Đặt tên đường Nguyễn Đình Thi - Trịnh Công Sơn: Sự kiện mùa thu

TP - “Lễ gắn biển phố mang tên nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” sáng 26/8 ở Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh đọc câu thơ Nguyễn Đình Thi “Mỗi dân tộc cần đến mỗi dân tộc/Mỗi con người cần đến mỗi con người” để liên tưởng sự kiện, và nói việc đặt tên hai con đường đã hình tượng hóa, vĩnh cửu hóa tên tuổi, sự nghiệp của hai văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Phút mở băng đề biển tên phố Nguyễn Đình Thi. Ảnh: NMH.

Vĩnh cửu hóa?

Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh không quên dành lời cảm ơn Thành ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội về quyết định quan trọng này.

8h30 sáng. May trời không quá nắng nóng. Thành phần tham dự ngoài một số quan chức cấp thành phố và quận, quan chức văn nghệ, còn có các cháu thiếu niên mặc đồng phục đeo khăn quàng - là học sinh trường THCS Chu Văn An đóng trên địa bàn quận Tây Hồ. Không thể thiếu những gương mặt sử gia, văn nghệ sĩ có tiếng của Thủ đô, bạn bè và gia đình của hai nhà văn nghệ.

Bốn ca khúc vang lên, mở đầu buổi lễ ở vườn hoa Lý Tự Trọng: Người Hà Nội, Nhớ mùa thu Hà Nội, Diệt phát xít, Mưa hồng - thể hiện bởi Quang Thọ, Phương Uyên, Dương Minh Đức, Trần Mạnh Tuấn.

Sau lễ chào cờ, các quan chức quận Tây Hồ tuyên bố nội dung buổi lễ, đọc quyết định của UBND thành phố Hà Nội đặt tên 19 đường phố, điều chỉnh độ dài 3 tuyến đường phố trên địa bàn Hà Nội trong đó có phố Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn.

Sân khấu đặt song song hai bức ảnh đẹp, lột tả được thần thái của nhân vật chính. Gương mặt Nguyễn Đình Thi ấm áp, nụ cười tươi tắn quen thuộc và cũng khá viên mãn, còn Trịnh Công Sơn vẫn vẻ ưu tư thường thấy.

Lãnh đạo quận Tây Hồ điểm lại thân thế sự nghiệp của họ, khẳng định “niềm vinh dự tự hào của cán bộ đảng viên và nhân dân quận Tây Hồ nói riêng, người dân Thủ đô nói chung” về sự kiện mới này.

“Đây là việc làm hết sức cần thiết để tôn vinh những đóng góp hết sức đặc biệt của nhà văn Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đáp ứng lòng mong mỏi, nguyện vọng, tình yêu của công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô và đồng bào cả nước”.

Ông Hồ Quang Lợi 

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Hồ Quang Lợi mô tả tâm trạng “xúc động và tự hào” về sự kiện, khẳng định lại thân thế sự nghiệp của hai văn nghệ sĩ - “những con người đặc biệt, những con người có những cống hiến lớn lao cho Thủ đô và đất nước. Công việc này (đặt tên đường - DPV) nhằm tôn vinh mãi mãi và giáo dục các thế hệ người Việt Nam về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc để cùng nhau xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, ông Hồ Quang Lợi “Trân trọng đề nghị lãnh đạo quận Tây Hồ, đảng ủy chính quyền đoàn thể phường Nhật Tân và Thụy Khuê - hai phường vinh dự đặc biệt có tuyến phố mang tên Nguyễn Đình Thi và Trịnh Công Sơn, các đồng chí tuyên truyền giáo dục trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa việc đặt tên đường hai người nổi tiếng này, đồng thời phát động phong trào giữ gìn vệ sinh xanh sạch đẹp để hai tuyến phố ngày càng khang trang đẹp đẽ - những tuyến phố văn hóa, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại”.

Tùng Dương ngẫu hứng “Nhớ mùa thu Hà Nội” dưới tấm biển ghi tên tác giả ca khúc, sáng 26/8 trong sự chứng kiến của mọi người. Ảnh: NMH.

Phố Nguyễn Đình Thi: Khó mà đẹp hơn!

