Một thời văn- Kỳ cuối:

Để người lính thời gian?

TP - Tôi nhớ trong bộ tiểu thuyết sử thi Chiến tranh và hòa bình, Lev Tolstoy viết Đại nguyên soái Kutuzov nói rằng không có gì mạnh hơn Người Lính Thời Gian. Minh triết của vị tướng già thông tuệ. Không chỉ trong chiến tranh, với mọi không gian, mọi thời đại, thời gian sẽ sàng lọc những gì chân giá trị. Thời gian sẽ sàng lọc những bài thơ trong Chân dung nhà văn.
Bàn thờ Xuân Sách với bức thư pháp bài Đăng Châu u đài ca của Trần Tử Ngang. (Ảnh nhỏ: Nhà thơ Xuân Sách)

Nhưng điều khôn ngoan rào trước đón sau của ông Giám đốc Nhà xuất bản Văn học Lữ Huy Nguyên trong “Lời cuối sách” không lại được với những cơn bão dư luận ập đến.

Như mọi người biết, Chân dung nhà văn in hơn 3.000 bản đã bị ách lại không được phát hành. Và tác giả cùng Ban biên tập cuốn sách ở NXB Văn học đã bị xử lý phê bình nhắc nhở…

Cũng xin trích dưới đây ít dòng của người trong cuộc để thấy thái độ ứng xử của Xuân Sách trước cơn bão dư luận.

“Vũng Tàu ngày 1/5/1992

“Sự còn lại mất đi của số phận những tác phẩm văn học cũng như những đời văn trong độ lùi thời gian bao giờ cũng ngầm chứa đựng một sự lựa chọn đầy huyền diệu và công bằng”.

   Nguyễn Minh Châu

…Hôm qua nhiều anh em đến gặp tôi, có người ở Hà Nội về nói NXB ta bị rắc rối vì chân dung nhà văn. Anh em ở dưới này lo cho các ông bởi anh em biết rõ quá trình về tập thơ này. Trước đây đã có một số nhà xuất bản và cá nhân đến gặp tôi đề nghị cho xuất bản tập thơ. Có người đặt cọc trả trước 5 triệu đồng, tôi đều từ chối. Chắc các ông hiểu tôi vì tôi cho đây là một tác phẩm nghiêm túc gan ruột, nó được lưu truyền từ lâu nên xuất bản công khai nhưng in ra như thế nào? Ai in, tôi phải cân nhắc.


Tôi cũng nói rõ với anh em rằng, tôi đã trực tiếp làm việc với các ông rất cẩn thận. Việc tôi và các ông đồng ý bỏ một số bài, thay một số câu chữ, nói thực với các ông, anh em rất tiếc và cho rằng tôi hơi quá nhân nhượng.

Tôi cũng nhắc lại là, trước đây tôi gặp các nhà văn mà có thơ chân dung thuộc loại hơi ác, các anh ấy rất hiểu. Bởi lẽ những người có thành đạt, có bản lĩnh đều có thể tự giễu hoặc chấp nhận sự giễu, miễn nó có nghệ thuật nên có thể yên tâm về điều đó. Ngay mấy hôm anh chị Hữu Mai, Ngọc Tú, Đào Vũ vào Vũng Tàu đến Hội chơi có đông anh em, các anh chị ấy cũng yêu cầu đọc thơ chân dung. Chị Ngọc Tú còn nói, nếu ông Sách đồng ý cho Hội Nhà văn xuất bản thì có thể in 20.000 bản.

Sau khi anh em bọn tôi bàn luận mọi nhẽ thì thấy yên tâm. Không hiểu sự rắc rối ấy đến đâu và có thật hay không? Còn chuyện khen chê đối với một tác phẩm cũng là bình thường. Riêng tôi thì chẳng phải bây giờ sách xuất bản mới được biết mà tôi đã được biết từ lâu nên rất yên tâm và cũng thấy vui. Tuy nhiên, không khách sáo, tôi đã biết ơn các ông đã xuất bản tập thơ, nếu các ông bị rắc rối, tôi cũng thấy không đành lòng. Còn tôi thì chẳng ngại gì, tôi đã chịu trách nhiệm về nó từ lâu rồi, chứ không phải khi tập thơ được chính thức ra đời ngày hôm nay.

