Các thành viên tham gia lập ĐTM của dự án gồm 14 người, có 3 người của Formosa, còn lại là người của Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Chuyển giao công nghệ môi trường và Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu (Nay là Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu) của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong số 11 người của cơ quan tư vấn lập ĐTM có 2 tiến sỹ, 2 thạc sỹ, còn lại kỹ sư.
Chuyên gia đề nghị giấu tên cho biết, không có luật nào cấm một đơn vị khác của Bộ TN&MT làm cơ quan tư vấn lập ĐTM. Tuy nhiên, nhìn vào như thế không thấy sự khách quan. Hơn nữa, dù trách nhiệm chính thuộc về người phê duyệt và hội đồng thẩm định ĐTM nhưng rõ ràng, với một dự án lớn như Formosa, việc tư vấn phải được giao cho một đơn vị giàu kinh nghiệm với nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường và luyện kim mới ổn.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một số chuyên gia cho rằng, không thể nói ĐTM của Formosa sơ sài vì thiếu thông tin, nhất là thông tin về công nghệ của nhà máy.
Không thể nói thiếu thông tin
Về ý kiến của ông Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, Bộ TN&MT cho rằng, thông tin dự án lúc ấy rất sơ sài, chưa có thiết kế cơ sở, chưa rõ công nghệ, nguyên vật liệu đầu vào… nên sơ sài là không tránh khỏi.
Trả lời Tiền Phong, PGS.TS Bùi Anh Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, năm 2008 ông tham gia vào nội dung mô tả công nghệ của Formosa, thuộc chương mô tả tóm tắt dự án (ĐTM của Formosa gồm 9 chương. Nội dung này là phần 1.9 của chương một-PV).
Theo PGS Hòa, ở thời điểm lập ĐTM của dự án, công nghệ Formosa đưa ra rất rõ ràng như công nghệ gì, công suất như nào, công nghệ phụ trợ như nào… Vì thế, nếu nói ĐTM sơ sài vì chưa có thông tin về công nghệ là không đúng bởi vì người ta đã có thông số, mô tả, tất nhiên sau ĐTM sẽ có thiết kế chi tiết cụ thể nhưng khung sườn về công nghệ lúc ấy có rồi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ĐTM dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh giai đoạn 1-1 được Bộ TN&MT phê duyệt tháng 6/2008 có 34 trang mô tả công nghệ gồm sơ đồ dây chuyền công nghệ, thuyết minh quy trình sản xuất và danh mục các thiết bị chính.
Trong thuyết minh quy trình sản xuất có thông tin về nguyên liệu của dự án, lưu trình công nghệ nhà máy thiêu kết, nhà máy nung vôi, công nghệ luyện cốc, lưu trình công nghệ luyện gang lò cao…
Một chuyên gia khác cho biết, với mô tả công nghệ như trong ĐTM của dự án thì không thể nói không có thông tin để đánh giá tác động môi trường, hoặc thông tin chỉ đủ để đánh giá tác động hết sức sơ sài, giản lược. Với công nghệ đó, lẽ ra ĐTM phải làm rõ dự án sẽ thải ra các chất gì?
Phải nêu được lượng thải rắn là bao nhiêu, thành phần chất thải rắn gồm những chất độc hại gì? Phương pháp xử lý, đổ thải ra sao?... Với khí thải, nước thải phải nêu được gồm những thành phần độc hại nào? Xử lý ra sao? Khi xả ra môi trường biển thì thành phần độc hại và ảnh hưởng tới biển ra sao? Vùng nào bị ảnh hưởng? Đây sẽ là cơ sở cho quá trình hậu kiểm môi trường của dự án sau này.
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện Kim Việt Nam, thời gian làm các thủ tục xin giấy phép đầu tư của Formosa rất nhanh, có mấy tháng là xong nên không phân định báo cáo khả thi và tiền khả thi. Lúc ấy đã rõ thông tin về công nghệ thì mới được cấp phép đầu tư nên nói ĐTM sơ sài vì thiếu thông tin công nghệ là không đúng.