Gỡ 'bom' chờ nổ

TP - Năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản trên cả nước vay nợ tổng cộng 318.200 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu. Trong đó, số trái phiếu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo một phần/toàn bộ bằng cổ phiếu lên tới 172.500 tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành.

Nhưng thực tế, con số này có thể lớn hơn vì có tới 33.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành hiện không có thông tin về tài sản đảm bảo. Điều này đồng nghĩa nền kinh tế và hàng chục nghìn nhà đầu tư đang đánh cược tiền thật làm ra từ “mồ hôi, xương máu” của mình để đổi lấy những quả bom chờ phát nổ.

Tác giả: Phạm Tuyên

Làm ăn, kinh doanh ở Việt Nam cũng như các nước, vay tiền là chuyện bình thường. Nhưng việc dòng tiền bị siết khiến không ít doanh nghiệp ngay lập tức mất khả năng cân đối dòng tiền kéo theo ngân hàng, nhà đầu tư trái phiếu rơi vào cảnh bấp bênh hơn bao giờ hết. Còn với các nhà đầu tư đã trót mua gần 10 nghìn tỷ đồng trái phiếu Tân Hoàng Minh trong 9 đợt phát hành hoặc như các nhà đầu tư mới đây rót 1.150 tỷ đồng để mua trái phiếu mã FLCH2123003 của FLC ngay trước thời điểm Chủ tịch tập đoàn này là ông Trịnh Văn Quyết bị bắt… những ngày này như ngồi trên đống lửa. Tiền đã chi ra, doanh nghiệp đã sử dụng cho các hoạt động đầu tư, thậm chí dùng để trả nợ vay trước đó, trong khi người đại diện lãnh đạo doanh nghiệp vay nợ đang bị bắt tạm giam, khiến nhà đầu tư như đi vào ngõ cụt.

Phát triển siêu nóng là từ hoàn toàn đúng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam thời gian qua. Nếu liệt kê chi tiết, tất cả các doanh nghiệp bất động sản lớn nhất của Việt Nam, bên cạnh việc vay vốn ngân hàng, còn đang gánh những khoản nợ tính bằng hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ. Điều đáng kinh ngạc nhất là có những giai đoạn, không ít doanh nghiệp càng vay nợ, càng nổi tiếng.

Việc cơ quan quản lý không kiểm soát xuể tình trạng “bát nháo” trên thị trường phát hành trái phiếu khi không ít doanh nghiệp có hành vi lừa đảo với nhiều thủ đoạn tinh vi cũng đã được ghi nhận. Thế mới có chuyện nhà đầu tư “ngã ngửa” phát hiện mình đang lao đầu vào việc đổi tiền thật lấy mớ giấy trái phiếu “3 không” thậm chí “5 không” như không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán, không có năng lực tài chính tốt, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Tất cả cũng chỉ vì dính bẫy mồi lãi suất cao ngất ngưởng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần lãi suất ngân hàng của doanh nghiệp phát hành.

Theo các chuyên gia, việc đến giờ các cơ quan chức năng mới mạnh tay trong việc siết lại kỷ cương của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là khá muộn. Nhưng đây là điều cần thiết để giúp thanh lọc và làm cho thị trường tài chính trở lại lành mạnh hơn. Tuy nhiên, “siết” thế nào để không bóp chết kênh huy động vốn quan trọng này cũng là vấn đề đang đặt ra.

Thực tế cho thấy, sau việc các ngân hàng đồng loạt “phanh” đột ngột việc cho vay với các dự án bất động sản, thị trường bất động sản ngay lập tức hạ nhiệt, thậm chí nhiều dự án gần như đóng băng, kênh huy động vốn của doanh nghiệp bế tắc. Cùng với đó, không ít doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng vạ lây từ việc “phanh” tín dụng này.

Cơ quan quản lý phải sớm lập ra một đơn vị có khả năng đánh giá độc lập cũng như xếp hạng tín nhiệm trái phiếu của doanh nghiệp cũng là yêu cầu đặt ra lúc này. Có như vậy việc gỡ những quả bom chờ nổ từ hệ lụy của việc phát hành trái phiếu “3 không” ồ ạt mới chấm dứt và nhà đầu tư, nền kinh tế không phải chịu những hệ lụy từ việc này.