Điện thoại đêm đổ chuông (Nhớ nhà văn Anh Đức)

TP - Điện thoại đêm đổ chuông. Quái, cái ông này có bao giờ điện muộn đâu? Phải là có chuyện chi bất thường? Cái ông này là nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu vốn cùng quê lập ấp ở Sài thành lâu nay. Quả là có việc. Anh Hiếu báo tin nhà văn Anh Đức vừa mất.
Nhà văn Anh Đức và vợ (chụp năm 2008). ảnh: XB

Chợt mồn một cái lần anh Hiếu dẫn tôi ghé nhà văn Anh Đức. Năm ấy là 2008. Hình như di chứng những lần tai biến khiến nhà văn đi đứng còn lập chập, phải có chị Loan đỡ.

Tạng những người xuân sắc một thời dẫu có cao niên vẫn cứ giữ lại nét gì đó bắt mắt. Chị Loan, vợ nhà văn Anh Đức, cô gái Hà thành là vậy?

Chả biết vợ nhà văn có thuộc dạng ích phu vượng tử hay không, nhưng khúc nhôi chăm chồng là dằng dặc những nhiêu khê, nhọc nhằn…

Kinh hãi nhưng cùng phải nhắc phải nhớ để mà mừng. Thời điểm bệnh viện nhắc gia đình chuẩn bị đồ liệm. Hội Nhà văn thành phố đã lập xong Ban lễ tang... Đó là những ngày tháng 4 tháng 5 năm 2004.

Cõi nhân gian này có lắm sự đếm, tính. Nhưng kiểu đếm, tính của bà Loan nó khắc khoải lẫn rùng rợn. Bác sĩ bảo bà, người bị tai biến 14 ngày đầu là rất nặng. Nếu vượt qua ngày 21 thì có khả năng chút đỉnh nhưng cũng chỉ chợp chờn trong đời sống thực vật. Từ ngày 15 đến ngày 21, bà Loan tự mình biến đêm thành ngày chăm chắm, khắc khoải. Nhà văn vẫn bằn bặt trong cõi vô minh. Hai tháng sau, nhà văn Anh Đức bỗng có một vài phản xạ, nhưng vẫn không đụng cựa được gì. Một tháng nữa, ông được chuyển viện để vật lý trị liệu. Nội việc ăn uống với ông là thứ cực hình tất thảy qua chiếc ống nhựa luồn từ miệng trực tiếp xuống bao tử. Thử tưởng tượng một ly sữa bé xíu mà bà Loan phải cẩn trọng bón rót ra sao đó hơn hai giờ đồng hồ mới hết. Nếu không cẩn thận thì nhà văn sẽ sặc. Mà sặc chút đỉnh coi như đi đứt. Cứ thế ròng rã, năm 2004 chậm chạp, lay lắt. Năm 2005 le lói. Việc ăn uống bớt cực hơn. Năm 2006 thở phào, tạm trút gánh nặng khi nhà văn ngồi dậy được, nói còn ngọng, tai còn nghễnh ngãng nhưng dù sao vùng nào đó trong não đã bớt máu đọng, đã chỉ huy cho chức năng nghe nói làm việc. Năm 2007 hy vọng, nhưng không còn le lói... Tập đi có người dìu. Rồi không có người dìu... Năm 2008, khoảng giữa năm, bữa tôi với nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu ghé, nhà văn Anh Đức đã tự mình đi tắm...

Câu chuyện ngược về những năm xa khi Bùi Đức Ái bối rối trước cái nhìn đang chiếu vào mình, nửa lom lom nửa hững hờ của nhà văn Nguyễn Tuân khi ông nâng cái tẩu lên nhịp nhịp có chút giọng riêng rồi đó. Cái anh viết mà cỡ chục truyện ngắn chưa ra cái giọng riêng là vứt… Ấy là Nguyễn Tuân đang nhắc đến Một truyện chép ở bệnh viện Con cá song… Con cá song, tên truyện ấy Xuân Diệu đặt.

Rồi cái tên Bùi Đức Ái loang lành thêm ra khi phim Chị Tư Hậu khởi chiếu. Khi ấy người ta nghiêm cẩn chuyện bản quyền, bao giờ cũng phim được hoàn thành dựa trên truyện ngắn "Một chuyện chép ở bệnh viện" của Bùi Đức Ái.

Thư viện Hội Nhà văn thời điểm ấy có một nhân viên mới. Đó là cô thủ thư nguyên là nữ sinh trường Trưng Vương. Nhà văn Bùi Đức Ái nhà ta mới tròn 20 bữa đó vô thư viện như chết chân ngay cái nhìn đầu tiên với cô Loan thủ thư. Nhà thơ Bảo Định Giang thoáng thấy mày có ưng thì tụi tao xáp vô giùm... Tụi tao đây là những viết lách tên tuổi, những Chế Lan Viên, Phan Thanh Nam, Phạm Đình Sáu…

Bùi Đức Ái năng đến thư viện hơn. Những câu trao đổi bâng quơ dần có chủ đích… Thân gần hơn, cô Loan thủ thư mời anh thanh niên Nam bộ ngó bộ sáng sủa ấy về nhà mình chơi ở phố Hàng Gà...

Chuẩn bị đợt cho một số nhà văn đi B, cả hai cùng xao xuyến. Mỗi người phải sắm cho mình một cái tên riêng. Bùi Đức Ái dự định lấy tên là Nguyễn Thụy Đức. Cô Loan thủ thư rụt rè rồi bất ngờ sao không lấy tên là Anh Đức cho rồi...

