Chả phải đều đặn những lần phóng viên nhiếp ảnh Đoàn Công Tính của báo Quân đội nhân dân (QĐND) tình cờ trở lại chiến trường cổ thành. Ông trở lại bởi một việc trọng. Buổi giao lưu do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức cần ông có mặt để hoàn thiện một kết thúc có hậu của lịch sử.
Khoảnh khắc xuất kích tại trận đánh ác liệt ở đất Cam Lộ đầu năm 1970 của Trung đoàn Độc lập 27 được phóng viên chiến trường báo QĐND Đoàn Công Tính ghi lại trong bức ảnh nổi tiếng Xung phong.
Không khuôn cứng trong hình là hình ảnh hai người lính thông tin trẻ đang căng mình trong tư thế chiến đấu mà người bấm máy trong tích tắc ấy đã chớp giữ được thứ nhỡn lực rất trận mạc. Gần nửa thế kỷ qua, Đoàn Công Tính qua Xung phong đã góp cho tượng đài vệ quốc Việt một chi tiết sinh động bắt mắt. Xung phong đã, đang và sẽ bắt mắt với hậu thế từng đoạt các giải thưởng trong nước và quốc tế.
Phía trước tôi và Đoàn Công Tính là ông Đỗ Đức Thắng, người đang nói vào máy bộ đàm trong tấm ảnh Xung phong. Ông Thắng quê Phúc Thọ, Hà Tây cũ. Vào chiến trường năm 1968. Người đi bên cạnh ông Thắng là ông Hồ Minh Quang dáng hơi lụ khụ vì tuổi tác lẫn thương tật. Ông Minh quê ở thôn 8, Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông Minh cũng là anh chiến sĩ trẻ măng trong Xung phong của Đoàn Công Tính. Phải, hai chiến sĩ trong bức Xung phong may mắn còn sống. Bao nhiêu người dự buổi giao lưu tối nay đang háo hức chứng kiến giây phút gặp lại của ba người, người chụp và hai người trong bức ảnh gần nửa thế kỷ.
Đó là chuyện của năm ngoái. Còn bây giờ bước chân tôi đang chớm vào khu di tích đặc biệt cổ thành. Quen thuộc là thế nhưng lần này có chi khang khác? Khác khung cảnh cùng âm thanh? Mọi bận chỉ nghe tiếng sột soạt khe khẽ guốc dép nhưng nay đang ngập tràn tiếng động của máy cưa, cắt đá cùng tiếng đục đá. Ngó kỹ thì thấy âm thanh đó phát ra từ những vị trí khác nhau trong khu tưởng niệm mênh mông. Mỗi vị trí như thế dưới là vuông vức những hàng gạch dùng làm đế. Trên là những cỗ, những nhóm tượng bằng đá granite đang đục đẽo dở thứ thấp thứ cao. Khu tưởng niệm liệt sỹ thành cổ đang được sửa sang bày biện mới chăng?
Sau thủ tục dâng hương ở Đài tưởng niệm Liệt sĩ, thoáng cái dáng hầm hố quen quen của nhà điêu khắc xứ Đà Nẵng nhưng là tầm quốc gia Phạm Văn Hạng bên một bức tượng đang trong giai đoạn hoàn tất. Tôi nán lại thì được biết UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tổ chức trại sáng tác điêu khắc Thành cổ Quảng Trị mang tên Bất tử và Tri ân. Tôi cố nắm bắt thông điệp qua cung cách nhát gừng kiệm lời của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng để cố mường tượng ra một không gian tâm linh, thông qua loại hình tượng công viên để tổ hợp thành một vườn tượng trên diện tích hơn 10ha có chủ đề về chiến tranh cách mạng. Những mảng khối ngôn ngữ đặc thù của điêu khắc, các tác phẩm tượng như kết nối như châu tuần vào Đài tưởng niệm Trung tâm Di tích đặc biệt quốc gia Thành cổ Quảng Trị.
Bố cục cùng không gian ấy sẽ toát yếu không khí tưởng niệm những người con trẻ tuổi của đất nước đã bỏ mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà hài cốt của họ đã hòa tan vào đất đai, cỏ cây và sông nước quê hương. Người xem sẽ liền mạch liên tưởng từ phía lòng sông Thạch Hãn thời trận mạc 81 ngày đêm ấy. Sử sách ghi lại rằng sau một ngày, một đêm lại có một đại đội lính mới, trẻ qua sông Thạch Hãn vào thế chân những anh lính đã chiến đấu suốt 24 giờ qua. 24 giờ cho một cuộc đời chiến sĩ trong Thành cổ. Cuộc thay quân để quyết giữ trận địa bằng xương máu dằng dặc thê thiết suốt cả mùa mưa. Thành cổ chu vi chỉ non 2.160m2 mà phải chịu hơn 8 vạn tấn bom đạn.
Cái chết bắt đầu cho sự sống, cho chiến thắng và giờ để hoài niệm về chiến trường xưa. Chúng ta viên mãn với cuộc sống trong xây dựng hòa bình, hồi sinh trên đổ nát nhưng không bao giờ quên những mất mát hy sinh ở cửa tử bi hùng này để đi đến chiến thắng sau cùng.
