Giảm biên chế

TP - Chuyện không lạ với ngành điện nhưng lại gây “choáng” với các ngành khác, thậm chí là cả với lãnh đạo cấp cao, khi đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiết lộ sự thật đáng suy ngẫm tại buổi làm việc của Thủ tướng với Bộ Công Thương: Năng suất của ngành này hiện chỉ bằng 40% Thái Lan, 60% Malaysia và 10% của Singapore.

Nguyên nhân sâu sa của việc năng suất lao động thấp, theo lãnh đạo ngành điện, là do đang dư thừa lao động. Nói một cách công bằng, với tổng số cán bộ công nhân viên trên toàn quốc hiện tại, EVN không phải có quá nhiều “quân”. Tuy nhiên, câu chuyện “tướng tài” biết dụng quân một lần nữa thể hiện rõ bất cập của ngành điện. Có tới hơn 6.700 nhân viên trong ngành chỉ thực hiện mỗi công việc “chân tay” đơn thuần: Ghi chỉ số công tơ bằng tay hằng tháng. Chất lượng lao động không cao này chính là “chiếc neo” kéo hiệu quả công việc của cán bộ, công nhân ngành điện xuống thấp?

Không trực tiếp yêu cầu đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành hoặc tập trung minh bạch giá mua bán điện, xóa tình trạng nhũng nhiễu, hạch sách người dân khi có nhu cầu lắp công tơ, Thủ tướng yêu cầu EVN và các doanh nghiệp khác của Bộ Công Thương phải tái cơ cấu “Con người”. Thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ được Thủ tướng đặc biệt lưu ý: Đẩy mạnh tập trung tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh. 

Thủ tướng điểm tên những lãnh đạo cao nhất của EVN phải báo cáo trực tiếp, làm thế nào để trong thời gian rất ngắn thôi, nâng cao năng suất, không thể kéo dài được. Câu hỏi ngỏ cũng là lời nhắn nhủ của Thủ tướng “Các đồng chí cần công nghệ thì mua. Mà tôi tin là người Việt Nam làm được đấy. Thứ hai nữa là tay nghề kỹ sư, công nhân phải cao hơn. Cái thứ ba các đồng chí phải giảm biên chế, không phải đẩy công nhân ra đường, mà bố trí làm việc khác”. 

“Giam biên chế”, chỉ là ba từ ngắn gọn nhưng với những “người ngoài” và “người trong” của EVN, đây là thông điệp hàm chứa nhiều ý nghĩa. Với các ngành khác, việc giảm biên chế có thể sẽ dễ dàng, đơn giản hơn do họ ít bị ảnh hưởng từ “cái bóng” và đặc quyền quá lớn của một tập đoàn như EVN. 

Không phủ nhận ngành điện đã thể hiện quyết tâm rất rõ trong việc cải tổ hoạt động, cũng như hình ảnh trong hai năm gần đây. Tuy nhiên, với bộ máy cồng kềnh bị đánh giá “thừa gần gấp đôi” so với các nước, sự dịch chuyển về phía trước của EVN quá chậm chạp so với sự chuyển biến của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng lao động, đầu việc được vạch sẵn của Thủ tướng, đang trở thành bài toán thực tế cũng như thách thức với lãnh đạo EVN.

Ai cũng hiểu “nhân sự” là điều khó nói, thậm chí đụng chạm hơn cả những vấn đề nóng khác như lương thưởng, đầu tư ngoài ngành, mua bán điện của đơn vị này, đàm phán giá với đơn vị kia. Cuộc trao đổi gần đây của PV Tiền Phong với cựu lãnh đạo EVN cùng một số chuyên gia am hiểu về ngành điện cũng cho thấy, vấn đề “con ông, cháu cha” luôn là câu chuyện tế nhị, khó nói, khó giải quyết tại tập đoàn này. Thậm chí, theo vị này, hiệu quả kinh doanh của EVN không tốt, không xứng tầm cũng một phần do bị ảnh hưởng của nguồn lao động chất lượng thấp cũng như những vấn đề nội bộ do quá khứ để lại.

Thẳng thắn thừa nhận những vấn đề bất cập của chính ngành mình là điều đáng biểu dương. Thậm chí lãnh đạo EVN còn khẳng định quyết tâm “ngành điện phấn đấu đến năm 2020 năng suất lao động bằng với mức của Malaysia hiện nay”. Dẫu muộn nhưng quyết tâm này cũng cho thấy bản thân lãnh đạo ngành điện đã thấy đến lúc không thể chần chừ thêm nữa. Đối mặt với sự tụt hậu hoặc tiếp tục bám víu vào “cái phao” độc quyền là chuyện nghiêm túc mà EVN phải đối mặt. Câu chuyện lấy lại niềm tin của người dân với EVN lại được tiếp tục đặt ra.