Đề nghị Quốc hội giám sát tối cao, chất vấn trực tiếp vụ Hồ Duy Hải

TPO - Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và đại biểu Lê Thanh Vân đã gửi báo báo bằng văn bản, kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải. 
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

Trao đổi với phóng viên sáng 14/5, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, đã gửi văn bản đến Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về vụ án Hồ Duy Hải. Văn bản này cũng đồng thời được gửi tới Thường trực Ban Bí thư; Ban Nội chính TW; Uỷ ban Kiểm tra TW; Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội…

Nêu ra 5 vấn đề tồn tại cần giải quyết sau khi TANDTC tuyên án giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải ngày 8/5 và những phát biểu sau đó của Phó Chánh án TANDTC, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Tổng Bí thư - Chủ tịch nước chỉ đạo Ban cán sự Đảng TANDTC, Ban cán sự đảng VKSNDTC, Đảng đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo Ban Nội chính, Ban Bí thư, Bộ Chính trị; chỉ đạo Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam báo cáo Chủ tịch nước về vụ án nêu trên.

Đồng thời, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có báo cáo riêng vụ việc Hồ Duy Hải tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với các vụ án do Hội đồng thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm gây bức xúc dư luận, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội thời gian qua.

Đề nghị trên của đại biểu đưa ra nhằm “giữ nghiêm kỷ cương phép nước, giữ gìn uy tín của Đảng, Nhà nước và hoạt động xét xử, bảo đảm công lý, quyền con người, quyền công dân và quán triệt quan điểm, thái độ của TAND, các cơ quan hoạt động tư pháp đối với việc thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.

ĐBQH Lê Thanh Vân

Cũng liên quan đến vụ án này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết, đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, đề nghị Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động xét xử trong vụ án đặc biệt này.

Đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ, kiến nghị này không bàn đến việc xác định Hồ Duy Hải có oan hay không, mà đề cập đến việc tuân thủ pháp luật của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Trên cơ sở đó, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị lựa chọn một trong hai hình thức giám sát tối cao: Quốc hội tổ chức riêng một phiên chất vấn công khai, trực tiếp đối với Chánh án TAND Tối cao ngay tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sắp diễn ra. Trên cơ sở kết quả chất vấn của đại biểu Quốc hội, Quốc hội ra Nghị quyết về nội dung giám sát và trách nhiệm của Chánh án TAND Tối cao.

Hình thức thứ hai là Uỷ ban thường vụ Quốc hội thành lập Đoàn giám sát riêng, hoặc trên cơ sở báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp đã tiến hành trước đây, tiến hành giám sát bổ sung những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Trên cơ sở đó Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại bản án.

Điều 4, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân quy định về thẩm quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Trong đó Quốc hội giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập…