Ðào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên
Ðịnh hướng, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên luôn là những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp bộ đoàn trong cả nước quan tâm, tổ chức triển khai bằng những cách thức khác nhau và nhiều mô hình phù hợp thực tế cuộc sống. Tuy còn gặp không ít khó khăn, hạn chế nhưng tổ chức đoàn luôn nỗ lực tìm kiếm, đổi mới các hoạt động với mong muốn đáp ứng nhu cầu chính đáng của thanh niên.
Gắn với thực tế cuộc sống
Từ nhiều năm nay, dựa trên những thế mạnh và đặc điểm của thành phố là trung tâm kinh tế lớn của đất nước, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh quan tâm công tác giới thiệu việc làm cho thanh niên. Trước đây, nếu như hoạt động này chỉ tập trung ở trụ sở của Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên thành phố được đặt ngay tại quận 1, với hình thức là "trạm trung chuyển" cố định thì nay được mở rộng, phát triển với những cách làm linh hoạt, rộng khắp.
Một ngày đầu tháng 3, dưới cái nắng nóng 36oC, chúng tôi đến Bến xe Miền Ðông (quận Bình Thạnh) và nhờ sự chỉ dẫn của mọi người ở đây cho nên đã nhanh chóng tìm được trụ sở của Ðội Thanh niên tình nguyện Tiếp sức người lao động ở phía trong bến xe. Nói là trụ sở nhưng đây là một ki-ốt được xây dựng bằng khung nhôm kính rộng chừng 9 m2. Bên ngoài cửa ki-ốt là những tấm pa-nô dán thông tin của các doanh nghiệp tìm kiếm nhân công lao động. Ðến đây vào lúc gần 11 giờ, thời điểm bận rộn nhất của các bạn trẻ tình nguyện thuộc Thành đoàn thành phố, với việc tiếp đón, hướng dẫn người lao động, trong đó phần lớn là thanh niên từ các tỉnh Miền Ðông và các địa phương lân cận tìm đến TP Hồ Chí Minh với hy vọng có việc làm ổn định.
Vừa xuống xe khách, bạn Tăng Thị Ánh Minh, sinh năm 1989, quê ở Quảng Nam mang hồ sơ xin việc tìm đến Ðội Tiếp sức với thái độ dè dặt. Ánh Minh tốt nghiệp đại học và vào TP Hồ Chí Minh với mong muốn tìm việc làm nhân viên văn phòng. Nhận hồ sơ của Ánh Minh, Ðội trưởng tình nguyện tại Bến xe Miền Ðông Ðỗ Ðức Chính nhanh chóng rà soát hàng nghìn thông tin trên chiếc máy vi tính được nối mạng in-tơ-nét và lập tức tìm được một doanh nghiệp đang cần người làm việc phù hợp yêu cầu của Minh. Ðó là Công ty tư vấn và phát triển giáo dục doanh nhân. Ðức Chính nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, in ngay một tờ giấy giới thiệu đưa cho Ánh Minh và ân cần dặn: "Bạn đến ngay địa chỉ của công ty và trình giấy giới thiệu này. Ở đó, sẽ có người đón tiếp và tiếp tục làm việc với bạn. Nếu hai bên thỏa thuận được mức lương thì chắc chắn trong ngày hôm nay, bạn sẽ có việc làm. Bạn đến ngay công ty nhé, đừng để mất cơ hội này! Nếu gặp bất cứ vấn đề gì, bạn điện thoại lại ngay cho chúng tôi để tiếp tục nhận sự trợ giúp". Ánh Minh thật sự bất ngờ bởi công việc diễn ra bước đầu rất thuận lợi. Bên cạnh đó, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các thanh niên tình nguyện đã giúp Ánh Minh tự tin hơn rất nhiều trong ngày đầu ra thành phố.
Trong hơn một giờ đồng hồ chứng kiến và cùng các bạn trẻ tình nguyện tiếp đón người lao động tại Bến xe Miền Ðông, chúng tôi thấy vui bởi có khá nhiều bạn trẻ vừa xuống xe khách đã có ngay địa chỉ công việc đúng với khả năng và nhu cầu. Họ rời bến xe với tâm trạng vui vẻ, hy vọng bởi những thông tin quý báu vừa có được.