Tôi biết có một số bảo hoàng hơn cả vua hoặc nhân cơ hội này muốn múa may làm cái gì đó thì chẳng đáng để tâm lắm, họ vốn thế mà. Tôi rất đồng ý với lời giới thiệu của báo Tuổi Trẻ rằng, bạn đọc và lịch sử sẽ đánh giá đúng sai.

Chúc các ông và gia đình mạnh khỏe.

Thân

Xuân Sách

TB: Báo Vũng Tàu Chủ nhật đã in bài giới thiệu và vài lời bình luận về tập thơ có vẻ trân trọng. Anh em ở dưới này cũng sẵn sàng viết bài nếu cần, nhưng tôi không thích làm ồn ào lắm. Tính tôi thế, chắc các ông đã rõ”.

Cũng xin trích ra đây bộc bạch của một trí thức, bên cạnh dòng ý kiến giận dữ đã nêu trong kỳ đầu của bài viết này. Số là, thời điểm đó, khi được hỏi về cuốn Chân dung nhà văn, GS Lê Đình Ky (thày dạy lứa chúng tôi những năm đầu bảy mươi ở Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã có thư cho NXB Văn học thế này:

“Thành phố Hồ Chí Minh ngày 9/5/1992

Kính gửi Nhà xuất bản Văn học

Để giúp cho sự tìm hiểu dư luận về cuốn “Chân dung nhà văn” của Xuân Sách, tôi xin phản ánh một số tình hình, chủ yếu là trong giai đoạn giảng dạy, học tập.

Dư luận rất hoan nghênh, từ lâu nghe tiếng và chờ đợi nay mới được đọc toàn bộ cái chân dung. Lý do cơ bản theo tôi, là vì Xuân Sách viết hay, thông minh, hóm, gây cười thú vị. Dư luận cũng khen không ngờ Văn học lại “mạnh dạn” cho in.

Khen thì tốt thôi. Nhưng đằng sau tiếng khen là sự thiếu tin tưởng ở tinh thần dân chủ trong lãnh đạo văn học của một số vị(…).

Nếu cuốn “Chân dung nhà văn” là phản động, đồi trụy hay có vấn đề chính trị này nọ thì chuyên chính là điều cần thiết. Nhưng đây không phải là trường hợp cuốn “Chân dung nhà văn”.

Chân dung gây cười bằng phương tiện văn học và là văn học trào lộng, chừng nào mang tính biếm họa không thể đòi hỏi có sự đánh giá toàn diện trong bốn câu thơ, hơn nữa thể loại này cho phép đặc tả, nhấn mạnh một vài nét và lờ đi các nét khác.

Ở một số bài có sự đánh giá châm biếm nhưng tôi thấy không có chuyện đả kích ai. Bao nhiêu giám đốc, quan chức bị vạch trần tiêu cực trên báo chí thì sao? Chả lẽ sách báo của ta không cho phép khen chê hay sao? Vấn đề là nói lên được sự thật.

Tôi lo là nhiều khi chúng ta nhân danh chính trị mà thực tế là về khách quan không có lợi cho chính trị. Cũng xin lưu ý là, như có một số ít người chuyên làm việc bới lông tìm vết tố giác, kiện cáo, trong khi tuyệt đối đa số người tán thành thì không muốn phí thì giờ vào những chuyện đó. Thành thử sự phản ánh mà trên nắm được thường là một chiều.

Thành thật trình bày như trên để Nhà xuất bản có thêm dư luận nhiều mặt.

Thân kính

Lê Đình Ky

Giáo sư Khoa Văn Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh”.

Lại nhớ thêm một đoạn trong bài viết của nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu:

“Đám tang anh Xuân Sách tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn rất đông người dự…

Trên bàn thờ Nhà tang lễ có dòng chữ Vô cùng thương tiếc cụ Ngô Xuân Sách không kèm theo chức danh chức tước gì cả!

Trong đời anh Xuân Sách, cái đúng cái hay phần nào ở chính đám tang của anh. Anh muốn trở về cát bụi như một người bình thường như ngàn vạn con người bình thường khác. (…)

Trong lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Chế Lan Viên tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Vũ Thị Thường, quả phụ nhà thơ, có nói, nhà thơ dặn lại vợ con rằng, không được quên ơn ai và cũng không được thù hận ai. Chắc ở thế giới bên kia, Chế Lan Viên sẽ dang rộng tay đón anh Xuân Sách với tấm lòng nhân ái của mình. Chúc các anh ngàn thu vui vẻ”.

