Tại cuộc họp ứng phó với bão số 8 và mưa lũ miền Trung, ông Khiêm cho biết, khoảng 7 giờ sáng nay 21/10, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía đông, với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khiến hướng di chuyển, khu vực ảnh hưởng của cơn bão khó lường.
Theo nhận định của các đài dự báo quốc tế, so với các cơn bão trong năm, bão số 8 được dự báo phạm vi ảnh hưởng rất rộng và cường độ mạnh.
“Như đài của Nhật Bản cảnh báo phạm vi ảnh hưởng của bão số 8 từ kéo dài từ vùng Đông Bắc kéo dài đến đến Nam Trung Bộ…Các đài của Hồng Kông và của Mỹ cũng nhận định định đến rất rộng. Kể cả đài Hồng Kông và Hoa Kỳ”, ông Khiêm nói.
Về Cường độ, theo các dự báo của các đài quốc tế, bão số 8 sẽ đạt cường độ mạnh nhất khi bão đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. Còn khi vào đất liền, bão số 8 chỉ mạnh cấp 8-9, một số đài dự báo bão chỉ mạnh cấp 7.
Theo Giám đốc cơ quan dự báo khí tượng Việt Nam, từ việc phân tích các khí quyển đại dương, nhiệt độ mặt nước biển có thể chia ảnh hưởng của bão số 8 làm 2 vùng.
Ông Khiêm nhận định, hiện khu vực phía Đông đảo Hoàng Sa nhiệt độ mặt nước biển khá cao, đây là yếu tố giúp bão tăng cấp trong 24-48 giờ tới.
Còn từ Hoàng Sa về phía Tây nhiệt độ nước biệt thấp. Cùng đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nên ở phía Bắc thường khô và lạnh, nên khả năng bão sẽ không mạnh.
Từ phân tích trên, ông Khiêm cho rằng, trong vài ngày tới bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta, đặc biệt là gió mạnh ngày và đêm nay. Khu vực Bắc biển Đông, khu vực quần đảo Hoàng Sa gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, sau 24 giờ tăng lên cấp 9-10, giật cấp 12, sóng cao 5-7m, rất nguy hiểm cho tàu thuyền.
Cơ quan dự báo Việt Nam nhận định, bão mạnh nhất khi đi vào khi vực quần đảo Hoàng Sa, có thể mạnh 11-12, giật 14 và bão có xu hướng suy yếu khi đi qua quần đảo Hoàng Sa.
“Từ Hoang Sa đến vào bờ, trọng tâm hướng vào là Bắc Trung Bộ và Trung Trung bộ từ đêm 24 sáng 25/10. Khi đi vào trong kinh tuyến 111, bão có khả năng suy yếu khi gặp mặt nước biển lạnh”, ông Khiêm nói và cho biết “Khi cơn bão cách bờ 250 km, radar khí tượng sẽ quan sát được tốt hơn và có nhận định sát hơn trong thời gian tới”.
Cũng theo ông Khiêm, các cơn bão thường sẽ gây mưa trước, trong và sau bão, nhưng cơn số 8 sẽ gây mưa trong thời gian bão vào, với lượng mưa 200-300 mm. Lượng mưa sẽ không nhiều và tập trung như đợt vừa rồi ở miền Trung.
“Tuy ảnh hưởng về gió và mưa không quá lớn nhưng khu vực các tỉnh miền Trung vừa qua chịu ảnh hưởng mưa lũ lớn nên vẫn gây nguy cơ cao về sạt lở đất, ngập lụt..rất lớn”, ông Khiêm nói.
Liên quan đến mưa lũ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, ông Khiêm cho biết, đến ngày 21/10, mưa ở các tỉnh Bắc Trung bộ đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên lũ trên sông Kiến Giang ở Lệ Thuỷ (Quảng Bình) vẫn trên bão động 3.
“Mưa yếu là mưa rào, mưa dông, chứ không còn đợt mưa lớn tập trung như vừa rồi, và thường mưa vào đêm va sáng. Dẫu vậy, cần lưu ý mưa cục bộ, vẫn rất nguy hiểm với vấn đề sạt lở”, ông Khiêm cảnh báo.