Dự án Vành đai 4: Ba kịch bản thu phí BOT

TP - UBND thành phố Hà Nội vừa thống nhất với nhà đầu tư phương án tài chính với 3 kịch bản thu phí BOT sau khi đường cao tốc hoàn thành.
Đường Vành đai 4 có hình thức thiết kế giống đường Vành đai 3 trên cao. Ảnh: Trọng Đảng

Đại diện UBND ba tỉnh thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên vừa cho biết, các địa phương đã thống nhất chủ trương triển khai dự án Vành đai 4 có tổng mức đầu tư trên 94 nghìn tỷ đồng với ba dự án thành phần được đưa ra trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Với làn đường cao tốc đi trên cao rộng 6 làn xe tại dự án thành phần 3, thành phố Hà Nội vừa thống nhất với nhà đầu tư có chi phí xây dựng trên 60 nghìn tỷ đồng. Về hình thức hiện dự án thành phần 3 này, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương huy động vốn bằng hình thức đầu tư PPP (hợp tác công tư) hợp đồng BOT, nhà đầu tư hoàn vốn bằng việc lập trạm thu phí phương tiện.

Tuy nhiên, đại diện Hội đồng thẩm định dự án Vành đai 4 cho rằng, tuy được các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên hỗ trợ thực hiện dự án, nhưng tổng mức đầu tư cho làn đường cao tốc vẫn rất lớn. Nếu để nhà đầu tư lập trạm thu phí, mức phí sẽ vượt quá khả năng chi trả của người dân. Hội đồng thẩm định dự án đề xuất UBND thành phố cần có sự tham gia của phần vốn nhà nước tại phần đường cao tốc. “Việc này nhằm giảm tỷ lệ vốn huy động từ nhà đầu tư, dự án có mức thu phí BOT người dân có thể chấp nhận được”, đại diện Hội đồng thẩm định dự án kiến nghị.

Sau khi cùng với các sở ngành họp bàn, UBND thành phố Hà Nội thống nhất, Hà Nội sẽ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, huy động vốn thực hiện dự án đối với dự án thành phần đường cao tốc có chiều dài khoảng 111 km (bao gồm cả phần đường cao tốc nối với cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Về phần vốn, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong tổng mức đầu tư cho đường cao tốc Vành đai 4, thành phố Hà Nội sẽ huy động ngân sách nhà nước tham gia 31 nghìn tỷ đồng (chiếm 55%), nhà đầu tư tham gia 26 nghìn tỷ đồng (chiếm 45%); khoảng 2.500 tỷ đồng còn lại là lãi vay.

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự kiến tuyến đường vành đai 4 hoàn thành và bắt đầu thu phí từ năm 2030. Mức phí BOT trên đường cao tốc Vành đai 4 sẽ có mức giá 2.100 đồng/km cho xe tiêu chuẩn (dưới 12 chỗ), đi toàn tuyến 230 nghìn đồng/lượt.

Với mức huy động vốn từ nhà đầu tư là 45%, tư vấn thiết kế dự án tính toán dự án sẽ có thời gian thu phí hoàn vốn trên đường cao tốc là 21 năm.

Mức phí dự kiến 230.000 đồng/lượt

Từ tổng mức vốn huy động huy động của nhà đầu tư và tiêu chuẩn tuyến đường, tư vấn thiết kế đưa ra 3 kịch bản thu phí cho đường Vành đai 4. Cụ thể, kịch bản thứ nhất, tuyến đường cao tốc Vành đai 4 được tập trung đầu tư xong trước năm 2024, mức phí được tính toán dựa trên số liệu khảo sát, dự báo lưu lượng xe trong giai đoạn từ 2024 đến 2026 là 1.700 đồng/km với xe tiêu chuẩn (ô tô dưới 12 chỗ), đi toàn tuyến trên 100 km là 188 nghìn đồng/lượt. Kịch bản thứ hai, tuyến cao tốc Vành đai 4 thi công xong trước năm 2027, mức phí được tính toán cho xe tiêu chuẩn là 1.900 đồng/km, đi toàn tuyến là 210 nghìn đồng/lượt; kịch bản thứ 3, tuyến đường xây dựng xong trước năm 2030, mức phí được tính toán cho xe tiêu chuẩn là 2.100 đồng/km, đi toàn tuyến là 233 nghìn đồng/lượt.

Đánh giá về phương án thu phí, trong nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tài chính, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho rằng, theo quy định của Luật PPP, phương án bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, người sử dụng và Nhà nước được đảm bảo. “Việc này tạo điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thu hồi vốn và có lợi nhuận”, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội thông tin.

Cũng theo lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, khung giá, phí dịch vụ được xác định cụ thể cho từng thời kỳ, bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch. Mức giá vé phù hợp với sức chi trả của người dân từng thời kỳ, phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP đầu người.