Du lịch sau giãn cách: Cần bớt rào cản

TP - Nhu cầu du lịch của người dân bị nén lại sau nhiều tháng giãn cách, hứa hẹn bật tăng mạnh trở lại. Thế nhưng sự thiếu nhất quán trong quy định mở cửa đón khách khiến không ít người dân, doanh nghiệp dè dặt.
Tua trọn gói, du lịch khép kín tại các khu nghỉ dưỡng và du thuyền phù hợp trong bối cảnh mới. Ảnh: Kỳ Sơn

Ðón khách ngoại tỉnh

Du lịch phục vụ khách nội tỉnh sau ít ngày thí điểm đã đem lại kết quả khả quan, vì thế nhiều địa phương lên kế hoạch đón khách ngoại tỉnh, tạo thành hành lang xanh liên tỉnh, liên vùng nhằm phục hồi du lịch. Thí điểm mở cửa quốc tế vẫn ở giai đoạn chuẩn bị, còn du lịch nội địa mới là trọng tâm của ngành cho tới hết năm 2021.

Đà Nẵng đề xuất sớm nối lại du lịch nội địa tháng 11 tới Ảnh: THANH TRẦN

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa thông báo lộ trình đón khách ba giai đoạn. Sau khi thí điểm phục vụ khách nội tỉnh, Khánh Hòa đón khách trong nước với người có thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19 từ 16/10 đến 15/11, sau đó là giai đoạn phục hồi đón khách mở rộng trong điều kiện bình thường mới vào cuối năm 2021. Tỉnh này cũng chủ động yêu cầu các doanh nghiệp trước khi trở lại hoạt động phải xây dựng phương án đón, phục vụ khách du lịch đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo bộ tiêu chí do địa phương soạn thảo.

Người làm du lịch nửa mừng nửa lo

Vì chưa từng giãn cách xã hội trong phạm vi toàn tỉnh nên Lâm Đồng tiên phong khôi phục hoạt động du lịch. Từ tháng 9, các khu, điểm du lịch và khách sạn từ 2 sao trở lên được phép mở cửa đón khách nội tỉnh. Từ ngày 15/10, Lâm Đồng cho phép người dân ngoài tỉnh vào tham quan, nghỉ dưỡng. Thông tin này khiến du khách rất phấn khởi, bày tỏ sự hào hứng trên các diễn đàn du lịch và liên hệ đặt phòng ngay trong tháng 10. Những ngày cuối tuần qua, khách từ Đông Nam bộ nườm nượp đổ về Đà Lạt.

Giới kinh doanh dịch vụ du lịch phấn khởi vì được tái mở cửa kinh doanh. Tuy nhiên, quy định các cơ sở đón khách du lịch phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 khiến nhiều người chưa thật sự yên tâm. Thực tế, số người được tiêm mũi 2 ở TP Đà Lạt còn thấp. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, lữ hành… cho biết, phải mất 3-5 tuần nữa mới hoàn thiện việc tiêm đủ liều vắc xin cho nhân viên để đủ điều kiện mở cửa hoạt động.

KIM ANH

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép bốn cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp tại Xuyên Mộc, Côn Đảo thí điểm đón khách từ 15/10. Quảng Ninh định sẵn ngày đón khách ngoại tỉnh từ tháng 11. Tỉnh Lào Cai có kế hoạch đón khách nội tỉnh, nội địa sinh sống và làm việc tại “vùng xanh” theo bản đồ của ngành y tế, đồng thời có sẵn kế hoạch tổ chức 16 hoạt động kích cầu gồm lễ hội để hút khách trong quý 4. Sau khi tiên phong thí điểm du lịch xanh trên địa bàn thành phố, TP.HCM sốt sắng làm việc với Tây Ninh để liên kết du lịch khép kín tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen từ giữa tháng 10. Từ đầu tháng 11, Tây Ninh mở rộng đón khách từ TPHCM và các tỉnh lân cận.

Đà Nẵng đón khách ngoại tỉnh từ tháng 11

Sở Du lịch Đà Nẵng đề xuất UBND thành phố phương án đón khách nội địa theo ba giai đoạn: từ 20/10 đón khách du lịch tại chỗ, từ tháng 11 triển khai mô hình “bong bóng du lịch” (Travel bubble) với một số địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh để khai thác và trao đổi nguồn khách. Giai đoạn này chủ yếu khai thác khách đi tua khép kín qua công ty lữ hành đến Đà Nẵng. Tua trọn gói có thể là nghỉ dưỡng, du lịch golf, nghỉ dưỡng-vui chơi giải trí (tại Bà Nà, Núi Thần Tài, Hội An, Ngũ Hành Sơn)…Giai đoạn thứ 3 sẽ hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo chỉ đạo của Chính phủ và cập nhật hướng dẫn mới của các cơ quan chức năng. Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng vốn là thành phố du lịch, có vai trò trung tâm của miền Trung-Tây Nguyên, trung tâm du lịch của cả nước nên việc mở cửa, kết nối lại hoạt động du lịch là cần thiết.

