Đề nghị xử lý đăng thông tin thất thiệt về dịch tả lợn châu Phi

TPO - Ngày 8/3, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Bộ TT&TT, đề nghị xử lý các thông tin đăng tải không chính xác về dịch tả lợn Châu Phi (ASF).
Trang thông tin đăng thông tin sai sự thật về bệnh ASF ngày 4/3.

Bộ NN&PTNT cho biết, ngày 4/3, một số cơ quan báo chí phản ánh “Đánh tráo hình ảnh dịch tả lợn Châu Phi để câu view trắng trợn” phản ánh fanpage có tên “Đầm bầu thời trang Mami” đưa thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm ASF tại Hà Nội và kêu gọi “tẩy chay” thịt lợn vì có thể lây sang người.

Tuy nhiên, qua xác minh, kiểm tra, những hình ảnh này là “lấy lại từ nhiều báo điện tử; cụ thể, đây là hình ảnh về bệnh sán dây ở lợn xảy ra tại tỉnh Bình Phước vào tháng 11/2018. Đồng thời, theo các nhà khoa học “Dịch tả lợn châu Phi cũng không lây sang người…”. Thông tin trên được hàng trăm tài khoản facebook chia sẻ và bình luận.

Để công tác phòng, chống ASF đạt hiệu quả, đúng yêu cầu, vừa bảo vệ sản xuất, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thịt lợn an toàn, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ TT&TT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những thông tin đăng tải sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội.

Bộ NN&PTNT cũng mong muốn Bộ TT&TT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến dịch bệnh ASF.

Liên quan đến thông tin về dịch AFS, Cục Thú y và các tổ chức: Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đều cho biết, dù chưa có vaccine phòng chống trên đàn lợn, nhưng bệnh ASF không lây sang người.

Các thông tin thất thiệt sẽ gây hoang mang người dân về bệnh dịch tả lợn châu Phi

Tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi (ngày 4/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu, việc thông tin không để không gây hoang mang cho người dân và người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn sạch, không để do vấn đề này mà ngành chăn nuôi ở Việt Nam bị ứ đọng, không hiệu quả…

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 84 xã, 27 huyện của 10 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên và Thái Nguyên.