Phố Trịnh Công Sơn thuộc phường Nhật Tân, phố Nguyễn Đình Thi thuộc phường Thụy Khuê- đều là những địa danh tăm tiếng. Quận Tây Hồ không gian rộng đẹp khoáng hoạt thanh bình, bao quanh hồ lớn vô giá - hồ Tây, nơi quy tụ những tuyến đường phố mang tên các danh sĩ, nhà văn hóa văn nghệ lừng lẫy: Văn Cao, Xuân Diệu, Tô Ngọc Vân, Đặng Thai Mai...

Phố Nguyễn Đình Thi dài 2.330m rộng 7,5-9,5m chạy từ ngã ba giao cắt đầu đường Thanh Niên ven hồ Tây-tới phố Trích Sài. Phố Trịnh Công Sơn dài 900m rộng 9,5 - 12,5m kéo từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân giao với dốc ngã ba đê Âu Cơ.

Hà Nội nhiều đường đẹp nhưng đẹp đến mức như phố mới Nguyễn Đình Thi, không dễ! Một bên hồ một bên nhà, mà đó là hồ Tây! Nhà mặt tiền khu vực này, càng khó sở hữu với “dân thường”. Ngôi trường “đẹp nhất Đông Nam Á” -  trường Bưởi, cấp 3 Chu Văn An cũng tọa lạc trên chính con đường này. (Mặt còn lại của trường nằm trên phố Thụy Khuê). Và nhiều điều khác nữa. Lại còn rất trung tâm.

Có người nói, tên Nguyễn Đình Thi phải đặt ở đại lộ! Vậy có lẽ phải hỏi người Hà Nội gốc - tác giả ca khúc bất hủ Người Hà Nội rằng ông thích đẹp, lãng mạn, hiếm hay thích hoành tráng! Đoạn đường này, nối tiếp đó là Trích Sài, từ khi mới mở mấy năm nay, đã trở thành điểm hẹn của thanh niên Thủ đô, có lẽ bởi họ khó tìm được nơi nào kín đáo lại đẹp lãng mạn thế!

Nhà văn hóa phường Nhật Tân nhìn thẳng ra tấm biển ghi tên nhạc sĩ người Huế sinh ở cao nguyên Lạc Giao. Điều đó không quan trọng bằng việc phố này sở hữu một vườn hoa và một quảng trường nhỏ, hứa hẹn sẽ là điểm gặp gỡ giao lưu âm nhạc của những người yêu Trịnh. Mùa này, “lửa phượng tắt, sen hồ tàn tạ hết” (thơ Nguyễn Hoàng Sơn) nhưng vẫn còn đó mênh mông là đầm sen nổi tiếng của hồ Tây của Hà Nội - nằm đâu xa mà ngay trước mặt con đường mang tên người đã viết câu thơ tình tứ loại nhất “Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua”, tình tứ ngang câu thơ Kiều “Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày”.

Con trai Nguyễn Đình Thi - nhà văn Nguyễn Đình Lễ sau khi cảm ơn các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Hà Nội, phường Thụy Khuê, đã hạ lời chúc “người dân Hà Nội ngày càng giàu có và thanh lịch”. Thật ngắn gọn, đủ ý. Bà Trịnh Vĩnh Trinh thì bày tỏ “cảm kích thịnh tình của người Hà Nội với anh tôi, và tôi nghĩ ở đâu đó anh tôi sẽ rất vui”.

Không vui sao được khi mà không ai khác, nhà thơ nổi tiếng - quan chức văn nghệ quan trọng nhất, bậc thầy diễn văn - Hữu Thỉnh, sáng 26/8 bên bờ hồ Tây lộng gió đã đóng đinh vào cử tọa những nhận định sau: “Qua các di sản văn hóa mà hai ông để lại, mỗi người chúng ta cảm thấy bên mình luôn có một Nguyễn Đình Thi, luôn có một Trịnh Công Sơn. Cảm giác đó thật là hạnh phúc bởi được làm một người của mọi người, được làm một người của mọi thời là mơ ước tột đỉnh của bất cứ văn nghệ sĩ nào. Đi trên con đường Nguyễn Đình Thi - Trịnh Công Sơn, chúng ta thấy như hai ông đang đưa chúng ta đến với cái đẹp, cái thiện, cái cao quý của một đời người”.