THANH TRẦN

Cần sớm có hướng dẫn du lịch an toàn

Du thuyền cao cấp kín khách nội tỉnh Quảng Ninh vào dịp cuối tuần từ đầu tháng 10, sẵn sàng đón khách ngoại tỉnh từ tháng 11. Ông Phạm Hà, CEO Lux Group nhận định: “Nhu cầu du lịch của người dân bị nén lại quá lâu rồi, giờ chỉ chờ quy định rõ ràng để đi du lịch. Tuy nhiên, người dân lại vấp phải rào cản về quy định vênh nhau giữa các địa phương. Chúng tôi được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn đón khách nội địa, nhưng địa phương sát nách Hải Phòng vẫn chưa có hướng dẫn cập nhật với tinh thần mới. Do đó doanh nghiệp lúng túng chưa biết nhận khách ra sao. Khách đến vẫn khai báo, đóng dấu lên tay và phải tự cách ly ở nhà”.

Người dân Hải Phòng những ngày này tha hồ “độc chiếm” Cát Bà, bởi khách ngoại tỉnh vẫn chưa thể dễ dàng tới nghỉ dưỡng. Quy định tự cách ly 1 tuần đối với người dân ngoại tỉnh là rào cản cho mở cửa du lịch đón khách đến Hải Phòng. “Sau một thời gian dài không được đi đâu, người dân bí bách nên rất muốn du lịch. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kỳ nghỉ cuối tuần mang tính chất gia đình, đi phương tiện cá nhân chứ chưa phải theo tua tuyến dài ngày. Chính vì thế các địa điểm du lịch cách Hà Nội 2-3 tiếng di chuyển ô tô là lựa chọn lý tưởng. Các khu nghỉ dưỡng tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình đều đang hút khách”, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours nói.

Nhu cầu du lịch lớn nhưng ở thời điểm này, người dân vẫn vấp phải rào cản như quy định về cách ly, xét nghiệm COVID-19 chưa có sự thống nhất ở nhiều địa phương. Chẳng hạn Vĩnh Phúc mở cửa cho khách tỉnh ngoài, nhưng vẫn không bỏ thủ tục xét nghiệm COVID-19. “Du lịch mà chịu cảnh “ngoáy mũi” rồi lại cách ly phiền hà thì thà ở nhà còn hơn”, ông Nguyễn Tuấn Anh (Hà Đông) nói.

Ông Nguyễn Công Hoan cũng có chung quan điểm như thế bởi du lịch hiện nay chủ yếu theo nhóm nhỏ, gia đình cho nên điều kiện xét nghiệm COVID-19 với các gia đình có con nhỏ cũng khiến họ không mấy dễ chịu. Trải nghiệm, cảm xúc chính là yếu tố quan trọng đối với du khách sau đại dịch.

Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Vietravel phát biểu trong tọa đàm về phục hồi du lịch theo tinh thần Nghị quyết 128 cuối tuần qua rằng, nếu không có giải pháp tổng thể, địa phương mỗi nơi một chính sách sẽ rất khó để phục hồi du lịch. “An toàn là điều kiện ưu tiên hàng đầu, nhưng hiện nay các thủ tục hành chính giữa các địa phương rất nhiều, giữa các vùng đi đâu cũng cách ly, xét nghiệm. Nếu vẫn duy trì quy định thế này, rõ ràng du lịch không thể phát triển”, bà Hương nói.

Nhận định kết nối các địa phương là vấn đề nóng trong bối cảnh phục hồi du lịch trong đại dịch, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, cần tập trung nghiên cứu thông tin, cập nhật thông tin và quy tụ thành một đầu mối.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) giao Tổng cục chủ trì soạn thảo hướng dẫn du lịch an toàn trên cả nước. “Bộ đang tích cực triển khai”, ông Khánh khẳng định.

Hội An mở cửa đón khách nội địa từ đầu tháng 11

Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hoá thể thao & Truyền thanh truyền hình TP Hội An cho biết, dự kiến đầu tháng 11 Hội An sẽ đón khách nội địa, và tổ chức lại các hoạt động, bán vé tham quan. Điều khó nhất hiện nay là tỷ lệ phủ vắc xin tại địa phương chỉ mới đạt 30%. Ngành du lịch tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ thống nhất cho Quảng Nam đón khách quốc tế bằng các chuyến bay thuê bao, theo mô hình hộ chiếu vắc xin sau khi Phú Quốc thí điểm thành công; tham mưu đề xuất Bộ VHTTDL để Quảng Nam đăng cai tổ chức Diễn đàn Du lịch Mê Kông và các phiên họp Tiểu vùng dự kiến tổ chức vào tháng 6 hoặc tháng 10/2022 tại Hội An.

HOÀI VĂN