Tranh thủ lúc các bạn trong đội đang tiếp nhận hồ sơ, Ðức Chính cho chúng tôi biết: Hằng ngày, từ 7 giờ đến 17 giờ, các thanh niên tình nguyện ở đây đón hàng trăm lượt người lao động đến xin thông tin về việc làm. Có những ngày cao điểm, cứ năm phút lại có người vào nộp hồ sơ và các bạn trẻ tình nguyện phải làm việc liên tục, thậm chí "quên" luôn cả ăn trưa.
Chia tay Ðội Tiếp sức người lao động tại Bến xe Miền Ðông, chúng tôi tiếp tục đến các Ðội tình nguyện tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) và Bến xe An Sương (huyện Hóc Môn). Tại những nơi này, không khí tiếp sức sôi nổi, khẩn trương và điều quan trọng nhất là chúng tôi đã nhìn thấy được những nụ cười tươi tắn, hy vọng của các bạn trẻ đang trên đường mưu sinh đầy vất vả.
Trong những ngày tháng 3 - Tháng Thanh niên này, để gặp được Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội Nguyễn Ngọc Trinh thật khó, bởi chị đang tập trung thời gian, công sức tổ chức các Ðoàn hướng nghiệp liên tục đến với các trường THPT ở khắp các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô, nhất là khu vực ngoại thành. Ðoàn hướng nghiệp gồm các chuyên gia tâm lý, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, các trường nghề và đại diện các sở, ngành liên quan công tác giáo dục, đào tạo, tuyển sinh. Cùng tham gia Ðoàn hướng nghiệp đến với Trường THPT Liên Hà (huyện Ðông Anh) và Trường THPT Hai Bà Trưng (huyện Thạch Thất), mọi người cảm nhận rõ về nhu cầu rất lớn của các học sinh THPT về định hướng nghề nghiệp, việc làm, thi cử. Tại mỗi trường học, Ðoàn hướng nghiệp làm việc từ hai đến ba giờ và trả lời, giải thích rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của các bạn học sinh. Thông qua những vấn đề mà các bạn trẻ nêu lên, Ðoàn hướng nghiệp đưa ra những định hướng cụ thể, giúp mỗi người trẻ nhận thức được khả năng của mình và xác định những hướng đi phù hợp trong tương lai; trong đó nhấn mạnh việc không nên quá tập trung cho thi đại học mà có thể đến với các trường nghề phù hợp khả năng và hoàn cảnh gia đình.
Từ kết quả và thực tế của những chuyến đi hướng nghiệp này, Thành đoàn Hà Nội, Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên thành phố đang xây dựng kế hoạch khảo sát và định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh cấp THCS.
Mở nhiều hướng giải quyết việc làm
Ðội Thanh niên tình nguyện Tiếp sức người lao động tại các bến xe là mô hình hoạt động mới, lần đầu được Thành đoàn TP Hồ Chí Minh và Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên thành phố tổ chức. Ðây là một hướng đi thể hiện tinh thần chủ động, tích cực đồng hành với thanh niên, nhất là với những bạn trẻ đang mưu sinh, lập nghiệp cùng những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn. Hình ảnh các thanh niên tình nguyện tại các bến xe miệt mài, trách nhiệm làm việc giữa cái nóng, cái nắng và sự ồn ào, xô bồ đã để lại những ấn tượng sâu sắc của các tầng lớp nhân dân. Ðiều đó được thể hiện ở sự nhiệt tình chỉ dẫn của người bán nước chè trên hè đường, của người lái xe ôm ở khu vực các bến xe khi được hỏi về nơi làm việc của Ðội tình nguyện Tiếp sức người lao động.
Thanh niên thành phố mang tên Bác và các tỉnh, thành phố khác càng có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn khi Thành đoàn TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức khánh thành trụ sở mới rất khang trang, rộng rãi của Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tại phường 6, quận Gò Vấp. Ngay ngày đầu khai trương, đã có 23 doanh nghiệp đến phỏng vấn trực tiếp người lao động.
