Giáo dục Đà Nẵng: Mở cửa đón người tài

TP - Tháng 8/2015, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở các bậc học bằng hình thức thi tuyển. Không chỉ sinh viên mới ra trường, mà giáo viên hợp đồng đã giảng dạy nhiều năm muốn vào biên chế cũng phải bước vào kỳ thi công khai đầy cạnh tranh này.
Các trường phổ thông tại Đà Nẵng mở cửa thu hút giáo viên giỏi bằng hình thức thi tuyển đầy cạnh tranh. Ảnh: Thanh Trần

Cơ hội cho người trẻ

Năm nay, tất cả các giáo viên hợp đồng đều phải đi thi nếu muốn được vào biên chế. Tuy nhiên, việc thi hay không tùy thuộc vào tinh thần tự nguyện của mỗi người. Sở GD&ĐT còn nới rộng cơ hội này thêm cho rất nhiều đối tượng như: đối tượng có hộ khẩu thường trú (HKTT) tại Đà Nẵng, có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; các đối tượng không có HKTT tại Đà Nẵng phải tốt nghiệp ĐH ngành Sư phạm loại giỏi/xuất sắc, có chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng; các VĐV xuất sắc đang công tác tại đơn vị trực thuộc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ chuyên ngành TDTT loại khá/giỏi…

Một số quận trên địa bàn có số lượng giáo viên hợp đồng dôi ra rất nhiều so với nhu cầu tuyển dụng, như quận Hải Châu, bậc THCS có tới 111 giáo viên hợp đồng, trong khi nhu cầu tuyển dụng là 90 người; bậc tiểu học có tới 123 giáo viên hợp đồng và nhu cầu tuyển dụng chỉ 72 người. “Tại sao không tổ chức sàng lọc cho giáo viên đã có hợp đồng mà lại mở rộng cho các đối tượng khác. Như vậy có công bằng cho các giáo viên lâu nay có thành tích, đóng góp trong ngành giáo dục không?”- một giáo viên hợp đồng trường THCS Kim Đồng, quận Hải Châu thắc mắc.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, cho biết: “Đây là quyết định hết sức nhân văn cho cả giáo viên hợp đồng và sinh viên mới ra trường. Họ có cơ hội để được vào biên chế, dựa trên kinh nghiệm, năng lực của bản thân. Nếu chỉ tuyển dụng bằng cách sàng lọc giáo viên hợp đồng thì coi như không thu hút được những nhân lực mới, có chất lượng. Đã là cuộc thi thì có kẻ đậu người rớt, những giáo viên đã giảng dạy có lợi thế hơn về kiến thức, kỹ năng so với sinh viên, nắm được lợi thế đó mà vẫn không ôn luyện, không có năng lực thực sự thì chuyện thi trượt cũng dễ hiểu”.

Đồng quan điểm trên, bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang cũng cho rằng, kỳ thi sẽ là cơ hội lớn cho người trẻ, nhất là khi lượng sinh viên ĐH tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc rất nhiều. “Qua cuộc thi này, nếu lớp trẻ chứng minh được năng lực của mình thì sẽ trúng tuyển. Đây là cách tuyển chọn nhân lực không hề tiêu cực, không thể chạy chọt”, bà Trang nhấn mạnh.

Công bằng

Dự kiến tới ngày 10/8, Sở GD&ĐT Đà Nẵng sẽ niêm yết danh sách thí sinh và ngày 22/8 sẽ bắt đầu thi tuyển. Các thí sinh sẽ trải qua ba bài thi để đánh giá năng lực: thi kiến thức chung; thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành; thi ngoại ngữ. Người trúng tuyển là người có kết quả thi cao hơn, lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí
việc làm.

Cuộc thi còn mở cửa cho những giáo viên đã là viên chức muốn chuyển bậc dạy (từ tiểu học lên THCS) và địa điểm dạy (từ trường này sang trường khác). Tuy nhiên, để được dự thi,  những đối tượng này phải có quyết định thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý viên chức, đồng nghĩa với việc không có cơ hội quay trở lại vị trí cũ nếu thi trượt. Quy định trên có phần mạo hiểm đối với các giáo viên, đòi hỏi phải thật tự tin, suy nghĩ kỹ càng.

Giải thích về quy định khắt khe này, bà Hà nói đây là cách để tránh tình trạng giáo viên đứng núi này trông núi nọ, người muốn vào trường dạy không được, người vào rồi lại muốn đi. “Với quyết định thôi việc, chúng tôi sẽ nắm được số lượng giáo viên trong từng trường để cân đối nhu cầu tuyển dụng cho phù hợp, loại bỏ hồ sơ ảo, tránh tình trạng giáo viên còn dạy nhưng vẫn làm thủ tục thi ở các trường khác. Phải khắt khe như vậy, mới công bằng trong việc dành cơ hội cho các thí sinh khác”, bà Hà giải thích. 

Rất nhiều giáo viên trong diện hợp đồng lao động đang lo thi trượt, sẽ mất cơ hội làm việc, nếu không thi thì không còn cách nào để vào biên chế. “Nếu giáo viên hợp đồng thi trượt, chúng tôi sẽ căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng, thiếu chỉ tiêu sẽ hợp đồng lại. Tuy nhiên không dám đảm bảo 100% các giáo viên thi trượt sẽ được hợp đồng tiếp” - bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, nói.