Đừng 'treo thuyền'!

TP - Nhiều ngư dân đang trong nỗi lo toan trĩu nặng: “Tàu lạ” dọa nạt, giá tôm cá bị chủ nậu vựa ép giá và bây giờ là những đợt tăng giá dầu. Giá dầu tăng, khiến chi phí những chuyến biển dài ngày tăng thêm cả chục triệu đồng, chưa kể, giá nước đá, lương thực, thực phẩm, chi phí lao động... cũng đội lên.

> Ngư dân chìm nổi trước bão giá
> Xăng dầu tăng giá liên tục, doanh nghiệp sốc
> Xăng tăng giá thêm 460 đồng/lít

Có người để tàu nằm bờ, rồi nghe ngóng, thấy tàu bạn đi được mới ra khơi. Có người cứ ra biển chỉ hòa, hoặc lỗ vốn nhưng nhớ biển vẫn đi. Có người phải bán tàu, bỏ nghề, tha phương kiếm sống.

Người chăn nuôi phá sản thì “treo chuồng”. Người nuôi cá tra, tôm thua lỗ thì “treo ao”. Rồi đây sẽ có ngư dân “treo thuyền”. Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có khoảng 130 nghìn tàu thuyền, trong đó, tàu đánh bắt xa bờ (loại công suất 90 CV trở lên) khoảng 25 nghìn tàu. Tàu đánh bắt xa bờ, không chỉ làm nhiệm vụ khai thác hải sản, họ còn là tai mắt, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của ta. Bởi vậy nhiều ngư dân “treo thuyền” sẽ rất đáng lo.

Chuyện hỗ trợ ngư dân xăng dầu, chúng ta từng thực hiện. Năm 2008, Chính phủ có quyết định 289, hỗ trợ xăng dầu cho ngư dân ra khơi. Hiện nay, Nhà nước cũng đang có chính sách đặc biệt, theo quyết định 48, hỗ trợ tàu đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và DK1.

Thời gian gần đây, không ít chính sách được ban hành để hỗ trợ ngư dân như: Tổ chức lại sản xuất trên biển, dự báo ngư trường, lắp đặt thiết bị quan sát tàu cá qua vệ tinh; Phát triển tổ đội sản xuất trên biển... và đặc biệt là sự ra đời lực lượng Kiểm ngư.

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, thời gian tới tiếp tục đề xuất, xây dựng những chính sách hỗ trợ ngư dân như gói tín dụng riêng cho ngư dân, hỗ trợ đóng tàu mới, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Nước ta có hơn 600 nghìn ngư dân và hàng triệu người lao động gắn với nghề cá. Có lẽ, ngư dân cần một cuộc tiếp sức với những chính sách cụ thể, sát sườn hơn.

Như nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc: “Hình ảnh ngư dân trong xã hội ngày nay khác nhiều so với trước, có sự đùm bọc, tôn trọng của cộng đồng. Đây là điều rất tốt. Chỉ có điều ta làm thế nào, biến sự tôn trọng đó thành hành động hữu ích, khắc phục khó khăn cho ngư dân, để người làm nghề biển cảm thấy yêu biển hơn.

Theo Báo giấy