Đi qua mùa lụt

TP - Nói về điện ảnh Việt Nam 2016, có người làm so sánh vui: “Đầu năm, Ngô Thanh Vân bật khóc ngay giữa họp báo phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, vì theo cô, đơn vị rạp chiếu CGV chèn ép ăn chia doanh thu, kết quả bộ phim không được chiếu tại cụm rạp lớn nhất nước. 
Điện ảnh Việt 2016: Ai được, ai mất?

Cuối năm, Trọng Khang khóc nức nở tại buổi ra mắt phim “Chạy đi rồi tính” vì em không được xem phim mình đóng do phim bị dán nhãn NC-16”, khiến dàn diễn viên của phim cũng rơi nước mắt theo”. Vị khán giả này kết luận hài hước: “Ngập lụt đến nơi rồi. Bớ làng nước ơi!”.

Đúng là có tình trạng “ngập lụt” như khán giả phản ánh. Song những giọt nước mắt cũng có ích của nó. “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” ăn khách không ngờ. Theo số liệu tổng kết từ nhà sản xuất phim,  tính đến ngày 29/8, tức 10 ngày từ khi khởi chiếu 19/8, doanh thu Tấm Cám đã hơn 46 tỷ đồng. Cho nên, biết đâu những giọt nước mắt của diễn viên nhí Trọng Khang vì phim mình đóng bị gắn mác 16 + sẽ là liều thuốc kích thích khán giả tới rạp.

Ngó sang địa hạt văn chương, cảnh “ngập lụt” cũng diễn ra. Tại Hội nghị văn học 2016 do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức ở Hà Nội, ngày 16/12, vị đứng đầu Hội than về thực trạng không mấy sáng sủa vì kinh phí rót xuống chưa đủ so với thông thường, nên Hội sa vào cảnh nợ nần đơn vị cấp hai. 

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cũng mường tượng ra cảnh tự bơi khi không còn “phao cứu trợ” trong tương lai: “Nếu kỳ họp vừa rồi mà Quốc hội nhấn nút thông qua Luật về Hội thì không biết chúng ta sẽ khốn đốn thế nào. Bởi khi đó Hội nhà văn cũng như các hội khác sẽ không có trụ sở, không biên chế, không được cấp kinh phí. Vậy thì còn gì để hoạt động nữa”, Báo Tuổi Trẻ đã trích đăng lời ông.

 Bị đẩy vào hoàn cảnh khốn đốn, để tránh bị giải tán, lãnh đạo Hội nhà văn cũng tính chuyện… đi buôn: Phá bỏ trụ sở hiện nay (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) để xây nhà hàng, khách sạn. Hoặc Hội sẽ thu các đơn vị cấp 2 của mình về một trụ sở, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, chịu ở chật một chút, để khu đất dư ra cho thuê. Tình cảnh của Hội nhà văn trong năm qua ảm đạm nhưng nhu cầu được trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam vẫn cao như thường. “Nhà nghèo” kéo lại sự đông “con” cũng là niềm an ủi. 

Mới đây, một cộng đồng chuyên chia sẻ và cung cấp danh sách top mọi lĩnh vực, đã đưa ra 10 nhà văn trẻ nổi tiếng nhất Việt Nam. Trong đó có những cái tên như Sky Minh Nhật,  Gào, Hamlet Trương, Kiwi Hồng Phương… 

Những tác phẩm của những người nổi tiếng này có những cái tên và chủ đề na ná nhau: Sẽ để em yêu anh lần nữa; Trót lỡ chạm môi nhau; Thời gian để yêu; Yêu đi rồi khóc; Nhật ký son môi… khiến độc giả trẻ phát cuồng. Trong khi các nhà văn “có thẻ” hiện nay, lượng phát hành của mỗi cuốn sách chỉ dừng lại  một đến vài ngàn cuốn trong một lần xuất bản. 

Nhưng những cây bút trẻ đã làm được điều kỳ diệu với tác phẩm của họ: Trong một ngày ra mắt đã đánh bay hơn vạn cuốn. Không bàn đến sự hay, dở, có giá trị văn chương hay giá trị giải trí nhưng rõ ràng hơn một ngàn nhà văn “có thẻ” đang để mất thị phần bạn đọc màu mỡ là giới trẻ. Thay vì tính chuyện phá trụ sở xây khách sạn có khi Hội nhà văn nên “kinh doanh” ngay trên chính năng lực của mình: Kinh doanh tác phẩm, có khi hứa hẹn những mùa gặt ấm no hơn.