Fukushima yêu hơn bao giờ

TPO - Gần bốn năm chịu các sang chấn tâm lý qua tai nạn rò rỉ phóng xạ nhà máy điện hạt nhân Fukushima khiến nhiều chục nghìn người mắc bệnh, thậm chí tử vong. Vậy mà dân chúng Fukushima lại gắn bó quê hương hơn. Họ gắn bó theo cách hiếm có, hầu như không cầu viện đến trợ giúp của ngoại quốc, thậm chí chính quyền trung ương.
Sáu tháng một lần, anh Daihisa Masahide đưa con trai Daihisa Haruku năm tuổi đến kiểm xạ tại Bệnh viện Minami-Soma. Ảnh: Phương Liễu.

Kỳ 1:  Giữ chân đồng bào - Kiểm xạ cơ thể

Không chờ chính quyền trung ương ra tay, để bảo vệ hình ảnh quê hương, suốt hơn ba năm qua, các nhà chuyên môn địa phương kiên trì thực hiện một hành động hiếm thấy là cho kiểm xạ cơ thể dân chúng trong vùng.

Scan từ trẻ đến già

Đều đặn sáu tháng một lần, bé Daihisa Haruki năm tuổi, con trai anh Daihisa Masahide ở Thành phố Soma cách nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Fukushima Daiichi khoảng 45 km về phía bắc, được đưa đến Bệnh viện Minami-Soma để kiểm xạ.

 “Các bác sĩ nói không phát hiện ra chất phóng xạ cesium 137 trên cơ thể con tôi. Mức nhiễm phóng xạ nhiều lần đo được khoảng 5-7 mSv. Đây là mức nhiễm xạ an toàn nhưng tôi không yên tâm. Vì thế, tôi vẫn đưa Haruki đi kiểm xạ định kỳ”, người đàn ông 33 tuổi nói với chúng tôi vào một buổi chiều muộn khi ngồi trông con trai đang chơi game gần lối cửa chính Bệnh viện Minami-Soma, Thành phố Minami-Soma, Tỉnh Fukushima.

Nhưng được hỏi sao không bỏ nơi này ra đi cho an toàn, người đàn ông thân hình vạm vỡ không nói thêm lời nào.

Bốn tháng sau sự kiện rò rỉ phóng xạ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ngày 11/3/2011, chương trình kiểm tra độ nhiễm xạ trong cơ thể được thực hiện ở ba thành phố Minami-Soma, Soma và Kawauchi, Tỉnh Fukushima, Tiến sĩ Masaharu Tsubokura, bác sĩ y khoa Bệnh viện Minami-Soma, cho biết.

Các bác sĩ bệnh viện tự tiến hành các test thử toàn thân (Whole Body Counter) để kiểm tra ảnh hưởng của phóng xạ liều thấp tới cơ thể người ra sao. Các máy đo này được lấy từ mỏ uranium từ miền đông Nhật Bản.

“Bản thân tôi cảm thấy vô cùng có lỗi với dân chúng nơi đây”, Tiến sĩ Masaharu Tsubokura, bác sĩ y khoa Bệnh viện Minami-Soma.

“Chúng tôi đã yêu cầu chính phủ đưa máy để làm việc này nhưng chính phủ bảo để chúng tôi tự làm”, Bác sĩ Tsubokura nói. “Tính đến hết năm 2012, khoảng 10 nghìn lượt được kiểm xạ. Tuy nhiên số người được kiểm xạ này chỉ chiếm khoảng 1/3 số bị phơi nhiễm phóng xạ từ thảm họa Fukushima. Bản thân tôi cảm thấy vô cùng có lỗi với dân chúng nơi đây”.

Ông cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện tại Fukushima được trang bị ba máy Whole Body Counter và đã tiến hành kiểm xạ cho khoảng 400 nghìn lượt dân chúng. Theo ông Tsubokura, “rất may các trường hợp bị nhiễm xạ nội chiếu thấp. Tỉ lệ phát hiện phóng xạ Cesium 137 được phát hiện chỉ ở mức 0.01- 0.1 mSv/giờ”.

Hai nhà báo Việt Nam đang được thực hiện test thử toàn thân (Whole Body Counter) để xác định liều nhiễm phóng xạ nội chiếu tại Bệnh viện Minami-Soma chiều 10/9. Ảnh: Phương Liễu. 

Để đo mức bức xạ nội chiếu ở trẻ em, bắt đầu từ năm 2013, Giáo sư Hayano và đồng nghiệp đã phát triển một thiết bị cho phép quét toàn bộ cơ thể với tên gọi là Babyscan.

