Đường dây nóng giao thông: Hiệu quả nhưng ít người gọi

TP - Tết 2013, mỗi số điện thoại đường dây nóng nhận 200 cuộc mỗi ngày, Tết 2014 chỉ có 30 cuộc/ngày. Lượng cuộc gọi ít do các bức xúc về đi lại dịp Tết giảm hay hoạt động của đường dây nóng đang có vấn đề?
Hành khách xe 17K-9318 đứng ngồi chen chúc ngay cửa lên xuống (chụp chiều 5/2 tại ngã ba Pháp Vân-Hà Nội). ảnh: sỹ lục

Nhà xe chùn tay?

Trước Tết Nguyên đán, Ủy ban ATGT Quốc gia công bố 17 số điện thoại đường dây nóng nhận tin báo về vận tải trong dịp Tết. Sự nghiêm túc, quyết liệt của Ủy ban với giải pháp đường dây nóng được thể hiện qua việc có báo cáo hằng ngày về vấn đề này.

Theo đó, trung bình mỗi ngày có 30 cuộc gọi đến một số đường dây nóng. Các cuộc gọi của hành khách chủ yếu tập trung vào trước và sau Tết (thời điểm hoạt động vận tải tăng cao) về hiện tượng nhồi nhét, ép giá của xe khách. 

Qua tin báo, nhiều trường hợp được xử lý như: Xe khách 16H- 4365 từ Hải Phòng đi Thanh Hoá (nhà xe Tuấn Tài) niêm yết 95.000 đồng nhưng thu tới 200.000 đồng, xe 35 chỗ chở 60 người; xe 17H-3497 của nhà xe Hưng Hải chạy tuyến Thái Bình - Lai Châu chở hơn 80 người trong khi xe chỉ có 45 chỗ; xe 30M 89848 tuyến Tuyên Quang – Na Hang tăng giá vé gấp 3 lần bị yêu cầu trả lại tiền và xin lỗi hành khách.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, quy trình giải quyết tin báo Tết này là: Khi nhận xong, báo ngay cho các lực lượng chức năng tại địa phương để xử lý; xử lý xong thông báo kết quả với người báo tin. 

“Năm nay, Ủy ban chủ động hơn nhiều trong cách xử lý. Sự thay đổi rõ nét nhất là hầu hết người báo tin đều nhận được các phản hồi rất tích cực” - ông Hiệp nói. Về số cuộc gọi ít hơn, ông Hiệp cho rằng, có nguyên nhân từ việc doanh nghiệp vận tải đã có ý thức kinh doanh lành mạnh; tiêu cực của lực lượng chức năng trên đường giảm.

Để kiểm chứng “phản ứng” của đường dây nóng, chiều 5/2, phóng viên Tiền Phong có mặt tại Ngã ba Pháp Vân (Hà Nội), quan sát thấy dòng xe khách rầm rập trở về Thủ đô sau Tết, có nhiều xe người ngồi chen chúc ở cửa xe nhưng không có lực lượng xử lý.

Phóng viên điện vào số đường dây nóng của Cục CSGT Đường bộ Đường sắt (069.42608). Tuy không nhận được tin báo phản hồi nhưng khoảng 15 phút sau, một tổ công tác của Đội CSGT số 14 đã xuất hiện tại đây. Trong khoảng 10 phút, tổ công tác này xử lý được 2 xe chở quá từ 3-5 người.

Thượng úy, Nguyễn Hồng Thanh, thành viên tổ công tác nói: “Năm nay các số đường dây nóng được công bố rộng rãi, ai cũng có thể điện báo nên nhà xe lo ngại. Dù còn xe chở quá số người quy định nhưng không còn hiện tượng khách phải ngồi chen chúc, ngồi trong khoang hàng như trước đây”.

Số đường dây nóng khó nhớ, khó tìm

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đường dây nóng là giải pháp hiệu quả trong giám sát vận tải. Các nhà xe “ngại” với số đường dây nóng này bởi bất kỳ ai, khi nào cũng có thể nhắn tin hoặc gọi điện thông báo vi phạm. Tuy nhiên, với việc số cuộc gọi năm nay ít dần, ông Hiệp cho rằng cũng phải xem xét lại việc công bố số điện thoại đường dây nóng.

Như Tiền Phong nhiều lần phản ánh, số điện thoại đường dây đang sử dụng là những số khó nhớ và chỉ cung cấp qua kênh báo chí khiến cho hành khách khó tìm. Khi tìm các số đường dây nóng để gọi, phóng viên Tiền phong cũng phải sử dụng điện thoại có kết nối intenet để tra cứu trong các bản tin đã đưa trước đây. Trong khi đó, hành khách đi xe, không phải ai cũng sẵn điện thoại, hoặc máy tính có truy cập mạng để tìm. 

Trong khi đó, trước Tết, Ủy ban ATGT Quốc gia công bố kế hoạch dán số điện thoại dây nóng lên thành xe nhưng không triển khai kịp. Ông Hiệp cho biết, thời gian tới, Ủy ban sẽ chọn một vài số điện thoại di động để sử dụng hằng ngày, không chỉ dịp Tết. Biện pháp công bố số đường dây nóng trên thành xe cũng sẽ được thực hiện để xử lý rốt ráo hơn.

Về phía người dân, qua khảo sát, phỏng vấn nhanh một số hành khách cho thấy, nhiều người chưa thực sự tiếp cận được số điện thoại đường dây nóng và có ý thức tự bảo vệ mình trước các vi phạm của nhà xe. 

Chẳng hạn, khi phóng viên cùng CSGT lên xe khách giường nằm 36B 05548 chạy tuyến Nghi Sơn (Thanh Hoá) – Hà Nội của nhà xe Bích Thục chiều 5/2 tại Ngã ba Pháp Vân, tất cả hành khách chở vượt quá bị lái phụ xe dồn về phía cuối xe nhằm tránh sự kiểm tra. Qua đó cho thấy, thực trạng hành khách thờ ơ hoặc biết nhưng phải cam chịu, phó mặc tính mạng mình cho nhà xe vẫn chưa dứt.

286 người chết, 324 bị thương trong 9 ngày Tết

Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, 9 ngày Tết (từ 28/12 đến 6/1 âm lịch), toàn quốc xảy ra 338 vụ tai nạn (không tính va chạm), làm chết 286 người, bị thương 324 người.

Trong đó, 2 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đều xảy ra với xe máy: Ngày 2/2 tại tỉnh lộ 602 (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), mô tô kẹp 4 đâm xe máy chở 2 làm 3 người chết tại chỗ, 3 người bị thương; ngày 3/2, tại tỉnh lộ 429 (xã Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Nội), môtô chở 3 đâm vào mô tô chở 2 làm 4 người chết và 1 người bị thương.