Đối thoại, doanh nghiệp “kêu” gì về thuế, hải quan?

TPO - "Trong thực tế, doanh nghiệp vẫn e sợ thủ tục hải quan do công chức cán bộ Hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó v.v…mà làm chậm hồ sơ của mình hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó nên doanh nghiệp phải tự mình bồi dưỡng cho công chức cán bộ Hải quan”, TS. Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 
Ảnh minh họa của: Tuấn Nguyễn

Nhiều chính sách thuế thay đổi đến... chóng mặt 

Ngày 27/11, tại Hà Nội diễn ra hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính và doanh nghiệp (DN) về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2017.

Theo Tiến sỹ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hội nghị nhằm rà soát, đánh giá lại các vẫn đề đã làm thường xuyên liên quan đến đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan theo tinh thần Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN và Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.

Phó Chủ tịch VCCI cũng cho hay, nhiều kiến nghị của DN đã được chuyển tới các vị trực thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan xem xét giải quyết. 

Trong lĩnh vực thuế, một số quy định trong chính sách thuế thay đổi nhanh chóng khiến DN gặp khó. Thậm chí, nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung, văn bản ra lúc nào DN cũng không biết.

Bên cạnh đó, thủ tục dành cho các DN nợ thuế, phạt chậm nợ thuế còn rườm ra, phức tạp, làm khó DN. “Có DN cho biết, phát sinh thuế phải nộp quý 4 nhưng thời hạn cuối nộp rơi vào quý 1 năm sau, nên DN nộp vào quý 1 năm sau (vẫn được xem là nộp đúng hạn và không nợ thuế). Nhưng khi DN cần xác nhận nghĩa vụ nộp thuế thì không xác nhận được hay thủ tục rất rườm rà và không phản ánh đúng tình trạng nghĩa vụ nộp thuế của DN, vì cán bộ phụ trách nói chỉ xác định căn cứ đến 31/12 của năm đó và xem như khoản nộp vào đầu năm sau là nợ thuế", ông Khương nói.

Chưa kể, mức phạt khoản tiền chậm nộp quá cao khiến DN gặp thêm khó khăn về kinh doanh. Cơ quan thuế nên xem xét, đánh giá tình hình của DN để có thể miễn, giảm khoản mức phạt khoản tiền chậm nộp.

Về quy trình, thủ tục theo quan điểm của ông Khương, ngành thuế đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để triển khai thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên việc ứng dụng CNTT của cơ quan thuế theo phản ánh từ nhiều doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số bất cập.

Bên cạnh đó, hệ thống nộp báo cáo thuế qua mạng giữa cơ quan thuế và DN không đồng bộ dẫn đến DN gửi báo cáo qua mạng thành công nhưng cơ quan thuế báo lỗi không nhân được. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý DN gặp khó khăn do không được hỗ trợ về mặt thuế.  

Về quá trình thanh kiểm tra, ông Khương cho hay, các DN mong muốn khâu thanh tra, kiểm tra nên nhanh chóng, gọn nhẹ và đúng mục đích, tạo điều kiện cho DN phát triển hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thanh kiểm tra thuế quá chậm, đến khi kiểm tra sau 5 năm thậm chí 10 năm mới kiểm tra thì tính phí nộp chậm/ngày của chi phí không hợp lý, khiến bị truy thu vừa tiền lãi chậm nộp lên hơn 100 triệu chẳng hạn thì DN chỉ còn nước phá sản.

DN vẫn phải “bồi dưỡng” cho hải quan

Trong khi đó, về lĩnh vực hải quan, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, khi DN phản ánh, công văn trả lời cho các vấn đề vướng mắc của DN còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể cho họ.

Quá trình giải quyết thủ tục hành chính cán bộ hải quan còn yêu cầu một số văn bản, giấy tờ ngoài quy định. Trong một số trường hợp sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan chưa đồng bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Thời gian giải quyết thủ tục hải quan đôi khi kéo dài hơn trên thực tế.

Theo phản ánh của một số DN, thái độ phục vụ của công chức hải quan đối với DN đôi khi còn chưa tốt,  cần cải thiện, tạo lập môi trường làm việc minh bạch, văn minh hiệu quả. Hơn nữa, nhiều công chức Hải quan có thay đổi luân chuyển vị trí, do đó khi xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan cần nhất quán theo đúng quy định, không để cách xử lý mỗi người lại có đôi chút khác nhau

"Trong thực tế DN vẫn e sợ  thủ tục hải quan do công chức cán bộ Hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó v.v…mà làm chậm hồ sơ của mình hoặc hay bắt lỗi nhỏ nhặt của DN để làm khó nên DN phải tự mình bồi dưỡng cho công chức cán bộ Hải quan (ở hầu hết các khâu công chức cán bộ Hải quan có tiếp xúc người làm thủ tục XNK của DN). Chi phí ngoài quy định quá nhiều vì còn quá nhiều khâu DN phải trực tiếp làm việc với phía hải quan”, ông Khương nói. 

Về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, có quá nhiều văn  bản, thông tư, nghị định chồng chéo của các cơ quan chuyên ngành làm DN dễ bị nhiễu loạn và rối loạn thông tin.

Nhiều khi, DN phải tự chạy đi tới cơ quan giám định yêu cầu ký giấy xác nhận mà cũng không được chấp nhận. Chẳng hạn, khi DN muốn nhập khẩu 1 lô thép về phải mất 24 tiếng mới xin được công văn đến của Chi Cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất lượng. Sau khi có công văn đến, DN nộp cho đơn vị phân tích hợp chuẩn, sau đó nộp cho HQ mở tờ khai.

Sau khi lấy hàng về phải chờ kết quả giám định khoảng 10 ngày, tiếp đó cầm kết quả nộp cho Chi Cục Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất lượng chờ đợi 3 ngày làm việc mới lấy được thông báo đạt tiêu chuẩn nhập khẩu để thông quan tờ khai hải quan. DN kiến nghị nhà nước xem xét giảm bớt nhiều giấy phép con này đi để tạo điều kiện cho DN.

Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc của các DN liên quan đến công tác hoàn thuế, thuế giá trị gia tăng, hóa đơn điện tử, truy thu thuế....

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cảm ơn những trao đổi cởi mở, thẳng thắn, bình luận về kết quả cải cách chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan của các DN và bộ, ngành. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu giải quyết những vướng mắc, bất cập đang gặp phải để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp nói chung.

Bộ Tài chính mong muốn doanh nghiệp Việt Nam chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đồng thời tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng và đầy thách thức như hiện nay.