Được ăn, được chơi, được gói mang về

TP - Trong tình trạng không biết đi đâu ngoài đền chùa trong dịp đầu xuân, Bảo tàng Dân tộc học hẳn là "cứu tinh" cho những ai cuồng chân ở Hà Nội suốt mấy ngày Tết. Đến đây để được chơi, được ăn, được trổ tài khéo tay, vận động thân thể và nhận những lời chúc tốt đẹp đầu năm…
Già trẻ cùng kéo co . Ảnh: N.M.Hà

Từ sáng mùng 4 Tết, ai đi qua Bảo tàng Dân tộc học trên đường Nguyễn Văn Huyên sẽ thấy dân tình xúm đông xúm đỏ từ cổng. Bên trong có tiếng đàn hát, lấp ló cờ phướn, thấp thoáng những bộ váy áo dân tộc sặc sỡ… Khách người lớn bỏ ra số tiền bằng bát phở là có tấm vé vào dự hội. Học sinh hoặc các em bé chỉ trả bằng 1/5 hoặc thấp hơn nữa.

Dĩ nhiên để cuộc vui xuân hiệu quả, du khách phải chi thêm vài khoản nữa. Bỏ ra khoảng hơn chục ngàn, bạn sẽ được nhận các nguyên liệu và được các tình nguyện viên hoặc nghệ nhân hướng dẫn nặn tò he, vẽ mặt nạ, làm hoa giấy hay chong chóng...

Nếu không muốn tự làm, bạn có thể mua thành phẩm có sẵn. Muốn có một vật trang trí đẹp nền nã treo trong nhà bạn có thể đặt viết một bức thư pháp, hoặc mua tranh Đông Hồ (bán quanh năm).

Một bộ tứ bình lồng khung trị giá khoảng 900 nghìn. Tôi bằng lòng với một cuốn lịch treo tường với những mẫu tranh thân thuộc: Đám cưới chuột, Vinh hoa, Hứng dừa, Lợn đàn… Giá chưa đến trăm ngàn. Cùng trong gian nhà Việt còn có tranh thêu với giá có thể từ vài triệu cho tới dăm bảy chục triệu/bức.

Có vô số trò chơi bày ra trong một không gian tương đối rộng rãi, xanh tốt. Trò ném còn của người Thái và kéo co của người Việt được bố trí chung trong khu nhà Hà Nhì. Người chơi kéo co mà bị quả còn rơi vào người cũng đau phết. Quả còn bằng vải nhồi cát và trấu to bằng nắm tay trẻ con có giá bằng một bát bún hoặc phở bán tại bảo tàng (35.000đồng).

Hầu hết các trò chơi đều miễn phí và quan trọng là độc đáo và truyền thống. Cũng là cờ nhưng ở đây là các loại: Cờ toán, cờ gánh (quân cờ là vỏ ngao), cờ Mả mú sứa (Hổ lợn đấu nhau), cờ Tỏ hốn tá lòn (Nhổ lông mày) của người Thái.

Trò đánh cầu lông gà của người Thái và người Mông phát ra tiếng lách cách vui tai mỗi khi vợt gỗ va vào quả cầu. Đây đó trên những cành cây treo đầy bao lì xì nhưng nếu động vào sẽ có ngay tiếng nhắc nhở phát ra từ các tình nguyện viên. Chỉ khi nào thắng cuộc trong một trò chơi kiểu Ai là triệu phú, bạn mới được nhận bao và mở ra để được một lời chúc Tết độc đáo.

Múa rối nước đặt ở vị trí trung tâm với 4 suất diễn/ngày. Khán giả vòng trong vòng ngoài. Phường rối Nhân Hòa (Hải Phòng) được giới thiệu có món rối dây độc đáo khiến con rối có thể chạy ra sát mép nước, gần người xem hơn. Khi cụ rùa ngậm chiếc kiếm từ tay Lê Lợi, mọi người vỗ tay vang dội. Hoàn Kiếm là một trong những tích trò độc quyền của phường Nhân Hòa.

Để xem và chơi cho hết hội, chắc phải bỏ ra nguyên ngày. Nếu lỡ không mang theo đồ ăn, đã có trường Hoa Sữa phục vụ các món nhẹ: Bún, phở, chè, kem- bán theo phiếu.

Xôi màu tím của người Tày.

Gian nhà Tày thật quyến rũ với hai chú lợn sữa nhồi lá mác mật vàng rực quay tròn trên than hồng ngay trước sân. Đồ ăn được bày trên những chiếc mẹt con trải lá chuối. Khách xơi thịt trâu khô xào chua ngọt, xôi cẩm với lạp xường gác bếp, bánh pẻng khô, rượu men lá… trong tiếng đàn hát của các nghệ nhân Tày, Nùng, Dao, Lô Lô... Dẫu cũng thiết tha thưởng thức ẩm thực Tày lắm, nhưng tôi đành nhịn vì không đủ thời gian và kiên nhẫn xếp hàng.

Ai nấy lăm lăm sẵn chiếc mẹt con trong tay. Gia đình nọ cho hay, đã nhìn thấy nồi xôi cẩm thứ ba bưng ra mà vẫn chưa đến lượt được đầy mẹt. Xôi không phải đồ từ nếp cẩm mà là nếp trắng nhuộm màu. Một khách nữ chắc yêu màu tím ra sau nhà hỏi mua lá nhuộm xôi nhưng "nhà hàng" không bán vì chỉ mang xuống vừa đủ dùng trong ba ngày.

Thỉnh thoảng dọc những con đường quanh co lại bắt gặp một bộ bàn ghế tre bày tích nước vối và kẹo lạc. Khách ăn uống xong tự giác bỏ tiền vào giỏ. Không khí nhộn nhịp và hoài cổ thật dễ chịu. Năm sau, hẳn tôi sẽ cùng người thân quay lại đây với sách lược hẳn hoi. Chẳng hạn sẽ phân công một người xếp hàng lấy đồ ẩm thực trong khi những người còn lại đi chơi.

Theo Báo giấy