Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu:

Đừng bắt dân cõng thêm bộ máy

TP - Ngày 29/5, thảo luận tổ về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đại biểu Lê Hiền Vân (Hà Nội) cho rằng, không nên tăng tuổi nghỉ hưu, để tránh gây lãng phí, tốn kém ngân sách, do phải nuôi công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
ĐB Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần chế tài đối với đơn vị không đóng, lợi dụng chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động.

Một số đại biểu (ĐB) kiến nghị đừng bắt dân phải “cõng thêm bộ máy” và cho rằng đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vì lý do “vỡ quỹ” Bảo hiểm xã hội (BHXH) là không thuyết phục.

Không nên tăng tuổi nghỉ hưu

ĐB Lê Hiền Vân cho rằng, kéo dài tuổi không giải quyết được vấn đề vỡ quỹ bảo hiểm xã hội mà tạo gánh nặng cho xã hội, vì chúng ta vẫn chưa giải quyết được vấn đề công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. “Quan trọng là nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tăng cường thanh tra, giám sát để không trốn, không thất thu BHXH thì sẽ không vỡ quỹ” – ĐB Vân nói.

Theo ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM), tình trạng nợ đọng BHXH hiện nay rất phổ biến. Nếu truy thu được hết sẽ giải quyết được vấn đề vỡ quỹ. Cách tính mức đóng BHXH hiện nếu tính cả phần phụ cấp mức đóng sẽ cao hơn, nên đẩy nhanh việc thực hiện cách tính này thay vì chờ tới năm 2020. ĐB Lê Trọng Sang và ĐB Đào Văn Bình cùng cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo.

Cần sử dụng các biện pháp mạnh tinh giản bộ máy quản lý quỹ BHXH hiệu quả hơn. Thực tế đội ngũ này làm việc hời hợt, không chuyên nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi chây ì không đóng BHXH. Theo các ĐB, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ trái với chính quy định tại Bộ luật Lao động mà chúng ta mới thông qua.

“Nếu quy định thì phải cụ thể như đối tượng nào được tăng tuổi hưu - ví như phải có sức khỏe, trình độ chuyên môn. Còn lại phải thực hiện theo Bộ luật Lao động” - Ông Bình kiến nghị.

Lợi ít hại nhiều

Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm, thời gian qua việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH quá chậm, trong khi đây là cơ sở vững chắc để cân đối quỹ. Quan trọng hơn, nợ BHXH quá cao, chỉ trên 50% người lao động được đóng BHXH, và có tới 80% thực hiện không nghiêm túc. Lập luận đưa ra hụt thu nhiều sợ vỡ quỹ. Cứ thế này đến 2021 thiếu cân đối, 2030 vỡ quỹ. Lý do thứ 2 là có học tập kinh nghiệm nước ngoài. Hai lý do này chưa vững chắc. Nếu chưa làm rốt ráo lý do vỡ quỹ mà lại tăng tuổi nghỉ hưu lên thì không thuyết phục.

Bây giờ hỏi giám đốc các sở, ngành rồi thứ trưởng, bộ trưởng xem, ông nào chả muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu?

ĐB Đỗ Văn Đương

“Kéo dài tuổi nghỉ hưu mà lại rơi vào những ông không có trình độ, cứ ngồi mãi thì cũng chết. Những anh được đào tạo bài bản sẽ không xin được việc, đi bồi bàn. Theo tôi, cứ giữ nguyên, khắc phục các tồn tại kể trên. Chúng ta tăng cường thu, tận thu và mở rộng cái có hiện nay là đã cải thiện nhiều. Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ hại nhiều lợi ít” - ĐB Kiêm phân tích.

ĐB Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị cần chế tài đối với đơn vị không đóng, lợi dụng chiếm đoạt tiền BHXH của người lao động.

ĐB Đỗ Văn Đương:

“Phải cõng bộ máy thì dân chết”

Trao đổi với báo chí, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương cho biết: Chúng ta yêu cầu phải giảm thiểu biên chế mà giờ lại phải cõng bộ máy này thì dân chết. Để anh ngồi điều hòa, máy lạnh, rồi tham quyền cố vị. Đây chính là điều người dân lo lắng nhất. Bây giờ hỏi giám đốc các sở, ngành rồi thứ trưởng, bộ trưởng xem, ông nào chả muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu?

Họ sống không phải vì lương mà là bổng lộc, thu lợi từ vị trí công tác liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu. Theo tôi nên theo tinh thần của Bộ luật lao động là chỉ tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động trình độ cao, giàu kinh nghiệm biết “nhả tơ, nhả mật” cho xã hội. Không nên cào bằng cứ nam 62, nữ 60 tuổi mới được nghỉ hưu.

“Chỉ nhằm vào quỹ bảo hiểm có vỡ hay không cũng là nhóm lợi ích trong việc xây dựng chính sách pháp luật. Cách làm luật như thế này sẽ dẫm nát hết các quan hệ xã hội, và làm rối beng xã hội lên, làm cho người lao động hoảng loạn về mặt tinh thần” - ĐB Đương nói.

H. Phúc