Thưa ông, bài toán đó khó giải như thế nào?
Nói lý thuyết thì dễ nhưng trên thực tế không đơn giản, vì chúng ta biết với diện tích mở rộng như hiện nay, Hà Nội có không gian rất lớn. Không gian mở rộng sẽ có một phần xứ Bắc, xứ Đông, xứ Nam và toàn bộ xứ Đoài. Phải thừa nhận rằng không gian này, chủ yếu vẫn là vùng nông thôn, tỷ lệ về diện tích và dân số của nó hoàn toàn áp đảo so với vùng trung tâm. Nếu sự phát triển tự phát diễn ra thì trung tâm bảo tồn của vùng cốt lõi sẽ bị mai một dần.
Có khuynh hướng thứ hai, đó là với không gian mở rộng như thế này thì không thể từ trung tâm lắng động của thủ đô, mở rông ra toàn bộ không gian Hà Nội. Nên, vì thế, theo tôi phải thừa nhận Hà Nội là một không gian văn hóa đa dạng, có nhiều vùng. Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 phải theo hướng là một không gian rộng lớn trong đó có một đô thị trung tâm mở rộng và đô thị vệ tinh xung quanh.
Riêng vùng đô thị trung tâm bây giờ mở rộng ra bên kia sông Hồng, thành ra có vùng nội đô lịch sử và nội đô mở rộng. Nội đô lịch sử chứa đựng di sản nghìn năm chúng ta phải bảo tồn nhưng đồng thời phải tiếp tục tích tụ văn hóa vừa có sự lan tỏa các vùng. Để làm sao đó chúng ta có Hà Nội có nhiều vùng, nhiều trung tâm văn hóa nhưng có cái cốt lõi, có sự thống nhất trong đa dạng.
Ông nghĩ gì về thực trạng trong thời gian qua, các di sản văn hóa, đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long có vẻ bị xem nhẹ so với nhu cầu quy hoạch và phát triển Thủ đô?
Đây là điều rất buồn. Nhưng nhân dịp 60 năm giải phóng Thủ đô tôi muốn nói trong lòng đất Hà Nội còn nhiều di sản vô giá. Trong thời gian gần đây, chúng ta phát hiện được nhiều hiện vật, đặc biệt có giá trị. Như cái ấn bằng gỗ tưởng bình thường nhưng tôi đánh giá cực kỳ cao. Vì cái ấn đó được chép trong chính sử, trong Đại Việt Sử ký toàn thư. Quân Mông Cổ từ Vân Nam tràn sang, Vua tôi nhà Trần, cụ thể là Trần Thái Tông đã trực tiếp cầm quân ra trận. Nhà vua ra lệnh để cái ấn vàng của mình lại trong điện Đại Minh còn dùng một ấn rất nhỏ gọi là nội mật ấn, nhưng nội mật ấn cũng rơi, nên nhà vua ra lệnh làm cái ấn bằng gỗ để dùng trong việc quân. Sau khi trở về, rất may là cái ấn dấu trên điện Đại Minh vẫn còn nguyên và ấn mất cũng tìm lại được. Cái ấn gỗ có thời gian sử dụng trong thời gian chiến đấu cực kỳ ác liệt. Có thể nói trên thế giới này chỉ có một quốc vương của một vương quốc dùng ấn gỗ trong thời gian chống ngoại xâm.
Khi Hoàng thành được công nhận di sản văn hóa thế giới, đem lại niềm vui lớn cho Hà Nội, nhưng bảo tồn di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long là cực khó, nhất là bảo tồn thế nào để hài hòa với trung tâm chính trị Ba Đình, với kiến trúc nhà Quốc hội cực kỳ đồ sộ sắp hoàn thành.
Xin cảm ơn ông.