ĐB Hải nêu rõ, theo báo cáo tổng kết về công tác dạy nghề của Bộ LĐ,TB&XH tại các cuộc thi tay nghề trong khối ASEAN tổ chức 2 năm 1 lần từ 1995 đến nay, đoàn Việt Nam luôn đạt thành tích rất cao. Năm 2014 vừa qua, cuộc thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 được tổ chức từ 23 đến 28 tháng 10 tại Hà Nội với chủ đề “Kỹ năng nghề, giá trị đích thực của chúng ta”, đoàn Việt Nam đoạt giải nhất với 15 huy chương vàng.
Tiếp theo là Malaysia 9 huy chương vàng, Indonesia 8 huy chương vàng, sau đó mới tới Singapore 4 huy chương vàng và Thái Lan 3 huy chương vàng. Đây là lần thứ 3 đoàn Việt Nam đoạt giải nhất toàn đoàn với các năm là 2004, 2006 và 2014. Kết quả trên cho thấy, công tác đào tạo nghề cũng như trình độ nguồn nhân lực của chúng ta rất có tiềm năng, hoàn toàn có thể so sánh với các nước trong khu vực. Kết quả của các cuộc thi ít nhiều phản ánh trình độ tay nghề cũng như kỹ năng của nguồn nhân lực đối với các nước tham gia.
“Tuy nhiên, có một nghịch lý: Mặc dù chúng ta luôn vượt lên trên Singapore, Malaysia, Thái Lan tại các cuộc thi tay nghề, nhưng theo các số liệu trong một nghiên cứu của tổ chức ILO năm 2013 thì năng suất lao động của người Việt Nam kém người Singapore 15 lần, kém người Malaysia 5 lần và chỉ bằng 2/5 năng suất lao động khi so sánh với người Thái Lan. Theo tôi đây là một vấn đề đáng quan tâm. Có thể đưa ra nhận định rằng, năng suất lao động, chất lượng lao động của người Việt Nam hiện nay là chưa tương xứng với tiềm năng của con người Việt Nam?”, bà Hải phân tích.
Vị Phó Chủ nhiệm VPQH lý giải, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chính quan trọng, đó là mục tiêu đối với dạy nghề, đối với giáo dục nghề nghiệp của chúng ta đặt ra có lẽ còn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn khách quan của Việt Nam. Chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề cũng như các kỹ năng mềm khác, cũng như cơ cấu đào tạo ngành nghề trình độ chưa hợp lý.
ĐB Cù Thị Hậu và nhiều ĐB chỉ rõ, lĩnh vực đào tạo nghề hiện do hai cơ quan quản lý khác nhau là Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ, TB&XH, khiến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bị phân tán thành hai hệ thống riêng biệt, dẫn đến nhiều bất cập. ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) cho rằng, nên giao việc đào tạo nghề vào một đầu mối là Bộ GD&ĐT để tránh phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý, dàn trải lãng phí trong đầu tư phân bổ cho giáo dục, khó khăn trong tổ chức đào tạo.
Đồng tình ý kiến này, ĐB Lê Tuấn Tú (Khánh Hòa) cho rằng, nếu để Bộ LĐ, TB&XH quản lý sẽ hình thành thêm bộ máy chỉ để quản lý giáo dục nghề nghiệp, hậu quả sẽ làm tăng thêm bộ máy. Nếu QH ấn nút thông qua dự luật thì đồng thời ấn nút cho Bộ LĐ,TB&XH tuyển thêm biên chế!.