Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước:

Đất cấp quá nhỏ, dân không chịu di dời

TP - Theo chủ trương của UBND TP Đà Nẵng, đến cuối tháng 4/2015, tất cả các hộ dân ở làng đá mỹ nghệ Non Nước buộc phải di dời đến cơ sở mới cách địa điểm cũ hơn 2km. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 160/441 hộ dân chấp nhận di dời. Nhiều hộ dân cho biết, lý do họ không đi là diện tích đất được cấp chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/3 diện tích cũ.
Nhiều hộ dân làng đá mỹ nghệ Non Nước vẫn chưa di dời vì diện tích đất được cấp không đủ để sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Đào Phan

Không đủ đất sản xuất

Cơ sở sản xuất của ông Lê Văn Hưng (tổ 37, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) những ngày này vẫn ồn ào, bụi bay mịt mù do tạc tượng. Hai cơ sở bên cạnh đã di dời lên cơ sở mới. Gia đình ông được cấp một lô đất mới với diện tích 100 m2 hồi cuối năm ngoái nhưng đến nay ông vẫn chưa chuyển. Lý do: diện tích cấp mới chỉ bằng nửa diện tích của cơ sở hiện tại. Với diện tích này, gia đình ông không thể sản xuất. “Nhà tôi sản xuất tượng quy mô lớn, chiều dài trung bình từ 15-20 m, mà lên đó lô đất có chiều rộng chỉ được 5m. Với diện tích này chỉ đủ chỗ để sản xuất mà không có nơi để đặt tượng, chưa kể để xe cẩu vào được, chúng tôi phải chi ít nhất 120 triệu đồng để làm giàn tời đưa đá vào phía sau” – ông Hưng nói. Anh Lê Văn Nghĩa (tổ 38, phường Hòa Hải), cho biết: “Khi mới nghe chủ trương di dời cơ sở sản xuất tập trung đến nơi mới, ai cũng vui mừng, thế mà bây giờ thành phố cấp đất hạn chế như vậy, chúng tôi không muốn di dời, thà ở đây chịu bụi bặm, ồn ào như hàng chục năm qua vẫn hơn”.

Trong khi đó, cơ sở sản xuất của anh Huỳnh Phước Nhớ (tổ 38, phường Hòa Hải) đã đi vào sản xuất 3 tháng nay ở cơ sở mới lại tỏ ra hối hận với quyết định di dời của mình. “Lên đây chật quá, thợ có đến 7-8 người mà cơ sở của tôi chỉ được cấp lô đất diện tích 5×20m, bề rộng quá hẹp nên chúng tôi đành để đá và tượng đã qua chế tác ở lề đường. Biết là làm thế sẽ gây nguy hiểm cho xe cộ đi lại nhưng không để đó thì biết để đâu ?” – anh Nhớ nói.

Còn 168 hộ chưa có đất

Mặc dù có kế hoạch di dời từ năm 2008, nhưng đến nay làng đá mỹ nghệ Non Nước còn 168 hộ dân sản xuất nhỏ lẻ vẫn chưa được cấp đất. Ông Phan Thanh Phương (tổ 37) hoang mang: “Chúng tôi vẫn chưa biết đi hay ở, vì chính quyền chưa bố trí lô đất nào. Nếu thành phố thiếu đất, chúng tôi cũng muốn nêu nguyện vọng xin ở lại. Nhìn hàng xóm được cấp đất mà diện tích chật hẹp như vậy, chúng tôi cũng chẳng thiết đi”.

Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), đến thời điểm này, đã có 160 hộ dân trên tổng số 441 hộ đồng ý di dời đến nơi sản xuất mới. Trong đó, chỉ có 85 hộ đã đi vào hoạt động sản xuất đá mỹ nghệ. Hiện tại, có khoảng 168 hộ sản xuất quy mô vừa và nhỏ chưa được bố trí đất để sản xuất, tương ứng với 94 lô đất bị thiếu.

Ông Mai Xuân Dũng – Phó ban Quản lý làng nghề, cho biết, theo chủ trương của thành phố, tất cả các hộ dân đều phải di dời đến cơ sở sản xuất mới trước tháng 4/2015. Hiện có tới 2/3 số hộ dân đã có đất nhưng chưa đồng ý di dời, trong 542 lô dự toán quy hoạch, còn 39 lô chưa khảo sát. Về vấn đề các hộ dân phản ánh diện tích đất được cấp tại cơ sở mới quá hẹp, ông Dũng cho biết, đã có kiến nghị lên thành phố “nới” thêm, nhưng vẫn chưa được trả lời. Đối với các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, quận Ngũ Hành Sơn đang tiến hành khảo sát để đảm bảo 100% hộ dân đều có đất để sản xuất. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành vẫn chưa thể chắc chắn kéo dài đến khi nào.

Năm 2008, thành phố Đà Nẵng chủ trương quy hoạch làng đá mỹ nghệ Non Nước đối với gần 500 hộ dân của hai phường Hòa Quý và Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) với diện tích 35ha, kinh phí đầu tư khoảng 154 tỷ đồng. Qua nhiều lần gia hạn, đến nay, việc di dời vẫn chưa thể hoàn thành do chưa đáp ứng được nguyện vọng “nới” đất cho các hộ dân.