Qua cô nhân viên của ban tổ chức, tôi được biết thêm trại sáng tác tổ chức được hơn một tháng khai mạc từ hồi đầu tháng 5. Ban tổ chức lựa được 22 phác thảo trong số 59 phác thảo dự thi đưa vào thi công.
Ngó vội tờ giấy từ tay cô, tôi được biết thêm danh sách các tác giả dự thi kèm tác phẩm. Một cái tên chợt lóe, điêu khắc gia Trần Luân Tín!
Tác phẩm Bất tử của Trần Luân Tín kia! Một khối điêu khắc bằng chất liệu granite đang được một tốp thợ hoàn thiện theo ý tưởng của tác giả. Đang dần rõ rệt hình khối của người lính ở thế trực, tay phải đè lên quả bom, tay còn lại nâng cánh chim bồ câu. Có phải khối đá kia đang toát lên hình ảnh con người Việt sau chiến tranh, bình thản và nghị lực đứng lên từ những hoang tàn đổ nát?
Hỏi thăm thêm, tác giả đang ở phía Nam không có mặt ở đây. Nhưng tôi biết Trần Luân Tín năm 2010 đã từng đoạt giải của Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh với cuốn hồi ký Được sống và kể lại.
Có lẽ tôi cũng hơi bị nghiêng về phía cực đoan của một người bạn rằng, thời buổi này không có gì đáng đọc ngoài hồi ức lính. Rằng, hay như hồi ức lính! Trần Luân Tín với cuốn Được sống và kể lại dường như đã thêm một trọng lượng đáng kể cho lời nói ấy?
Tác phẩm “Bất tử” của tác giả Trần Luân Tín.
Được sống và kể lại dường như là cuốn tự truyện về chiến tranh mới nhất hiện có mặt trên các quầy sách. Tác giả của nó, điêu khắc gia Trần Luân Tín, nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 18 thông tin, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Đơn vị này đã trực tiếp tham chiến tại Thành cổ Quảng Trị những năm 1972 rực lửa. Chàng sinh viên thuộc hệ sơ trung 7 năm là lứa cuối cùng trong chương trình đào tạo hệ 7 năm của Đại học Mỹ thuật Hà Nội trở thành lính thông tin.
Cái lấp lánh bắt mắt làm nên sự lấp lánh của cuốn hồi ký chưa hẳn là những trạng huống ngồn ngộn sinh sắc cùng máu lửa của cuộc chiến. Đã đành những trạng huống hấp dẫn ấy cuốn người đọc như đoạn sau chiến tranh, người lính Trần Luân Tín một lần du lịch Hoa Kỳ đã ngồi cà phê với hai sĩ quan cấp tá của Việt Nam cộng hòa và nữa, trớ trêu là cuộc gặp lại người bạn lính từng vào sinh ra tử ở chiến trường nay đang phiêu dạt kiếm sống ở xứ người. Cái lấp lánh ấy là tác giả đã hiện diện đúng lúc bằng cái nhìn riêng anh có.
Nhan Biều (Quảng Trị) là nơi đơn vị Tín trú đối diện với Thành cổ. Anh và đồng đội đã hàng chục lần bơi qua sông Thạch Hãn để giữ đường dây thông tin thời điểm ác liệt từ tháng 7 đến tháng 9 năm 1972.
Tôi không vội cho cuốn hồi ức Được sống và kể lại là nhất. Và bức tượng Bất tử đang hình thành kia của Trần Luân Tín dồn tụ những đường nét ngôn ngữ đá tuyệt mỹ? Nhưng tại mảnh đất máu lửa cổ thành ngó lên thăm thẳm bao la một màu xanh Quảng Trị nghĩ đến người lính thông tin Trần Luân Tín qua 81 ngày đêm bên bờ sông Thạch Hãn đã may mắn sống sót, nay đang làm cái việc kể lại theo cái cách của mình tại Khu Di tích đặc biệt cổ thành.
___________
(Còn nữa)
Chợt nghe tiếng Sồi gọi.
- Anh Tín ơi.
Tiếng của nó ở ngay trên miệng hầm, nghe lạ đến mức cái đầu tôi tự nhiên tê đi, phải lắc một cái thật mạnh. Sồi gần như rơi xuống hầm, miệng lẩm bẩm: Nguyên một quả pháo. Tôi giật mình:
- Cái gì, Mến đâu?
- Nguyên một quả pháo… không còn tí gì…
Hai vai Sồi rơi phịch vào vách hầm. Tôi lặng đi, trong nháy mắt thấy người mình trống rỗng. Vách hầm vẫn rung rền một cách bình thường. Một nguồn thù hận cuộn bò lên ngực. Tan tác hết. Vô lý không thể tưởng tượng được. Chúng nó ở tận nơi xa lắc nào đến đây, giết người quá dã man. Những cái chết sao mà quá dễ dàng…
Mến chết rồi, nguồn nhiệt và gương mặt hiền lành của nó còn hiển hiện rõ ràng trong hầm tối, ngay bên cạnh tôi…”.
Trích trong Được sống và kể lại