Việc tăng tốc giải ngân đầu tư công, hoàn thành, đưa vào khai thác hàng loạt dự án, công trình trọng điểm là nỗ lực rất lớn của chính quyền TPHCM.
Lửa thử vàng…
Chiều cuối năm 2020, trên công trường thi công gói thầu CP 2 thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), công nhân hối hả thi công và hoàn thành việc lắp mái Ga Tân Cảng. Ga có quy mô 3 tầng; tầng trệt rộng hơn 4.600 m2, tầng sảnh chờ rộng 4.300 m2 và tầng 3 rộng hơn 2.700 m2.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TPHCM, có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Theo đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, Tân Cảng là nhà ga cuối cùng và lớn nhất trong số 11 nhà ga toàn tuyến đã hoàn tất thi công lắp mái. Cuối năm 2020, việc thi công tuyến metro số 1 đã đạt 81% khối lượng, xấp xỉ tiến độ đề ra. 3 gói thầu khác, gồm CP1a, CP1b, CP3, lần lượt đạt trên 80,7%, 90,2%, và 65% khối lượng.
Trước đó, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia nước ngoài không được phép nhập cảnh khiến kế hoạch thi công lắp mái ga Tân Cảng bị chậm. Đến lúc được phép nhập cảnh, các chuyên gia Hàn Quốc đến TPHCM và cùng các nhà thầu khẩn trương thi công, hoàn thành việc lắp đặt.
Từ ngày 23/1 đến cuối tháng 12/2020, TPHCM ghi nhận 142 ca mắc COVID-19, trong đó có 32 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 110 ca nhập cảnh, không có trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, là trung tâm kinh tế, tỷ trọng các ngành thương mại - dịch vụ chiếm đến 60,2% cơ cấu GDP, kinh tế TPHCM bị thiệt hại vô cùng nặng nề. Lần đầu tiên, tăng trưởng kinh tế thành phố trong quý I/2020 chỉ đạt 0,42% (cả nước tăng 3,82%). Mức tăng trưởng của TPHCM nhiều năm qua luôn cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước từ 1,1 đến 1,2 lần.
Thành ủy TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã phát động đợt thi đua đặc biệt 200 ngày hướng đến Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM khóa XI. Nhiều tấm gương tiêu biểu, sáng kiến, cách làm hay đã được phát hiện, ứng dụng một cách hiệu quả. Kết quả là, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở TPHCM tăng cao, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.
Vượt qua giông bão
Hàng loạt dự án, công trình đã kịp khánh thành, đưa vào phục vụ đời sống người dân như hầm chui An Sương; nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký, cải tạo đường Trần Văn Giàu, Bến xe Miền Đông mới, cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM; ra mắt hệ thống liên thông, hợp nhất các tổng đài 113-114-115 thành số gọi khẩn cấp…
Đặc biệt, TPHCM đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội đã thông qua nghị quyết với những nội dung sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển góp phần cho TPHCM giữ vững vai trò đầu tàu, có sự đổi mới và đột phá mạnh mẽ.
Trên mặt trận chống dịch COVID-19, TPHCM vận dụng hàng loạt giải pháp nhằm đạt mục tiêu kép. Đó là vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước yêu cầu các ngành, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp xây dựng bộ tiêu chí về an toàn. Cùng với các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế; cho vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, ngăn chặn nguy cơ bị phá sản, TPHCM cũng là địa phương đầu tiên đề ra và thực hiện các chính sách hỗ trợ khó khăn cho lao động bị mất việc, người bán vé số dạo, giáo viên mầm non…
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 28/12, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, năm 2020, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, sự đồng lòng của người dân đã góp phần đưa kinh tế TPHCM vượt qua giai đoạn khó khăn và mang lại nhiều điểm sáng. Kinh tế TPHCM phục hồi, đạt mức tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ. TPHCM đã chủ động triển khai xây dựng chuỗi liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM với các tỉnh, thành phố để kích cầu thị trường du lịch nội địa, trong bối cảnh các chuyến bay thương mại bị hạn chế và thị trường du lịch quốc tế đóng băng vì dịch COVID-19.
Đặc biệt, phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, TPHCM đã mạnh dạn đề xuất và được Trung ương chấp thuận nhiều nội dung quan trọng. Cụ thể, Quốc hội thông qua Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 1111 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức.
Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, trong năm 2021, TPHCM sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả các hội đồng ngành, tập trung các ngành chủ lực có giá trị gia tăng cao; tổ chức diễn đàn kinh tế 2021 phù hợp tình hình dịch bệnh; triển khai chương trình chuyển đổi số, đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp giai đoạn 2020-2025... Trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, đầu tư công chỉ chiếm 13%, còn lại là đầu tư nước ngoài và tư nhân. Vì vậy, song song với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, TPHCM sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư. Hiện có dòng dịch chuyển đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
“Trong năm 2021, TPHCM nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu nơi nào có doanh nghiệp phản ánh còn phiền hà, thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. Cá nhân Chủ tịch UBND TPHCM phải chịu trách nhiệm trước HÐND TPHCM”.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong
Năm 2021, xây dựng chính quyền đô thị
Xác định chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, trong phát triển kinh tế - xã hội, TPHCM đề ra 20 chỉ tiêu và 9 nội dung trọng tâm, trong đó tập trung thực hiện chính quyền đô thị; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Ðức; nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Ðức để trình các cơ quan Trung ương thông qua trong thời gian tới. Ngoài ra, TPHCM sẽ tập trung thực hiện 4 chương trình đột phá, trọng điểm phát triển với 51 chương trình, đề án thành phần…