Từ giả danh trường
Lợi dụng tân sinh viên còn nhiều bỡ ngỡ lại phải đóng học phí qua tài khoản ngân hàng nên thời gian qua, nhiều đối tượng tìm cách mạo danh các trường đại học lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền. Mới đây, trường ĐH Sài Gòn đã phát thông báo lưu ý sinh viên về tình trạng có người mạo danh nhà trường nhắn tin yêu cầu đóng học phí học kỳ một năm học 2021-2022. Thông báo của trường nêu: “Hiện nay xuất hiện một đối tượng tham gia vào nhóm chat trên Facebook và Zalo của một khoa và sau đó nhắn tin cho các tân sinh viên khóa 21 về việc phải đóng học phí Học kì I năm học 2021-2022 vào một số tài khoản cá nhân tên: Quách Cẩm Tú. Nhà trường thông báo đây là thông tin lừa đảo”.
Nhà trường đề nghị những sinh viên nào đã lỡ chuyển tiền cho số tài khoản lừa đảo tên Quách Cẩm Tú vui lòng báo cho trường biết. Trường ĐH Sài Gòn cũng lưu ý sinh viên, khi thu học phí hoặc bất kì khoản thu nào, nhà trường đều sẽ ban hành văn bản kèm theo thông tin cụ thể số tài khoản của nhà trường và sẽ được đăng trên các kênh thông tin chính thống của trường.
Sinh viên khi nhận được các thông báo đóng bất kì loại phí nào cho trường từ những nguồn thông tin không rõ ràng, không chính thống, cần liên hệ cố vấn học tập, văn phòng khoa hoặc trang thông tin chính thức của trường trên Facebook để xác thực thông tin trước khi tiến hành chuyển khoản.
Hồi đầu tháng 10, trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng cảnh báo hiện tượng một số tân sinh viên bị dụ dỗ chuyển khoản đóng học phí hộ. Các đối tượng này liên hệ với tân sinh viên để dụ dỗ “Chuyển khoản cho chị, chị đóng học phí cho” và nghiêm trọng hơn, có kẻ còn mạo danh giám đốc ngân hàng gọi điện xác minh để nạn nhân tin tưởng.
Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã phải lưu ý tân sinh viên không giao dịch tiền đóng học phí với bên thứ 3 và khi đóng học phí, phải chuyển khoản trực tiếp đến số tài khoản ngân hàng của trường thông qua hình thức internet banking hoặc tại phòng giao dịch của ngân hàng theo thông tin mà nhà trường đã thông báo.
Ngoài ra, tuyệt đối không chia sẻ thông tin tài khoản và thông tin cá nhân cho những người không quen biết. Nhân viên ngân hàng và cán bộ, nhân viên của trường sẽ không chủ động liên hệ với tân sinh viên để hỗ trợ đóng học phí. Vì vậy, hãy chú ý đề cao cảnh giác đối với những đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng hoặc cán bộ, nhân viên của trường và đề nghị hỗ trợ đóng học phí. Trường ĐH Hà Nội cũng từng có cảnh báo tương tự trên fanpage của trường khi có tân sinh viên phản ánh nhận được cuộc gọi yêu cầu chuyển thêm phí nhập học. Còn sinh viên trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải từng nhận được tin nhắn giả danh cán bộ của trường để yêu cầu đóng tiền đăng ký học lại, học cải thiện điểm.
Không những thế, trước thông tin TPHCM sẽ từng bước nới lỏng giãn cách từ 1/10, mạng xã hội lan truyền thông tin sinh viên trường ĐH Công nghiệp TPHCM (HUTECH) sẽ đi học trực tiếp tại trường từ 11/10. Ngay sau đó bộ phận truyền thông của nhà trường phải lên tiếng khẳng định thông tin đi học trực tiếp trở lại từ ngày 11/10 là không đúng.
Đến giả danh Bộ GD&ĐT
Bộ GD&ĐT vừa phát đi cảnh báo trên mạng xã hội đang tồn tại nhiều trang thông tin mạo danh Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Thống kê sơ bộ cho thấy có ít nhất 10 trang fanpage giả danh Bộ GD&ĐT hoặc Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Trong số này có những fanpage trên Facebook dù mang tên “Bộ Giáo dục và đào tạo” nhưng từ năm 2020 đã đăng nhiều bài viết “Dịch vụ làm bằng cấp, chứng chỉ chuyên nghiệp, uy tín, chất lượng”; “Nhận làm tất cả các loại bằng: Đại học, cao đẳng, trung cấp, bằng cấp 3, chứng chỉ, TOEIC, TOEFL, IELTS, bằng y tá, bằng bác sĩ, dược sĩ”; “Nhận làm tất cả mọi loại giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ khác... theo đúng nhu cầu của khách hàng”. Bộ GD&ĐT đã thông báo cho cơ quan chức năng xử lý, đồng thời lưu ý người dùng hết sức cảnh giác với những trang thông tin mạo danh này.
Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2 kết thúc, một số diễn đàn học sinh, sinh viên trên mạng xã hội lan truyền thông tin, từ năm 2022, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, Bộ đề xuất chuyển từ hình thức thi trắc nghiệm sang tự luận; đưa các tác phẩm ngoài chương trình vào đề thi môn Ngữ văn; đề thi sẽ khó hơn và có thể thi trên máy tính; các trường ĐH đồng loạt tổ chức thi riêng…Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, những nội dung này là bịa đặt, sai sự thật. Vì vậy, cộng đồng mạng cần cảnh giác. Bộ GD&ĐT đã thông báo tới các bộ phận chức năng để giải quyết.
Trước vấn nạn tin giả, tin xấu tấn công ngành giáo dục, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay: “Mục đích của việc phát tán tin giả là để lan truyền tin đồn thất thiệt gây mất uy tín cho cá nhân hoặc tổ chức trong ngành giáo dục. Vì thế cần cung cấp nhanh chóng, đầy đủ các thông tin chính thức liên quan để cơ quan chức năng có căn cứ xử lý nghiêm”.
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ GD&ĐT cho hay, tin giả, tin xấu, tin mạo danh rất tai hại với mọi ngành, không riêng giáo dục. Để tình trạng thông tin thật giả lẫn lộn, gây hoang mang dư luận như hiện nay chứng tỏ tội phạm mạng công khai hoạt động. Vì vậy, cần sự tỉnh táo của người tiếp nhận nhưng rất cần cơ quan an ninh mạng phải ra tay, vào cuộc.