Ấm no hơn nhờ du lịch cộng đồng sinh thái
Vừa xới lại luống khoai sọ mùn ốc - thứ nông sản nổi tiếng của xã Việt Hải (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) trên cánh đồng xanh mướt, dưới chân dãy núi hùng vĩ thuộc quần thể vịnh Lan Hạ - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, bà Cam (62 tuổi, thôn 2, xã Việt Hải) kể: “Tôi đến Việt Hải cách đây hơn 40 năm, từ thời vùng đất này còn hoang sơ, mọi người trong xã chủ yếu bám đất, bám biển để có kế sinh nhai.
Vài năm gần đây, xã phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, nên nhiều hộ bắt đầu chuyển hướng làm nhà hàng, homestay, cho thuê xe đạp, cho khách thuê thuyền để trải nghiệm cuộc sống của ngư dân… nên cuộc sống bắt đầu khấm khá hơn, có hộ còn có của ăn của để.
Vợ chồng con gái tôi trước đây chủ yếu đi biển, hiện nay cũng chuyển sang cho thuê xe đạp để du khách đạp xe quanh làng trải nghiệm, tôi già rồi nên chủ yếu bám đất trồng nông sản để cung cấp cho du khách”.
Hội thảo Du lịch Hải Phòng-Cơ hội vàng bứt phá diễn ra từ 19-20/4 tại Cát Bà do báo Tiền Phong, Sở Du lịch Hải Phòng đồng tổ chức, với sự đồng chủ trì của lãnh đạo Tổng cục Du lịch. Đây là hoạt động bên lề của Giải Vô địch Golf Quốc gia 2022 - Cup Vinfast.
Vợ chồng chị Trần Thị Tuyền (39 tuổi) và anh Vũ Trọng Quyền (48 tuổi, thôn 2, xã Việt Hải) hồ hởi: “Ngày trước, khi chưa có du lịch, ngày biển động thì vợ chồng tôi trồng lúa, khoai sọ, lúc biển yên lại dắt nhau đi chài, lưới để kiếm kế sinh nhai. Những công việc ấy cứ luẩn quẩn, quay vòng quanh năm khiến chúng tôi đầu tắt mặt tối bám đất, bám biển mà vẫn chỉ đủ ăn.
Khi xã phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, vợ chồng tôi và một số hộ dân trong làng bàn nhau vay mượn gần xa, để làm nhà hàng ăn uống và cho khách thuê xe đạp. Kể từ đó đến nay, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn, không phải lo những ngày biển động, những khi mất mùa sẽ kiếm gì cho mấy miệng ăn”.
Trước đây, trước khi có dịch COVID -19, lượng du khách đến Việt Hải chủ yếu là khách nước ngoài và cao điểm là vào mùa đông. Nhưng sau 2 năm đại dịch, lượng du khách đến Việt Hải chủ yếu là khách trong nước, tập trung vào các tháng hè. Và anh chị cho rằng, đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng, vì Việt Hải quanh năm sẽ luôn đông khách.
Chia sẻ với Tiền Phong về tiềm năng của làng du lịch sinh thái cộng đồng Việt Hải, bà Phạm Thị Mai Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Việt Hải, huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) cho biết: “Mặc dù là xã đảo, nhưng Việt Hải hội tụ tất cả các tiềm năng về rừng, biển và đất liền. Nếu du khách ở miền biển có thể đến đây để trải nghiệm mô hình leo núi, đạp xe, còn du khách ở đất liền có thể đến đây trải nghiệm hoạt động của ngư dân, như chèo thuyền, lặn biển ngắm san hô, đi câu mực…
Ngoài ra, Việt Hải còn là địa phương sản xuất về nông nghiệp, nên sau này chúng tôi sẽ hướng đến phát triển thêm các mô hình về du lịch trải nghiệm làm nông nghiệp, ví dụ như trồng hoa, cấy lúa, trồng cây, củ, quả đặc trưng của xã. Nhằm hướng đến việc du lịch trải nghiệm ba trong một, bảo vệ cảnh quan tự nhiên và môi trường sinh thái rừng, biển".
Chờ phát huy hết tiềm năng
Nói về mong muốn đối với việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của Việt Hải, bà Phạm Thị Mai Anh bày tỏ: “Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Việt Hải hiện tại còn khá nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu là do các hộ dân tự làm, nên sự phát triển của mô hình này thực sự chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. Do đó, chúng tôi và người dân Việt Hải thực sự mong muốn nhận được thêm sự quan tâm và đầu tư về mọi mặt, để mô hình du lịch sinh thái cộng đồng của Việt Hải có tầm cao hơn, bài bản và thu hút hơn, nhằm thúc đẩy du lịch Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung hơn nữa.
Chẳng hạn, với đất nông nghiệp của Việt Hải, ngoài việc người dân canh tác, có thể phân một số khu vực làm vườn hoa, đầm sen, trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm,… để tăng thêm trải nghiệm cho du khách khi đến Việt Hải.
Đồng thời, cần phát triển thêm mô hình cung-cầu tại chỗ cho người dân, nghĩa là người dân sản xuất, nuôi trồng nông sản, thủy sản rồi bán sản phẩm cho chính du khách. Việc này vừa đảm bảo du khách được thưởng thức chính đặc sản của địa phương, mà không cần phải lấy từ nơi khác đến, lại vừa giúp người dân có thêm thu nhập từ nông nghiệp, bên cạnh làm du lịch”.
Chủ tịch UBND xã Việt Hải cho rằng, để du lịch sinh thái cộng đồng của Việt Hải có tên tuổi trên bản đồ du lịch của Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung, cần phải có những “ông lớn” về du lịch chuyên nghiệp đến đây để đầu tư, khai thác và phối kết hợp với người dân; cần phải tăng cường việc đào tạo kinh nghiệm, kiến thức làm du lịch cho người dân Việt Hải; nâng cao khả năng tiếng anh cho người dân và đội ngũ làm du lịch cộng đồng của địa phương.
Đôi vợ chồng chị Tuyền-anh Quyền mong muốn, Việt Hải sẽ được quan tâm hơn về đầu tư quy hoạch đất đai, chẳng hạn như thúc đẩy tiến độ cho thuê đất để làm du lịch cho người dân, trên cơ sở bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Nếu vào mùa cao điểm du lịch, các điểm lưu trú trên địa bàn Việt Hải không thể đáp ứng đủ nhu cầu ăn uống và lưu trú của du khách. Bên cạnh đó là sự mở rộng thêm các điểm vui chơi, nghỉ dưỡng, tham quan trong làng du lịch sinh thái cộng đồng để có thể giữ chân du khách ở Việt Hải lâu hơn.