Dân miền Trung vật lộn trong 'đại hồng thủy': Quảng Bình thất thủ

Cả Quảng Bình bị nước lũ nhấn chìm
Cả Quảng Bình bị nước lũ nhấn chìm
TP - Nước lũ cuồn cuộn đổ về nhấn chìm tỉnh Quảng Bình trong đêm 18/10. Nước vây tứ bề, nước trùm lên mái nhà, khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, tiếng người dân thất thanh kêu cứu vời vợi trong đêm. 

Chạy đua với lũ dữ

Quảng Bình gần như thất thủ trước cơn đại hồng thuỷ chưa từng có trong lịch sử thiên tai của tỉnh này, từ miền núi đến miền xuôi, nơi đâu cũng ghi nhận mức lũ lụt kỷ lục. Từ sáng 18/10 lũ được ghi nhận ở mức vượt ngưỡng lịch sử 10 năm qua, đến chiều cùng ngày, lũ dâng cao vượt ngưỡng lũ lịch sử năm 1979. Đến rạng sáng 19/10, nhiều nơi vượt mức lũ lớn đã cao và dữ nhất từ năm 1950 đến nay. Cuộc chạy đua cứu người diễn ra từ sáng 18/10 cho đến chiều tối ngày 19/10, tất cả đều gấp gáp, và ở đâu cũng nghe tiếng người dân kêu cứu.

Tỉnh Quảng Bình đã huy động tối đa các lực lượng biên phòng, quân sự, công an cùng các phương tiện để khẩn trương cứu hộ dân bị mắc kẹt trong mưa lũ. Ông Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình yêu cầu các lực lượng đẩy nhanh tiến độ cứu hộ, huy động tối đa lực lượng và phương tiện, tranh thủ thời gian để cứu dân sớm nhất có thể, trước khi mưa lũ tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

 Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn, do hầu hết các địa bàn của tỉnh Quảng Bình đều ngập lụt, việc di chuyển của lực lượng cứu hộ hết sức khó khăn. Nhiều vùng lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận do gió lớn, nước chảy xiết. 3 giờ sáng ngày 19/10, PV Tiền Phong gọi điện cho ông Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhờ cử lực lượng giải cứu nhiều hộ dân bị lũ nhấn chìm nhà cửa ở vùng cồn nổi nằm giữa sông Gianh, đầu máy bên kia tiếng gió vù vù, chỉ nghe ông Phong nói như hét nhưng câu được, câu mất: “Ở đó giờ chỉ có thể để lực lượng trong thôn hoặc dân tự cứu dân thôi, không phương tiện nào có thể vượt được sông Gianh lúc này được. Đây là cơn lũ kỷ lục, dân cả tỉnh kêu cứu khắp nơi, lực lượng chức năng đã trắng đêm trong lũ nhưng vẫn ứng cứu không kịp”.

 Đêm 19/10 là một đêm không ngủ của chính quyền và người dân Quảng Bình. Mặc dù đã có dự báo, cảnh báo từ trước nhưng không ai có thể ngờ nước lũ lên nhanh đến thế ngay trong đêm. Ngay cả TP Đồng Hới, lũ từ sông Nhật Lệ cũng “tấn công” thành phố này. Cả thành phố náo động vì tiếng xe cộ gầm rú, tiếng còi inh ỏi cả đêm vì chạy lũ.

Dân miền Trung vật lộn trong 'đại hồng thủy': Quảng Bình thất thủ ảnh 2  Tháo mái nhà để cứu dân

Theo người dân địa phương, việc Đồng Hới ngập lụt là chưa có tiền lệ. Bởi thành phố nằm ngay cửa biển, lâu nay chỉ bị ứ nước mưa cục bộ do thoát không kịp, còn lũ ở thượng nguồn có lớn mấy khi về đến Đồng Hới, nước lũ theo sông Nhật Lệ chảy hết ra biển. Nhưng lần này thì khác, dòng Nhật Lệ đã không đủ rộng để thoát nước của cơn đại hồng thuỷ. Lần đầu tiên trong lịch sử, TP Đồng Hới bị ngập lụt.

Cần lắm những tấm lòng ngay lúc này

Lũ lớn nhấn chìm làng mạc, nhà cửa ở Quảng Bình, người dân đang trong tình trạng thiếu thức ăn và nước uống đang cần cứu trợ khẩn cấp. Nước lên quá nhanh, lại mất điện, nên dù dân có trữ được lương thực, thực phẩm thì cũng không có gì để đun nấu. Những người dân chạy lên khu vực tập trung tránh lũ, họ cũng không mang theo được gì.

Ông Hoàng Công Sự, thôn Đông Thành, một thôn cồn nổi nằm giữa sông Gianh thuộc xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn qua điện thoại cho biết: Nhà ông có nền móng thuộc diện cao nhất trong làng, nhưng nước lũ cũng gần chạm mái nhà. Mọi người trong gia đình phải trèo lên tra (tầng lửng) để tránh lũ. Nước lên nhanh trong đêm, nên không chuẩn bị được củi khô, mất điện nên không có gì để đun nấu, cả nhà phải ăn mì tôm còn sót lại và nhai gạo sống cầm hơi.

Dân miền Trung vật lộn trong 'đại hồng thủy': Quảng Bình thất thủ ảnh 3 Dân chơi vơi trên nóc nhà giữa bốn bề nước lũ

Nhiều gia đình mà PV Tiền Phong tiếp cận được tại huyện Quảng Ninh cũng nói, họ rất cần cồn khô, bình ga mi-ni, dầu hỏa lúc này. Nếu có lửa, họ sẽ chống chọi được với lũ thêm nhiều ngày nữa. Trong lúc đó, công tác cứu trợ đang gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Lũ lớn, sóng to chỉ có thuyền chuyên dụng của lực lượng chức năng mới tiếp cận được những vùng ngập lụt. Nhưng lực lượng này thì mỏng, trong lúc người dân cả tỉnh đang cần cứu trợ.

Ngay trong chiều 19/10, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình đã phải phát đi lời kêu gọi hỗ trợ các bệnh viện. Theo đó, hầu hết các bệnh viện đa khoa tuyến huyện và trạm y tế xã trên địa bàn Quảng Bình bị ngập lụt. Nặng nhất là Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thuỷ và Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (nước lũ lên cao gần hết tầng 1 và vẫn đang lên). Các bệnh viện đã khẩn trương vận chuyển trang thiết bị, cơ sở vật chất, giường bệnh lên tầng trên và nỗ lực khắc phục khó khăn để duy trì các hoạt động chuyên môn. Tuy nhiên, một số máy móc có trọng lượng nặng không thể chuyển lên tầng trên nên đang ngập trong nước.

Khó khăn lớn nhất của các bệnh viện lúc này là thiếu lương thực, thực phẩm nhằm cung cấp cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế đang làm việc.

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quảng Bình, trong hai ngày tới, Quảng Bình tiếp tục có mưa to và rất to, cảnh báo sẽ có lũ đặc biệt lớn trên lưu vực sông Gianh. 

* Ngày 19/10 Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định hoãn Đại hội Đảng bộ dự định diễn ra vào ngày 22/10 để tập trung cứu dân và giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ lụt.

MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.