Đi nước ngoài để... xây dựng thông tư

TP - Trao đổi với Tiền Phong chiều 22/1 về việc “Bắt cấp dưới lo kinh phí đi nước ngoài”, ông Lưu Thanh Bình, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, đây không phải là những chuyến đi chơi, mà đi Pháp, Thụy Sỹ để học tập, trao đổi kinh nghiệm, sau đó về nước soạn thảo xây dựng thông tư của Bộ Tài chính.

Theo ông Bình, hệ thống Cảng vụ hàng không (CVHK) là những đơn vị mới được thành lập nên lúc đầu các quy định cụ thể về chế độ chưa rõ, cần phải xây dựng đề án, ban hành thông tư để các CVHK thực hiện. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên muốn xây dựng thì phải đi học nước ngoài.

“Việc xây dựng thông tư là để phục vụ nguồn thu cho 3 cảng vụ, bảo đảm chi cho các cảng vụ. Nếu đã có quy định rồi thì cần gì phải xây dựng quy định đó nữa. Cái này mình phải thông cảm, chứ không phải là chúng tôi bao biện đâu. Phải có đề án cụ thể thì Bộ trưởng mới quyết định cho tôi đi chứ”, ông Bình nói.

Theo ông Bình, căn cứ vào nhu cầu thực tế và được sự đồng ý của Cục trưởng Cục Hàng không, của Bộ trưởng Bộ GTVT, đơn vị đã thành lập đoàn đi học tập ở một số nước châu Âu, trong đó có Pháp và Thụy Sỹ.

“Việc mời cán bộ các bộ đi không phải dễ, phải mời mãi mới được. Người ta có đi thì mới hiểu và trình dự thảo để ban hành được. Còn không đi không thể trình được, có trình họ cũng chưa hiểu hết được.

 Đặc điểm của Cảng vụ hàng không là thế” . Ông Lưu Thanh Bình 

“Khi đi tôi là Trưởng đoàn và được Bộ trưởng cử đi. Tham gia đoàn, ngoài cán bộ hàng không, còn có các cán bộ của Vụ Tài chính hành chính và Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính)", ông Bình cho biết.

Ông Bình cho biết thêm, trong quá trình đi nước ngoài học tập, khi làm việc với Cục Hàng không của các nước đều có biên bản làm việc, có kết quả cụ thể. Sau khi đi về thì Bộ Tài chính mới ra được Thông tư số 151/2013/TT-BTC về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay. 

Cũng theo ông Bình, thực tế đã mời cán bộ ở các đơn vị khác đi thì CVHK phải lo kinh phí, chứ không thể “bắt người ta bỏ tiền ra để rồi làm việc cho mình”. Tuy nhiên, ông Bình khẳng định, nguồn chi này là chi thường xuyên có kế hoạch, có dự toán và lấy ở phần tiết kiệm chi, chứ không phải lấy ở ngân sách. 

Nghiêm túc rút kinh nghiệm

Đề cập về những sai phạm trong việc triển khai dự án hệ thống thông tin hành khách trước chuyến bay (APIS), ông Bình cho rằng, đây là dự án quan trọng, nhưng do các đơn vị còn thiếu kinh nghiệm, trình độ nên đã dẫn đến sai sót. Tại báo cáo kiểm điểm, CVHK miền Bắc nhìn nhận, là do đơn vị mới được thành lập, không có Ban quản lý dự án, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý đầu tư.

Mặt khác do tiến độ của dự án gấp rút, cần triển khai để đảm bảo an ninh hàng không nên còn một số thiếu sót về thủ tục hành chính. “Tập thể Ban Thường vụ, Ban Giám đốc và thủ trưởng các đơn vị thuộc Cảng vụ kiểm điểm nghiêm túc sâu sắc, nhận khuyết điểm và xin nghiêm túc rút kinh nghiệm, tự chấn chỉnh trong toàn đơn vị”, báo cáo kiểm điểm của CVHK miền Bắc nêu rõ.

Đối với công tác tuyển dụng để xảy ra nhiều thiếu sót, hạn chế, theo CVHK miền Trung, đơn vị đã xây dựng kế hoạch học tập cho những cán bộ còn thiếu tiêu chuẩn. Xây dựng kế hoạch đào tạo, huấn luyện theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm năm 2015.

“Tập thể Ban Giám đốc và từng đồng chí đã nhận thức sâu sắc những tồn tại, thiếu sót và trách nhiệm của mình, coi đó là bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo và triển khai công tác bổ nhiệm tuyển dụng lao động”, Giám đốc CVHK miền Trung Lê Văn Nguyện xác nhận.

Tương tự, tại báo cáo kiểm điểm, CVHK miền Nam cũng xin rút kinh nghiệm sâu sắc về công tác quản lý chi, nhất là chứng từ chi học tập, công tác nước ngoài.