Câu chuyện trở lại lần cùng leo Trường Sơn trở về Nam với Nguyên Ngọc, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thi và Xuân Vũ. Xuân Vũ người miền Tây, cùng tập kết với Anh Đức từng uống bia Cổ Tân với những Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân... sau này rối trí lẫn bấn loạn ngoặt cuộc đời sang hướng khác... Xương trắng Trường Sơn của Xuân Vũ mà Sài Gòn xuất bản bày ngập trên các hiệu sách. 

Bà vuốt lại cho ông cái cổ áo bị gập mà hồi nãy ông tắm choàng vội. Chỉ có tình yêu cái thời ấy mới có sức xui khiến bao điều... Cái điều mà bà Loan làm được như một thế hệ từng làm nên, từng bày đặt bao điều mà thời nay coi như cổ tích ấy là năm 1965 cô Loan xung phong vào chiến trường. Mỗi cung chặng, mỗi binh trạm dường như còn vương hơi ấm bóng hình của Bùi Đức Ái. Trạm cuối cùng ở chiến trường B2, nhà văn Anh Đức đón và gặp được cô thủ thư ngày nào - Trần Phúc Mộc Loan.

Sau lần ghé ấy, về lại Hà Nội, tôi có ghé căn nhà phố Hàng Gà. Ơn giời, cụ bà thân sinh chị Loan tuổi gần chín chục rồi mà vẫn tinh tường, bước chân vẫn vững. Chuyện cái ngày anh thanh niên miền Nam tập kết ấy đến chơi được cụ kể rành rẽ cứ như là chuyện mới năm ngoái năm kia! Bữa cô Loan đưa về nhà giới thiệu, cụ biết mang máng là có chuyện gì rồi. Anh ấy tới chơi mấy lần, cả nhà ai cũng quý.

Cụ chỉ lên tường tấm ảnh đen trắng cỡ to chụp cô Loan khá đạt, nom như diễn viên điện ảnh. Cụ cho biết, đó là tấm ảnh cô Loan chụp năm 1965 trước khi đi chiến trường B. Cụ cười nom rất lành. Cụ kể: Một thời gian sau, tôi được tin chúng nó cưới nhau trong đó. Chả thư từ gì cả đâu mà hai đứa nó nói vào cái máy cát xét, có người trong ấy mang ra Bắc đem đến tận nhà vặn cho nghe. Mừng thôi là mừng! Chị em cùng làm với tôi thấy mỗi lúc tôi thừ người vì nhớ con gái cứ trêu buồn gì mà buồn. Chị Tư Hậu nó vào thăm chị Sứ chứ đi đâu mà sợ! Công nhận hồi ấy người ta đọc sách với coi phim nhiều hơn bây giờ thì phải hầu như ai cũng biết chị Tư Hậu với Hòn Đất của anh ấy...

Câu chuyện của cụ bà nối đến cái năm 1974, nhà văn Anh Đức cùng vợ và con trai đầu là Huy được ra Bắc an dưỡng. Đơn vị đóng ở Thái Hà Ấp. Đó là những ngày vất vả nhưng ấm áp. Hễ có thời gian rảnh là cụ lại tất tả vào ấp Thái Hà.

…Đêm tiếp cái hung tin qua điện thoại chợt nhớ bữa gặp, cụ bà nhắc nhiều đến khúc nhôi chăm chồng của con gái khiến tôi chợt có ý nghĩ ngồ ngộ: Sao nhà văn Anh Đức lại không kịp có một đoạn hồi ký với cái tên na ná, một quãng đời chép ở bệnh viện và ở nhà mình chẳng hạn?

Tác giả "Em mơ gặp Bác Hồ" qua đời

Nhạc sĩ Xuân Giao - tác giả của “Em mơ gặp Bác Hồ”, “Cô gái mở đường”, “Chào sông Mã anh hùng” - vừa qua đời tối 21/8, hưởng thọ 82 tuổi. Ông Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - cho biết, nhạc sĩ Xuân Giao tạ thế lúc 19h25 ngày 21/8 tại nhà riêng. Tang lễ sẽ được cử hành từ 7h30 ngày 26/8 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Trước đó, nhạc sĩ Xuân Giao đã trải qua một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Ông ba lần bị tai biến, từng mổ túi mật. Gần đây ông sống trong trạng thái thực vật. 

Nhạc sĩ Xuân Giao sinh năm 1932 tại Văn Lâm, Hưng Yên, trưởng thành ở Hải Phòng. Ông bắt đầu tham gia hoạt động âm nhạc ở Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Từ năm 1960, nhạc sĩ Xuân Giao là cán bộ biên tập Nhà Xuất bản Âm nhạc. Ông vừa làm công tác biên tập vừa sáng tác.Vì những cống hiến cho âm nhạc, nhạc sĩ Xuân Giao được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Nhà văn Anh Đức tên thật Bùi Đức Ái, sinh ngày 5/5/1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Năm 1953, làm báo Cứu quốc Nam bộ, được trao Giải thưởng văn nghệ Cửu Long, Giải Nhất truyện ngắn báo Văn nghệ (1958), Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1965), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2000).

Nhắc đến nhà văn Anh Đức, nhiều thế hệ người đọc nhớ đến “Một chuyện chép ở bệnh viện” (1958) “Hòn Đất” (viết năm 1966),... “Giấc mơ ông lão vườn chim”, “Bức thư Cà Mau” của nhà văn Anh Đức được đưa vào sách giáo khoa.

Ông từng là Tổng Biên tập báo Văn nghệ giải phóng, Tổng Biên tập tạp chí Văn và là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TPHCM.

Nhà văn Anh Đức qua đời hồi 21h15 ngày 21/8 tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM), hưởng thọ 79 tuổi.

Lễ viếng bắt đầu từ chiều 22/8 tại Trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM. Tang lễ được tổ chức sau đó hai ngày.