Ba năm rưỡi sau thảm họa, chương trình kiểm xạ toàn thân cho trẻ bằng máy Babyscan được triển khai tại ba bệnh viện của Tỉnh Fukushima gồm Hirata, Iwaki, và Minami-Soma. Tổng số trẻ được kiểm xạ là 1000. Không trẻ nào phát hiện nhiễm phóng xạ cesium. “Không có gì phải lo lắng vào thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai bởi liều bức xạ tại Fukushima rất thấp và hoàn toàn an toàn đối với trẻ”, Giáo sư Ryugo Hayano nói.

Tại sao tỉ lệ phát hiện phóng xạ lại thấp đến vậy? Phóng xạ Cesium tự bay đi khi giặt, phơi quần áo, theo các nhà khoa học. Chu kỳ bán rã của chất này 3-4 tháng. Do đó khả năng người bị phơi nhiễm trong cuộc sống hằng ngày ở đây rất thấp.

 Giáo sư Ryugo Hayano, Khoa Vật lý, Đại học Tokyo, cha đẻ Babyscan - thiết bị kiểm xạ trẻ em đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Phương Liễu.

Không cần nhưng vẫn cần

Không cần dùng Babyscan để kiểm tra độ nhiễm xạ của trẻ nhưng nên dùng tiếp để trấn an tâm lý cha mẹ trẻ. “Đó là phương tiện truyền thông quan trọng”, Giáo sư Hayano cho hay.

Đất bị nhiễm xạ nhưng mức độ nhiễm xạ nội chiếu trên người ở Fukushima rất thấp. Mức nhiễm xạ đo được ở trẻ là 0,001 mSv/năm, liều quá thấp và không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của các bé. 

Nhưng cha mẹ các em vẫn lo lắng con cái họ bị nhiễm xạ nội chiếu. Đây cũng chính là động lực giúp các nhà khoa học tham gia dự án phát triển Babyscan. Nó không đơn giản chỉ là một máy đo phóng xạ đơn thuần mà là thiết bị truyền thông giúp lấy lại niềm tin của dân chúng. 

Ông kể với đoàn nhà báo tham gia một cuộc họp báo tại Bệnh viện Minami-Soma chiều 10/9: “Chúng tôi nói với những người lớn tuổi ở đây rằng họ không cần phải kiểm xạ. Họ đáp lại rằng họ không quan tâm nhưng cần phải làm việc đó với con của họ”.

Tháng 12/2013, thiết bị Babyscan đầu tiên được triển khai ở Thành phố Hirata. Tháng 5/2014, bệnh viện tại Iwaki tiếp nhận thiết bị Babyscan thứ hai và, vào tháng 7 vừa qua, Bệnh viện Minami-Soma là địa điểm tiếp theo triển khai chương trình Babyscan, với tổng cộng 216 trẻ được kiểm xạ.

Hayano coi Babyscan là thiết bị tuyên truyền nên đã thiết kế lại trông nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. “Chẳng cha mẹ nào đem con cái đến scan lại yên lòng khi nhìn thấy con mình được đưa vào cỗ máy thô kệch thế này”, vị giáo sư dáng lanh lẹn nói.

Họ thuê nhà thiết kế nổi tiếng Nhật Bản là Giáo sư Shunji Yamanaka, Đại học Tokyo, thiết kế lại máy Babyscan với lớp vỏ nhựa màu sắc bọc bên ngoài các khối sắt thay vì nguyên bản thô trước kia. “Và giờ nó có hình thù khá ấn tượng thế này”, Giáo sư Hayano chiếu hình ảnh cải tiến của máy Babyscan trên màn hình.

Đây cũng là chiếc máy scan cơ thể trẻ em đầu tiên trên thế giới. Chưa có khảo sát tình trạng dân chúng Fukushima có thực sự an lòng sau khi được kiểm xạ toàn bộ cơ thể, Giáo sư Ryugo Hayano, Khoa Vật lý, Đại học Tokyo, trả lời qua thư điện tử.

Dù thế, trong chuyến khảo sát Fukushima nửa đầu tháng 9/2014, đoàn nhà báo quốc tế thuộc Chương trình SjCOOP Asia (Hợp tác Báo chí Khoa học Châu Á) chưa ghi nhận được trường hợp nào muốn rời bỏ quê hương dù lòng họ nặng trĩu nỗi lo.

"Babyscan không cần thiết về chuyên môn nhưng lại rất cần thiết để truyền thông", GS Hayano. Ảnh: Phương Liễu.

Di dân - Tưởng hay hóa dở

“Không có trường hợp nào tử vong hay bị bệnh nghiêm trọng do phóng xạ rò rỉ từ nhà máy bị tàn phá trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima. Điều này sẽ không thay đổi. Tuy nhiên, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của nhóm sơ tán lại là một câu chuyện rất phức tạp”, nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc (UN) cảnh báo.

