Điều quân áp sát biên giới Nga, NATO muốn gì?

TPO - NATO vừa điều 1.200 binh lính tới căn cứ hải quân Klaipeda của Litva nhằm củng cố sườn đông trong nỗ lực “ngăn chặn” một nước Nga “trỗi dậy về quân sự”.
Lực lượng NATO do Mỹ dẫn đầu đến Litva ngày 7/2. Ảnh: Reuters.

Ngày 24/1, chưa đầy một tuần sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã điều 1.200 binh lính tới căn cứ hải quân Klaipeda của Litva nhằm củng cố sườn đông trong nỗ lực “ngăn chặn” một nước Nga “trỗi dậy về quân sự”.

Cùng với đó, hơn 100 binh sĩ và khoảng 60 thiết bị quân sự của Bỉ cũng được điều tới căn cứ hải quân Klaipeda trên biển Baltic, nằm rất gần khu vực Kaliningrad (Nga).

Hôm qua, 7/2, NATO tiếp tục triển khai 4 tiểu đoàn do Đức dẫn đầu tới Litva. Sau Đức, trong năm nay Mỹ, Anh và Canada sẽ lần lượt đưa các binh sĩ tới Ba Lan, Estonia và Latvia.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang trong giai đoạn căng thẳng nghiêm trọng kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. NATO ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine, trong khi Nga kiên quyết bác bỏ điều này.

Bất chấp phản bác của Moskow, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga.

Động thái này của NATO đã đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga - NATO, trong đó quy định NATO không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên mới nằm sát Nga. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn khẳng định đây chỉ là hành động nhằm đề phòng Nga.

Biểu đồ cho thấy sự hiện diện của quân đội NATO tại các nước phía Đông châu Âu. Nguồn: Independent

Moskow tỏ ra rất giận dữ và cho rằng liên minh do Mỹ dẫn đầu đang cố gắng “bao vây” Nga. Phán ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm qua khẳng định: “Nếu theo dõi các phương tiện truyền thông, có thể thấy Nga thể hiện thái độ rõ ràng đối với việc NATO điều quân đến sát biên giới. Và đó là thái độ tiêu cực”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cho biết lực lượng quân đội Nga cũng vừa được Tổng thống Vladimir Putin yêu cầu “tổng kiểm tra” để “chuẩn bị chiến đấu đẩy lùi xâm lược”, theo TASS.

Dù sự căng thẳng trong quan hệ Nga – NATO đang tăng cao chưa từng thấy, nhưng một số học giả lại kỳ vọng vào khả năng tình thế sẽ xoay chuyển theo hướng tích cực, bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần thể hiện quan điểm muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga.