Ra nghị quyết để người lao động lựa chọn
Đề cập đến Điều 60 Luật BHXH, đa số các ý kiến thảo luận đề nghị Quốc hội ra nghị quyết về điều này. Chia sẻ với bức xúc của người lao động khi Điều 60 đã thu hẹp đối tượng người hưởng BH một lần, tuy nhiên ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng tỏ ra băn khoăn: Liệu có phải người lao động muốn hưởng BH một lần đều gặp khó khăn không? Số tiền hưởng BH một lần có giải quyết được khó khăn trước mắt của bản thân, gia đình người lao động không?
“Chỉ đóng BH một thời gian ngắn rồi rút ra thì không thể coi là BH được. Với số tiền đó, làm sao giải quyết được khó khăn, đủ vốn về quê lập nghiệp?”, nêu thực trạng, nhưng ĐB Thúy cũng đề nghị Quốc hội nên ra nghị quyết, cho phép người lao động được quyền lựa chọn, hoặc hưởng bảo hiểm một lần, hoặc bảo lưu thời gian đóng.
Đồng tình việc điều chỉnh, nhưng ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) lưu ý, nếu Quốc hội chọn phương án sửa thì phải làm đúng theo quy định, tránh “có sai có sửa, càng sửa càng sai”.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho biết, trước đây bản thân ông đề nghị chưa vội thông qua, vì điều cơ bản nhất của Luật BHXH cần sửa là sự phân biệt đối xử giữa người lao động trong quốc doanh và ngoài quốc doanh. “Hai người lao động cùng học, làm việc như nhau, cùng đóng BHXH như nhau và sau 30 năm, anh nào làm việc trong quốc doanh thì hưởng lương hưu gấp 2 lần anh ngoài quốc doanh. Điều này không thể chấp nhận được”, ĐB Tùng nêu và kiến nghị Quốc hội nên ra nghị quyết để cho người lao động được chọn.
Xót xa thấy người lao động xanh xao, mệt mỏi
Trước những tâm trạng “buồn”, “thấy có lỗi” của nhiều ĐBQH, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho đây là điều hết sức đáng tiếc, vì luật ban hành mà không xem xét thận trọng, chu đáo. Tuy nhiên, vì lợi ích của người lao động, ĐB Minh đề nghị dù chỉ là thiểu số nhưng thấy sai vẫn phải sửa.
Khẳng định Điều 60 mang tính tiến bộ, tuy nhiên trước phiên khai mạc Quốc hội, khi đi gặp gỡ công nhân lao động, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho biết, người lao động nói Điều 60 là tiến bộ nhưng còn thiếu. Giải thích về lý do cần phải sửa, bà Tâm cho rằng, có những ngành nghề như dệt may, da giày… điều kiện lao động khắc nghiệt, phải làm tăng ca liên tục, người ngoài 40 tuổi khó đáp ứng nhu cầu tuyển dụng khiến chủ sử dụng lao động có nhiều lý do cắt hợp đồng.
“Bị cắt hợp đồng lao động ở doanh nghiệp này, người lao động khó ký được hợp đồng ở doanh nghiệp khác. Lương thấp thì làm sao đủ trang trải cho cuộc sống? Gặp người lao động, nhìn họ xanh xao, mệt mỏi mà thấy xót xa, mới hiểu được vì sao người lao động đặt ra vấn đề này”, ĐB Tâm nêu thực trạng, đồng thời cho rằng, việc lĩnh tiền BHXH một lần với người lao động là bất đắc dĩ, không còn lựa chọn nào tốt hơn. Do vậy, nên sửa Điều 60 theo hướng bổ sung để người lao động có quyền lựa chọn bảo lưu, hay lĩnh BHXH một lần.