Và cũng nhớ thêm một bài viết nữa của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu Lời ai điếu cho một nền văn học minh họa (mạo muội nghĩ, bài viết này - chắc còn bản thảo - hẳn cũng sẽ được bổ sung vào Bảo tàng Văn học?), trong đó có đoạn:

Nhà văn Nguyễn Minh Châu

“…Công việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ của Hội Nhà văn hôm nay không phải là chuẩn bị cái lò ấp hàng trăm hàng ngàn quả trứng gà trứng vịt, mà là chuẩn bị cho những tư cách nghệ sĩ và tài năng lớn ra đời.

Nói thế có bốc đồng chăng, cao vọng quá chăng? Nhưng chúng ta phải đốt lên ngọn lửa cao vọng! Chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn cứ yên tâm sản xuất ra toàn những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học thế giới. Chẳng lẽ Việt Nam ngày nay chỉ hưởng của thiên hạ mà không làm ra được cái gì góp vào của chung của thiên hạ? Chẳng lẽ các nhà văn Việt Nam đi ra ngoài mãi mãi chỉ có chung một cái tên riêng là nhà văn Việt Nam? Để rồi quay trở về, con hát mẹ khen hay? Và đàn con cứ mãi mãi suốt đời tự hào được người mẹ ở trong nhà khen ngợi!?

Cái chính là chúng ta biết cười xòa chợt nhận ra mình đã sai lầm, đã bảo thủ. Chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn sau cái tiếng cười ấy. Bởi vì sau đó, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ giơ tay ngăn cản cái mới, cái tiến bộ, mà sẽ xuất hiện một quyết tâm làm mới lại mình với thái độ chân thành, xởi lởi, cởi mở, để cùng nhau xây dựng một giai đoạn văn học và văn nghệ mới.

Những cái gì đích thực văn chương thì nó còn, không tái bản, không tuyển tập, báo chí không đề cao lên, nó cũng còn. Nó còn như đất cát, cây cỏ, như ca dao, tục ngữ, như cuộc sống bình dị và bền vững luôn luôn còn đó. Còn những gì phe phẩy, ưỡn ẹo hoặc cứ nhảy cẫng lên thì ngược lại, nó mất, cát sỏi lại trở về cát sỏi.

Sự còn lại mất đi của số phận những tác phẩm văn học cũng như những đời văn trong độ lùi thời gian bao giờ cũng ngầm chứa đựng một sự lựa chọn đầy huyền diệu và công bằng.

Hình như nhân dân, cái nhân dân Việt Nam đầy trầm tĩnh và kỳ tài mà hình ảnh đã được nghệ thuật điêu khắc từ hàng trăm năm nay chạm khắc lên khối gỗ thành bức tượng ngàn mắt ngàn tay, đến hôm nay vẫn không ngừng sáng suốt lựa chọn giúp cho chúng ta những cái gì đích thực của nghệ thuật, giữa những đồ giả, để bỏ vào cái gia tài văn hóa của đất nước để lại từ Đinh, Lê, Lý, Trần…

Và cũng nhân dân, cái nhân dân Việt Nam dũng cảm sau mỗi lần đánh giặc xong lại lặng lẽ và lầm lụi làm ăn đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể cho chúng ta nghe về cái nhất thời ở trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân hậu, cái cực đoan nằm giữa tinh thần xởi lởi, cởi mở, cái nhẩy cẫng lên lấc láo giữa cái dung dị, thái độ bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ”.

(Nguồn: Văn Nghệ, số 49 & 50 (5/12/1987) 

Trần Tử Ngang (661 – 702)

Đăng U Châu đài ca 

Phiên âm Hán-Việt:

Tiền bất kiến cổ nhân,

Hậu bất kiến lai giả.

Niệm thiên địa chi du du

Ðộc thương nhiên nhi thế hạ.

Dịch thơ (Khương Hữu Dụng, 1907 - 2005):

Bài ca lúc lên đài U Châu

Trước chẳng thấy người xưa
Sau chẳng thấy người tới
Gẫm trời đất vô cùng
Riêng bùi ngùi lệ chảy.