Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam, diễn ra ngày 12/8 tại Hà Nội.
Thủ tướng khẳng định, trong lịch sử hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đối ngoại đã mang lại những thành công vang dội trên mặt trận đa phương, với những dấu ấn lịch sử của các Hội nghị Geneve 1954, Hội nghị Paris 1973, góp phần kiến tạo hòa bình, giành và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước.
Trong môi trường an ninh và phát triển đang chuyển biến rất nhanh và sâu sắc, tất cả các nước lớn nhỏ đều đứng trước nhu cầu tăng cường hợp tác, liên kết để cùng giải quyết các vấn đề chung cấp bách. Việt Nam ngày nay là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức, diễn đàn quan trọng ở khu vực và thế giới như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, ASEAN, APEC, ASEM…
“Chính sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của các bạn bè quốc tế tại các diễn đàn đa phương đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam đã góp phần quan trọng đề cao chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các nguyên tắc ứng xử của khu vực, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.
Để bảo vệ chủ quyền mà không phải dùng đến sức mạnh
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định, quan điểm của Việt Nam là hợp tác quốc phòng gắn liền với xây dựng lòng tin, đặc biệt là cam kết không sử dụng quân sự để đối phó nhau, để xử lý các vấn đề, đối phó các quốc gia liên quan. Ngược lại, nên sử dụng thế mạnh, sức mạnh quốc phòng, quân sự để cùng hợp tác, phát triển, củng cố bảo đảm hòa bình vững chắc, đồng thời đối phó các thách thức mới. “Chúng tôi rất cần tiềm lực về tinh thần, sự hỗ trợ quốc tế về tinh thần để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền mà không phải dùng đến sức mạnh”, Thượng tướng nói.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, các diễn đàn đa phương giúp các nước, nhất là nước nhỏ, có tiếng nói bình đẳng với nước lớn, giúp những người có lẽ phải được thể hiện lẽ phải của mình và yêu cầu mọi quốc gia, tổ chức thành viên phải tuân thủ luật pháp quốc tế. “Đây là điều kiện cơ bản các nước giải quyết tranh chấp bằng hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”, ông nói.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nếu một quốc gia tự khu biệt mình, tự áp đặt ý chí của mình lên các vấn đề chung của thế giới thì chúng ta sẽ có một thế giới hỗn loạn. “Nước nào cũng thế, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc của mình là trên hết, nhưng các nước cũng phải tôn trọng và quan tâm đến lợi ích quốc gia của các nước khác một cách chính đáng, trên cơ sở luật pháp quốc tế”, Thượng tướng nói.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, thời gian 5 - 10 năm tới có ý nghĩa then chốt đối với công cuộc đổi mới, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao vị thế đất nước. Đây cũng là thời điểm Việt Nam đảm nhận nhiều trọng trách và hoàn tất nhiều cam kết quốc tế.
EU đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN
Hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm qua tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, bà Catherine Ashton khẳng định EU đánh giá cao vai trò rất hiệu quả và mang tính xây dựng của Việt Nam trong ASEAN, và EU luôn luôn chào đón, ủng hộ Việt Nam tăng cường tham gia các hoạt động quốc tế, như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi cũng thảo luận các vấn đề khu vực, bao gồm cả vấn đề liên quan giao thông hàng hải. Và chúng tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng, EU mong muốn và thúc giục các bên tìm những giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”, bà Ashton nói trong buổi họp báo sau hội đàm.
Chiều 12/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp bà Catherine Ashton. Bà Ashton chính thức thông báo EU đã quyết định tăng tài trợ ODA cho Việt Nam trong 5 năm tới thêm 30% so với giai đoạn trước.