Là bến xe có diện tích và công suất lớn nhất Hà Nội, nhưng hiện nay bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông) đang là bến có lượng xe xuất bến thấp nhất khu vực nội thành.
Theo thiết kế, bến xe Yên Nghĩa có công suất 1.600 lượt/xe ngày, nhưng hiện bến chỉ có khoảng 100 lượt xe/ngày (bằng 6,2% công suất).
Do xe nghỉ chạy nhiều, khiến một số khu vực trong bến trở nên trống vắng, chỉ có cột biển báo "cô đơn".
Bến xe Yên Nghĩa đang như sân bóng bị bỏ không.
Với khoảng 800 lượt xe xuất bến/ngày, nhưng từ ngày 1/5 đến nay, lượng xe vào bến Giáp Bát hoạt động giảm đến 80%. Nhiều phụ xe hàng ngày thường bận bịu đón, hướng dẫn khách lên xuống, nay chỉ đứng, ngồi một chỗ nhìn xa xăm.
Hai ngày qua tại các khu vực là nơi dừng đón khách đi các tuyến Tuyên Quang, Yên Bái, Đà Nẵng, Tây Nguyên, BX Miền Đông... , nhiều lúc "trắng" xe đón khách.
Bên trong nhà điều hành, các quầy bán vé bến Giáp Bát vắng bóng khách giao dịch.
Hai ngày qua, khu vực cổng ra của bến Giáp Bát, vắng lặng.
Bến xe Mỹ Đình mỗi ngày có khoảng 900 lượt xe xuất bến, nhưng những ngày qua, con số này giảm từ 70 đến 80%.
Mặc dù nhiều nhà xe đã dồn, kéo dài thời gian "lốt" xe chờ trong bến, nhưng các xe xuất bến tại bến Mỹ Đình chỉ còn vài khách.
Với 4 bến xe lớn như Yên Nghĩa, Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm... bình thường mỗi ngày các bến xe này có tổng cộng 2.500 lượt xe xuất bến, chuyên chở khoảng 6 vạn hành khách từ Hà Nội đi các tỉnh.
Để chia sẻ, giảm khó khăn cho doanh nghiệp - nhà xe khi COVID-19 bùng phát trở lại đến lần thứ 4, thông tin với PV Tiền Phong, đại diện Cty CP bến xe Hà Nội vừa cho biết, Cty có báo cáo thực trạng, sau đó đã được Sở GTVT Hà Nội tạm thời không áp dụng quy định: nếu xe không vào bến hoạt động liên tiếp từ 30 đến 60 ngày sẽ bị cắt "lốt" (dừng hoạt động). Cùng với đó, bến xe cũng không thu tiền bến bãi theo hợp đồng khi xe phải nghỉ chạy do dịch.
Anh Trọng