DNNN lờ báo cáo thông tin: Đề xuất cách chức, xử lý hình sự người đứng đầu

TP - Chính phủ đã có quy định (Nghị định 81/2015/NĐ-CP) yêu cầu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) định kỳ công bố thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng nhiều DNNN phớt lờ thực hiện. Để xử lý tình trạng này, Bộ KH&ĐT đang đề xuất Chính phủ hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc, thậm chí xử lý hình sự người đứng đầu DN không công bố thông tin (nếu DN khó khăn, thua lỗ).
Cty TNHH MTV đạm Ninh Bình là một trong hàng trăm DNNN không báo cáo thông tin đang bị Bộ KH&ĐT đề xuất xử phạt. Ảnh: A.T

Hơn 60% “giấu” thông tin

Theo Bộ KH&ĐT, cả nước có 620 DNNN bắt buộc công bố thông tin và gửi báo cáo về Bộ tổng hợp gửi Chính phủ và đăng tải trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia. Những thông tin báo cáo gồm kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và ba năm gần nhất (tính đến năm báo cáo); chế độ tiền lương, thưởng; thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức; báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm của DN…

Tuy nhiên hết tháng 12/2016, mới có 38,8% DN gửi báo cáo. Còn tới 380 DN (chiếm 61,1%) không báo cáo, thuộc lĩnh vực như thủy nông, thủy lợi; công ty nông, lâm nghiệp;  xổ số kiến thiết của địa phương. Đặc biệt, các công ty con tại một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Cao su Việt Nam chưa công bố thông tin.

“Xử phạt lãnh đạo DN 15 triệu đồng chưa đủ sức răn đe, thậm chí họ còn lấy tiền của DN để nộp phạt. Phải xử lý nghiêm, thậm chí buộc thôi việc, cách chức người đứng đầu trong trường  hợp không báo cáo thì họ mới sợ. Như vậy việc báo cáo thông tin mới thực sự minh bạch”.

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, DNNN dùng tiền của nhân dân, lãnh đạo DNNN là người được bầu chọn, đại diện cho phần vốn này. Việc báo cáo, công khai thông tin giúp cơ quan quản lý, người dân biết được “sức khỏe” của DNNN. Đồng thời có biện pháp xử lý khi có dấu hiệu yếu kém, tránh tình trạng hiệu quả kinh doanh thấp, thậm chí thua lỗ vì đầu tư ngoài ngành…

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc công bố thông tin khẳng định tính minh bạch trong sản xuất, kinh doanh của DNNN. Thông tin người dân cần là kết quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả của khoản vốn đầu tư. Nếu DN thua lỗ, người đứng đầu phải giải trình nguyên nhân, có đầu tư ngoài ngành, hoạt động trái chức năng, nhiệm vụ hay không?

Phạt tiền đến cách chức, xử lý hình sự

Trước thực trạng DNNN phớt lờ chỉ đạo báo cáo thông tin, Bộ KH&ĐT đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước áp dụng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo người quản lý DN không công bố thông tin; nội dung công bố không trung thực… Áp dụng hình phạt 10 -15 triệu đồng đối với lãnh đạo DN không thực hiện công bố thông tin hằng năm. Bộ KH&ĐT đề xuất phạt tiền lãnh đạo với 379 DN chưa gửi báo cáo như Cty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn; Cty TNHH nguyên liệu giấy miền Nam; Cty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng… Ngoài ra, 241 DN đã báo cáo nhưng chưa đầy đủ cũng bị kiến nghị xử phạt như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Cty TNHH MTV cao su Thanh Hóa; Cty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Tuyên Quang… 

“Với những DN không thực hiện bất cứ hoạt động công bố thông tin nào theo Nghị định 81, trong quý II/2017, Bộ KH&ĐT sẽ kiến nghị cụ thể hình thức xử lý kỷ luật, từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc, kết hợp xử lý hình sự với người quản lý DN nếu DN lâm vào tình trạng khó khăn hoặc gây thất thoát vốn”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, DNNN là nguồn lực công, việc công khai thông tin sản xuất kinh doanh đã thành nguyên tắc.

“Nếu không công khai, nhà nước và nhân dân không thể biết tài sản công đang được đầu tư, sử dụng như thế nào. Như trường hợp của Bộ Công Thương, đại diện phần vốn nhà nước tại DN nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc mới phát hiện thất thoát ở các dự án nghìn tỷ. Chế độ báo cáo để cơ quan nhà nước biết được tình hình sản xuất kinh doanh, những hạn chế, yếu kém tồn tại. Từ đó điều chỉnh, thậm chí thay bộ máy quản lý”, ông Phúc đánh giá.

Theo ông Phúc, điểm mấu chốt cần siết chặt kỷ luật báo cáo. Chính phủ yêu cầu nhưng DN, cơ quan không báo cáo phải có chế tài xử lý nghiêm khắc. Khi Chính Phủ, bộ ngành xử lý một vài trường hợp điển hình, các DN khác sẽ thực hiện nghiêm túc.