Bản báo cáo rút gọn 80 trang của Ủy ban Điều tra Độc lập Quốc hội Nhật Bản (NAIIC) công bố cuối năm 2012 chỉ rõ cư dân ở những vùng bị ảnh hưởng bởi phóng xạ rò rỉ từ nhà máy ĐHN Fukushima ngay sau trận đại động đất và sóng thần hôm 11/3/2011 vẫn tiếp tục vật lộn với các vấn đề sức khỏe, thể chất, tâm lý, và đến an sinh xã hội.

Vẫn theo NAIIC, cư dân ở nhiều vùng xung quanh Fukushima vẫn chịu ảnh hưởng của phơi nhiễm phóng xạ, di dời nhà ở, ly tán gia đình, đảo lộn cuộc sống và lối sống trước kia.

Tiến sĩ Sae Ochi, Giám đốc Y học Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Soma nói: “Sơ tán, di chuyển quãng đường dài, kèm theo đó là thay đổi đột ngột môi trường sống đã làm tăng căng thẳng tâm lý cũng như thể chất của nhiều người”.

Số nhà ở khu vực phía đông Thành phố Minami-Soma hiện không có người ở. Dân chúng ở đây sau khi sơ tán không quay trở lại vì phần sợ phóng xạ, phần vì bạn bè thân nhân rời đi hết và bệnh viện ở đó cũng đóng cửa.

Tiến sĩ Tomoyoshi Oikawa, Phó Giám đốc Bệnh viện Minami-Soma, Thành phố Minami-Soma, Tỉnh Fukushima, riêng tại Minami-Soma, số lượng bệnh nhân đột quỵ, tim nhập viện không ngừng tăng, từ 14,7% mỗi tháng lên 35,5 % mỗi tháng (tăng 2,4 lần so với trước khi xảy ra thảm họa).

 Xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn trong tương lai, bác sĩ phẫu thuật Oikawa chia sẻ kết quả thống kê lượng bệnh nhân vào viện do đột quỵ mà ông thực hiện suốt ba năm qua.

Không những vậy, sau thảm họa, có sự thay đổi đáng kể về số lượng và kết cấu dân số. Dân số hiện chỉ bằng 50% so trước khi thảm họa xảy ra. Trong đó, tỉ lệ trẻ em 0-14 tuổi giảm từ 13,8 % (1/3/2011) xuống mức 9% (1/3/2013).

Giờ, số lượng dân có thể ổn định nhưng, vài năm tới, dân số có thể giảm nữa, Phó Giám đốc Bệnh viện Minami-Soma lo lắng.

Căng thẳng, thiếu các điều kiện về y tế là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng trên, Bác sĩ Oikawa cho biết. 

Chỉ vì tranh cãi nhau trong việc có nên trồng rau sau khi trở về nhà hay không, các thành viên trong một gia đình ở Fukushima, nơi xảy ra tai nạn hạt nhân đầu tiên của Nhật Bản sau thảm họa đại động đất, sóng thần 3/2011, trở nên lục đục.

Nghiên cứu mới nhất của Viện Tâm thần Fukushima cho thấy nguyên nhân chính là ám ảnh về tác động của phóng xạ. Nỗi sợ hãi vô hình về phóng xạ và những thay đổi đột ngột môi trường sống đã khiến nhiều người vùng bị ảnh hưởng phải đối mặt với bốn vấn đề xã hội lớn gồm tình trạng gia tăng tỷ lệ người tự tử, gia tăng số trẻ em béo phì, ly hôn và gia tăng số người nghiện thuốc là và nghiện rượu.

Vì lo lắng con cái sẽ nhiễm phóng xạ, không ít phụ huynh bắt các con lủi thủi chơi trong nhà sau giờ học. Vận động giảm dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ gia tăng, Tiến sĩ Sae Ochi chia sẻ.

Các chuyên gia Nhật Bản lo ngại, bị tác động tiêu cực từ việc bị giảm lỏng, nhiều em có sức khỏe yếu hoặc khó kết bạn. Một số em thậm chí không biết đi xe đạp và bị rối loạn cảm xúc.

Mối quan hệ trong gia đình cũng thay đổi nhiều sau tai nạn. Một số gia đình rơi vào cảnh ly tán. Chồng vẫn làm tại khu vực nhiễm xạ trong khi vợ con đã dời đi nơi khác, Nhà báo Aki Ohmori, làm việc tại Báo Yomiuri Shimbun, chia sẻ với nhóm phóng viên Khóa học SjCOOP ngày 9/9/2014.

Đón đọc Kỳ cuối “Nặng lòng”. Tục ngữ có câu “Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”. Người Nhật Bản có cách thể hiện tình yêu quê hương gần như ngược lại. Họ không ngần ngại bố trí cho đoàn nhà báo quốc tế tới Fukushima để tận thấy những tai ương vẫn đang chồng chất ở đó.

Theo Tri Thức Trẻ