Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Bắc Kinh. Ảnh: AP
Theo trang tin Đa Chiều của người Trung Quốc ở hải ngoại, thông điệp thứ nhất trực tiếp nhắm đến phe cánh hữu Nhật Bản của Thủ tướng Abe. Về cơ bản, ông Tập nhắn nhủ ông Abe rằng, ông đồng ý thu xếp cuộc gặp Thủ tướng Nhật là vì lợi ích của APEC như một nguyên tắc lịch sự ngoại giao. Ông Abe không nên trông mong Trung Quốc sẽ nồng ấm với Nhật Bản chừng nào Tokyo tiếp tục phủ nhận sự thật lịch sử và thách thức yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, cụ thể là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Thứ hai, vẻ lạnh nhạt của ông Tập còn nhằm vào dư luận trong nước. Đó là một thông điệp có ý thức chính trị rất rõ ràng tương tự quyết định chọn thị trấn Cổ Điền (tỉnh Phúc Kiến, nơi diễn ra cuộc họp lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1929) để tổ chức Hội nghị Quân chính toàn quốc, nhằm khẳng định lại nguyên tắc đảng lãnh đạo quân đội. Qua cái bắt tay lãnh đạm, ông Tập muốn nói với người dân Trung Quốc rằng, ông sẽ tiếp tục hăng hái bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích cốt lõi, Đa Chiều nhận định.
Thứ ba, qua cái bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản, ông Tập muốn cho toàn thế giới thấy phản ứng của ông rằng, Trung Quốc hiện nay là một trong những cường quốc mạnh nhất thế giới, thể hiện sức mạnh và sự cương quyết trong việc bảo vệ các lợi ích của mình. Theo Đa Chiều, đây không chỉ là thông điệp dành cho Nhật Bản mà còn gửi đến Mỹ cũng như các nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Ấn Độ, Philippines…
Đầu tuần này, ông Tập và ông Abe mặt đối mặt lần đầu tiên kể từ khi hai nhà lãnh đạo lên nắm quyền vào năm 2012 và 2013. Báo Anh Daily Telegraph mô tả đó là “cái bắt tay ngượng nghịu nhất giữa các nguyên thủ quốc gia” khi hai nhà lãnh đạo Trung-Nhật công khai tiếp xúc.
Thái độ lãnh đạm của ông Tập khiến người ta ngạc nhiên khi Nhật Bản được cho là đã “nhượng bộ” trước thềm hội nghị APEC với nỗ lực thu xếp cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc và Thủ tướng Nhật Bản sau hai năm đầy sóng gió giữa hai quốc gia. Trước đó, giới chức ngoại giao Trung-Nhật đã đạt được thỏa thuận 4 điểm nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai nước.