Tiếp bài nhà máy ô nhiễm “bức tử” nội đô:

Đua nhau xây cao ốc trên đất di dời nhà máy

TP - Trong khi quỹ đất dành cho cây xanh, bãi đỗ xe, trường học, dịch vụ công ích còn thiếu nghiêm trọng thì quỹ đất sau khi di dời 41 cơ sở sản xuất khỏi nội đô chủ yếu dùng để xây dựng các tòa nhà chung cư, văn phòng…  
Khu căn hộ cao tầng tại 75 Tam Trinh mọc trên đất di dời nhà máy. Ảnh: Tuấn Minh

Đồng loạt chuyển sang xây nhà ở

Theo Sở TN&MT Hà Nội, trong 41 cơ sở sản xuất sau di dời thì có tới 24 vị trí được chuyển sang làm nhà ở, văn phòng và chiếm hầu hết diện tích sau di dời. Các vị trí còn lại một phần được chuyển sang xây trường học nhưng đều có diện tích nhỏ, chỉ đủ xây dựng trường mầm non. 

Điển hình như vị trí đất tại 94 Lò Đúc của Công ty Cồn rượu Hà Nội; tại 18 Tam Trinh của Công ty Cơ khí Trần Hưng Đạo, đất của Nhà máy cơ khí 120 trên đường Trương Định, tại 87 Lĩnh Nam của Công ty sản xuất kinh doanh đầu tư dịch vụ Việt Hà…

Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT cho rằng, trong 41 đơn vị di dời chủ yếu là tự chuyển mục đích sử dụng đất khi thị trường bất động sản nóng lên, tìm được đối tác chuyển đổi, thu lợi. “Còn một số trường học quy mô nhỏ được xây dựng trên đất nhà máy sau di dời thì thực chất đây là câu chuyện “ông mất chân giò thì bà thò chai rượu”, doanh nghiệp muốn lấy đất làm đô thị thì trả lại một tý đất gọi là để làm trường mà thôi”, một cán bộ của Sở TN&MT cho hay.

Trước thực trạng sử dụng đất sau di dời như trên, UBND quận Hai Bà Trưng kiến nghị thành phố sớm có hướng dẫn việc kiểm tra, xử phạt các cơ sở chậm di dời, vi phạm trong sử dụng đất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm về quản lý, sử dụng đất. “Sau khi doanh nghiệp di dời, cần sớm bố trí đất để xây dựng các công trình mà địa phương đang thiếu như trường học, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan hành chính…”, đại diện UBND quận Hai Bà Trưng
kiến nghị.

Nguy cơ phá vỡ quy hoạch

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng nếu thành phố không mạnh tay quản lý chặt chẽ quỹ đất sau di dời nhà máy thì có nguy cơ quy hoạch bị méo mó, nhiều chỉ tiêu quy hoạch sẽ không đạt được.

 Ông Nghiêm kiến nghị cần nhận diện và phân loại đầy đủ các cơ sở phải di dời. Thực tế đã chứng minh thành phố thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đã đề ra. Tiến độ di dời nhiều nhà máy quá chậm, nhiều nhà máy không biết được mình có phải di dời hay không do thiếu tuyên truyền, phân loại.

Cũng theo ông Nghiêm, trong quy hoạch chung Thủ tướng phê duyệt đã nêu rõ các khu đất sau di dời cơ sở công nghiệp, nhà máy, trường học, bệnh viện… thì phải ưu tiên xây dựng vườn hoa, công viên, bãi đỗ xe, công trình văn hóa và các dịch vụ công cộng.

 Hiện nay diện tích cây xanh của Hà Nội mới đạt 0,9m2/người. Trong khi đó theo quy hoạch thì phải đạt 3,9m2 cây xanh/người. Nhiều chỉ tiêu về bãi đỗ xe, về dịch vụ công cộng cũng còn rất thiếu.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, ông Nghiêm đề nghị thành phố phải rà soát lại toàn bộ theo quy hoạch mới để xác định các khu vực có chức năng không phù hợp với sản xuất, từ đó lựa chọn mũi nhọn để xây dựng kế hoạch ưu tiên; đẩy nhanh quy hoạch làm căn cứ pháp lý để di dời cơ sở sản xuất và sử dụng đất sau di dời; sớm công bố các cơ sở phải di dời… 

Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 64 của Chính phủ, mới có 41 cơ sở sản xuất thực hiện di dời ra khỏi nội đô. Trong khi đó, danh mục các cơ sở cần di dời trên địa bàn thành phố là 422 tổ chức, doanh nghiệp tương đương 887 ha. Trong đó có 209 doanh nghiệp thuộc các quận nội thành và thị xã Sơn Tây tương ứng với hơn 200 ha. Trong 422 trường hợp, có 134 đơn vị thuộc diện “thẻ đỏ” là phải di chuyển ngay.

Kiến nghị xử lý các cơ sở gây ô nhiễm

Ngày 10/9, HĐND thành phố Hà Nội đã có báo cáo kết quả khảo sát về tình hình, kết quả di dời các cơ sở gây ô nhiêm môi trường trên địa bàn thành phố. HĐND thành phố đề nghị Sở TN&MT là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo của thành phố cần chủ động kịp thời đôn đốc các sở ngành, UBND các quận, huyện triển khai lập danh mục cơ sở ô nhiễm. Tăng cường kiểm tra xử lý các cơ sở gây ô nhiễm, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện đánh giá, phân tích mức độ ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp, trước mắt cần thực hiện ngay đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô.