ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM), Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Quốc hội cân nhắc và phải đặt lên hàng đầu biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động. Theo đó, luật cần bổ sung thêm quy định người lao động thực hiện đúng Luật vệ sinh an toàn lao động để giảm thiểu tai nạn.
Sức khỏe là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến an toàn lao động, tuy nhiên theo ông Hải, hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động rất ít, giảm dần so với các năm, Đơn cử năm 2014 khám sức khỏe giảm 46% so với năm 2013. Trước thực tế đó, ông Hải đề nghị cần khuyến khích các tổ chức có chính sách cho người lao động được điều dưỡng, khám sức khỏe hàng năm.
Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, luật quy định người lao động bị tai nạn do chính lỗi mình gây ra thì hỗ trợ 40% trợ cấp tai nạn lao động là không hợp lý. Khi bị tai nạn lao động, mất mát của người lao động rất lớn, rất khó rạch ròi đâu là lỗi thuộc về người lao động. Do vậy không nên quy định lỗi của người lao động, đồng thời ông đề nghị phải xử lý nghiêm minh tổ chức gây ra tai nạn lao động, nhất là những nơi có khu công nghiệp phát triển.
Trước thực trạng ở khu vực không có quan hệ lao động chưa thống kê được số vụ tai nạn lao động, ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề nghị có chế tài đủ mạnh đối với người chủ sử dụng lao động, đồng thời gắn trách nhiệm chủ sử dụng lao động, bởi trình độ của người lao động còn hạn chế.