biển ra tận mép xanh của đảo, anh em trên đảo phải bố trí người theo dõi thường xuyên vì mực nước không cao nhưng bên dưới không hề bằng phẳng, có san hô sắc nhọn nên có thể vấp ngã bất cứ lúc nào…

Thuộc lớp người đầu tiên nắm bắt công nghệ bay chụp, trinh sát bằng thiết bị bay không người lái, hiện nay, thiếu tá Phạm Xuân Hoàn đã làm chủ nhiều chủng loại UAV khác nhau cánh bằng cũng như lên thẳng. Sau khi nắm vững công nghệ điều khiển, anh đã hoàn thành tốt việc chuyển giao khai thác, tư vấn, vận hành, xử lý dữ liệu bay UAV các chủng loại như UAV Ebee, UAV Phantom2, UX5, Md4-1000, GeoScan 101, DJI cho nhiều đơn vị quân đội.

Dù còn trẻ nhưng với năng lực của mình, anh được cấp trên tin tưởng ủy quyền trực tiếp đại diện tham gia các đoàn đàm phán đầu tư trang thiết bị vũ khí mới cho Quân chủng Phòng không - Không quân. Đồng thời anh tích cực hướng dẫn chuyển giao công nghệ, bảo đảm tư liệu địa hình cho các trang thiết bị vũ khí mới được quân đội đầu tư.

Tiến sĩ áo lính và chuyện tình bên xứ lạnh ảnh 2

Thiếu tá Phạm Xuân Hoàn trong một lần ra Trường Sa thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

Quả ngọt từ mối tình bên xứ lạnh

Tại nước Nga lạnh giá, chuyện tình đẹp của Phạm Xuân Hoàn và cô nghiên cứu sinh ngành quản lý đất đai Lê Thị Kim Dung đã có một kết thúc không thể hoàn hảo hơn. Anh kể: Vợ tôi quê ở Bình Định, chúng tôi biết nhau từ khi mới sang đây học. Cùng cảnh xa nhà, nên tôi và cô ấy dễ cảm thông và chia sẻ với nhau nhiều điều. Có một kỷ niệm mà cả hai chúng tôi nhớ mãi đó là lần đi dạo với nhau dưới trời mưa tuyết, không có ô hay thứ gì che đầu ngoài một chiếc túi nilon, nhưng cảm giác ấm áp khi chúng tôi nắm tay nhau ngắm những bông hoa tuyết trắng xóa. Hình ảnh đó sẽ không bao giờ phai nhạt được.

Quen nhau 4 năm, “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, nhưng phải đợi đến một ngày hè 2007, khi hai người đi chơi ở công viên vườn Bauman sau Trường Trắc địa bản đồ Moskva, Thần Tình yêu đã khiến hai người nhìn sâu vào mắt nhau, cùng nắm chặt tay nhau và trao nụ hôn đầu…

Tranh thủ hai lần được về thăm Việt Nam trong thời gian theo học ở Nga, Hoàn và Dung về ra mắt gia đình hai bên và được người thân hết lòng vun vén. Sau 3 năm yêu nhau, ngày 10/3/2010, hai người nên vợ nên chồng tại nước Nga lạnh giá, thơ mộng và đầy ắp kỷ niệm.

“Chúng tôi thành hôn ở Nga, hai bên gia đình không dự được vì quá xa xôi và tốn kém kinh phí đi lại. May nhờ có bạn bè người Việt mình bên này xúm vào giúp đỡ, từ chuyện thuê nhà hàng, trang trí phòng tân hôn ở ký túc xá đến việc thuê phương tiện đi chụp ảnh cưới ở Quảng trường Đỏ và Tượng đài Chiến thắng”, Hoàn nhớ lại.

4 năm sau ngày cưới, tháng 5/2014, vợ chồng anh đón quả ngọt tình yêu là cô con gái xinh xắn Phạm Lê Bảo An - “Kết quả mỹ mãn” theo cách nói dí dỏm của Hoàn trong một lần Kim Dung về Việt Nam thăm chồng. Cái tên Bảo An mà hai người lựa chọn cho con chính là mong ước sự bình an, may mắn sẽ luôn đồng hành cùng thiên thần nhỏ của mình.

“Vợ tôi về Việt Nam sinh cháu, 10 tháng sau cô ấy lại tiếp tục sang Nga bảo vệ luận án. Quãng thời gian này, chúng tôi phải nhờ ông bà nội lên Hà Nội chăm cháu vì tôi thường xuyên phải đi công tác. Tháng 8 năm ngoái, cô ấy mới hoàn thành luận án và về nước công tác. Ngày 10/3 này, chúng tôi kỷ niệm 10 năm trao nụ hôn đầu và 7 năm ngày cưới. Tôi dự định sẽ tặng cô ấy một món quà gắn với những ngày tháng bên nhau ở nước Nga”, anh nói.

Liên tục 3 năm (2014-2016), thiếu tá Phạm Xuân Hoàn đều là Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Bộ Tổng Tham mưu, Chiến sĩ thi đua cơ sở cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng khác. Sử dụng tốt tiếng Anh và tiếng Nga, thiếu tá Hoàn đã tham gia nhiều hội thảo, nhiều đoàn công tác trong và ngoài nước.

Năm 2014, anh là Trưởng đoàn chuyển giao công nghệ Địa hình tiên tiến cho Cục Công binh thuộc Bộ các lực lượng vũ trang cách mạng Cu Ba. Năm 2015, anh báo cáo tại Hội nghị Địa không gian khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC 2015) ở Singapore. Năm 2016, với tư cách là chuyên gia chuyên ngành viễn thám đã chuyển giao công nghệ với nội dung “Xây dựng Cơ sở dữ liệu địa hình và thông tin địa lý từ ảnh vệ tinh VNREDSat-1” cho Cục Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu QĐND Lào.

MỚI - NÓNG