Lãi hưởng, lỗ đổ cho dân
Không đồng tình với quy định xóa thuế cho các DNNN, theo ĐB Danh Út (Kiên Giang), việc này sẽ tạo ra bất bình đẳng giữa các DN. Nếu DN cứ làm ăn thua lỗ rồi xóa thuế sẽ kìm hãm sự phát triển, khuyến khích làm ăn phi pháp. Trên cơ sở đó, ĐB đề nghị không nên quy định điều này vào trong luật.
Tương tự, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng tỏ ra không đồng tình với việc xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho DNNN đang chuẩn bị cũng như đã cổ phần hoá. Theo ĐB Vở, chỉ nên xóa nợ trong những trường hợp phát sinh nợ do lỗi của cơ quan nhà nước, không nên xóa cho các đối tượng khác như dự án luật đã nêu, vì điều này trái với quy định của Hiến pháp là mọi công dân phải có nghĩa vụ đóng thuế.
ĐB Vở cũng cho rằng, “không thể chấp nhận tình trạng khi có lợi thì DN hưởng còn lỗ để nhà nước gánh chịu, mà nhà nước ở đây chính là người dân. Quy định này cũng thể hiện sự không nghiêm của pháp luật về thuế. “Pháp luật hiện hành quy định khi chuyển pháp nhân thì pháp nhân mới phải kế thừa các quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời phải chịu trách nhiệm với các khoản nợ, trong đó có cả nợ thuế”, ĐB Vở cho hay.
“Không thể chấp nhận tình trạng khi có lợi thì DN hưởng còn lỗ để nhà nước gánh chịu, mà nhà nước ở đây chính là tiền thuế của người dân”.
ĐB Trương Văn Vở
Cũng không tán thành với việc xoá thuế cho DNNN, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng, tờ trình của Chính phủ không nêu rõ số lượng bao nhiêu DN, hay tổng số số tiền xóa từ thuế là bao nhiêu? Trên cơ sở đó, nữ ĐB đang làm DN đề nghị không thực hiện chủ trương này để không tạo thành một chính sách thường xuyên, tạo sự bất bình đẳng trong nghĩa vụ nộp thuế. Có cùng nhận định, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, kể cả trong trường hợp chuyển giao, nếu thuế cũ còn nợ thì người chủ mới vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán toàn bộ. ĐB Lịch đề nghị Chính phủ thống kê danh sách cụ thể xem có bao nhiêu DN nằm trong diện được xoá thuế, đồng thời cần đưa ra kịch bản về mức độ phục hồi của DN, đặc biệt không được để quy định này trở thành một chủ trương dài hạn.
Giảm thuế, mua ô tô nhiều sẽ “tác động ngược”?
Một trong những kỳ vọng rất lớn của người tiêu dùng trong thời gian qua là việc đưa thuế suất về bằng không cũng như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tới đây sẽ góp phần giảm giá ô tô, lúc đó người có thu nhập trung bình khá sẽ có cơ hội mua sắm ô tô. Tuy nhiên khi thảo luận về lĩnh vực thuế tiêu thụ đặc biệt chiều cùng ngày, không ít ĐBQH đã lên tiếng phản đối chủ trương giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, vì cho rằng sẽ gây bất lợi cho DN nội địa và ngành ô tô Việt Nam.
Nêu quan điểm về điều này, ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) viện dẫn ra nhiều bất cập khi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và đề nghị cân nhắc kỹ để đảm bảo lợi ích giữa DN, người tiêu dùng, nhà nước. Trên cơ sở đó, vị ĐB đoàn Vĩnh Phúc đề nghị giữ nguyên thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc chỉ giảm ở mức thấp. Lý do mà ĐB Thuỷ đưa ra là khi giảm thuế đồng loạt sẽ gây “tác động ngược”. Vì khi đó người mua ô tô sẽ tăng đột biến, kéo theo hệ quả lớn về môi trường, kẹt xe, rồi tai nạn giao thông... Mặt khác, việc giảm thuế sẽ khiến DN ngoại hưởng lợi kép, còn DN nội sẽ gặp bất lợi, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, mất thị trường.
ĐB Lê Văn Lai (Quảng Nam) đưa ra cảnh báo, nếu giảm sâu thuế tiêu thụ đặc biệt thì “đất nước sẽ đối mặt với những thách thức mới”. Khi xe ồ ạt vào Việt Nam, ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ bước lên vũ đài mới với một sự “cạnh tranh không tương thích”. Ngành ô tô Việt Nam mới ra đời và còn non trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, trong khi đó các nước có đầy đủ điều kiện để chiến thắng chúng ta ngay trên sân nhà.
“Chính phủ đã tính tới chiến lược phát triển ô tô trong nước có khả năng thất bại không? Đã tính đến việc vượt qua khó khăn này bằng giải pháp nào chưa?”, đặt câu hỏi, rồi ĐB Lai cho biết, nếu thuế tiêu thụ đặc biệt giảm sâu, ngành ô tô trong nước sẽ “chết”. Tại Quảng Nam, DN ô tô sẽ không tồn tại, kéo theo nhiều hệ lụy, hàng chục nghìn lao động sẽ phải đối mặt với cảnh thất nghiệp.