Tuy nhiên, những số liệu mà các doanh nghiệp này đưa ra chưa hẳn là con số thực. Bởi trong thực tế, có những doanh nghiệp đến với Trung tâm ngày khai trương chỉ với một mục tiêu là "tranh thủ" quảng bá thương hiệu, giới thiệu về sản phẩm. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp dường như muốn thông qua hoạt động của Trung tâm việc làm thanh niên để tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng nhưng với mức lương không thỏa đáng. Hoặc có những đơn vị đến với thanh niên bằng những lời giới thiệu vô thưởng, vô phạt, như: "Tuyển 300 người bán hàng độc lập, không cần kinh nghiệm, sẽ được đào tạo chuyên môn miễn phí. Thu nhập không giới hạn". Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển những bạn trẻ có trình độ đại học trở lên không nhiều, nếu không nói là rất ít. Nếu có cũng chỉ là những thông tin chung chung, kiểu như: Tuyển hai kỹ sư kiểm tra mầu nhuộm, tốt nghiệp đại học, có kinh nghiệm, lương bốn triệu đồng/tháng... Thực tế này cũng được thể hiện tại Bến xe An Sương khi chúng tôi gặp Ðinh Ðắc Thành, kỹ sư hóa dầu, nộp hồ sơ tìm việc làm cho Ðội tình nguyện Tiếp sức người lao động. Thế nhưng, cả Thành và các thanh niên tình nguyện đều thất vọng bởi trong danh mục hàng trăm đơn vị cần tuyển người lại không có một doanh nghiệp nào cần Ðắc Thành với chuyên môn được đào tạo.
Những ngày này, khi đến với Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội, mọi người không khỏi ngỡ ngàng bởi trung tâm vắng lặng, thưa thớt. Mặc dù, từ đầu tháng 3, có khoảng 20 doanh nghiệp đến đặt hàng trung tâm tìm giúp 200 lao động. Sự vắng vẻ của Trung tâm cho thấy sự thu hút của trung tâm trong việc giao dịch việc làm tại chỗ đang hạn chế; nhưng mặt khác, có thể cho rằng, thanh niên Thủ đô có nhiều "kênh" khác để tìm được việc làm. Nói thêm về vấn đề này, các cán bộ Trung tâm chia sẻ: Nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp không phải ít nhưng tâm lý nhiều người lao động đến nơi đây, trong đó không ít bạn trẻ chỉ muốn có những việc làm "nhàn nhã" nhưng thu nhập phải cao... Bên cạnh đó, những buổi giao dịch việc làm hay tư vấn nghề nghiệp tổ chức tập trung đã không còn hiệu quả như trước. Vì vậy, Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội đang tập trung hướng nghiệp trực tiếp tại những địa chỉ cụ thể.
Từ nay đến năm 2013, được sự đầu tư của Chính phủ, TP Hà Nội và T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành đoàn Hà Nội sẽ triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên Hà Nội với quy mô lớn và khang trang như của TP Hồ Chí Minh, tại xã Tiên Dương, huyện Ðông Anh, cách trung tâm thành phố khoảng 20 km. Ðây vừa là cơ hội, vừa là thử thách đối với đội ngũ cán bộ của Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội bởi họ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua, khắc phục những khó khăn, hạn chế khách quan và chủ quan, xứng đáng với sự đầu tư của Chính phủ và thành phố. Cũng như vậy, Trung tâm việc làm của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác nằm không gần trung tâm thành phố, lại ở khá sâu trong phường 6, quận Gò Vấp, cho nên việc đưa trung tâm trở thành "địa chỉ đỏ" của thanh niên là nhiệm vụ không dễ thực hiện trong ngày một, ngày hai.
Ðào tạo, định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên luôn là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội, trong đó, tổ chức đoàn có vai trò nòng cốt. Nhất là sau khi Chính phủ vừa quyết định đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trung tâm việc làm thanh niên kiểu mẫu ở các vùng trọng điểm của cả nước trong hoàn cảnh nền kinh tế còn không ít khó khăn. Các hoạt động định hướng nghề, giải quyết việc làm cần được tổ chức đoàn triển khai thực chất, hiệu quả, tránh dàn trải. Mỗi hoạt động được thực hiện cần hướng đến những mục tiêu cụ thể và kết quả rõ ràng; cần loại bỏ ngay những mô hình hoạt động, những dự án liên quan dạy nghề và giới thiệu việc làm mang khẩu hiệu chung chung, hoạt động không hiệu quả, gây tốn kém và không đáp ứng, không phù hợp thực tế của cuộc sống.
Theo Đinh Song Linh
Nhân Dân