Có thể nhận định “kỳ thi THPT quốc gia hoàn toàn phá sản” là hơi sớm và hơi quá, nhưng nếu xét theo các tiêu chí mà các nhà hoạch định vạch ra ban đầu là giảm bớt căng thẳng cho thí sinh, giảm gánh nặng tâm lý và chi phí của xã hội thì kỳ thi năm nay đã không đạt được mục tiêu. Thí sinh thay vì lo lắng trước và trong kỳ thi, nay còn phải lo lắng sau kỳ thì với đủ loại rối ren. Một lần nữa, những gánh nặng khoa cử bắt nguồn từ những“thử nghiệm” của ngành giáo dục lại đổ lên học trò. Bộ trưởng GD&ĐT nói đại ý qua kỳ thi lần này, qua một phen lao đao vì thi cử, thí sinh có cơ hội trưởng thành hơn. Nhưng bản thân các thí sinh và cả cha mẹ các em, làm gì có ai muốn con cái mình “trưởng thành” theo cách đó. Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT nói, trong 13 năm tổ chức kỳ thi “3 chung” trước đây, năm nào ngành giáo dục cũng rút kinh nghiệm để điều chỉnh quy chế tuyển sinh cho phù hợp. Nhưng sau từng đó lần điều chỉnh, thực tế đạt được của một kỳ thi “hai trong một” đang bộc lộ rất rõ ràng những yếu kém.
Và tới đây, khi kết thúc kỳ thi hai chung đầu tiên đầy khổ ải này, Bộ GD&ĐT cần phải làm rõ: Cuối cùng thì thí sinh được gì, xã hội được gì, vấn đề gì cần phải điều chỉnh. Không phá sản hoàn toàn, bởi ít nhất kỳ thi cũng tạo ra một tiền đề để cải cách, để đổi mới dựa trên những vấn đề vừa phát sinh trong đợt thi vừa qua. Ý tưởng đổi mới là không sai, nhưng vấn đề của kỳ thi năm nay nằm ở khâu tổ chức. Dường như các nhà hoạch định đã không lường hết được các tình huống, để rồi vỡ trận.
Ai cũng hiểu, chỉ trích thì thường dễ hơn nghĩ ra giải pháp. Tuy nhiên, trách nhiệm cải tiến, trách nhiệm về một giải pháp đổi mới thi cử thực sự khoa học, hiệu quả trước tiên là của ngành giáo dục. Nếu không nhìn thẳng vào sự thật này, không thực sự cầu thị, với hàng chục lần “rút kinh nghiệm” như các năm qua, lấy gì đảm bảo kỳ thi tới sẽ không còn cảnh nhốn nháo, “đỏ đen” như kỳ thi năm nay?