Đào tạo đại học đi chệch quy hoạch

TP - Bộ GD& ĐT khẳng định tiếp tục mở thêm trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Trong khi đó, nhiều trường than không đủ người dạy, và giờ giảng viên 'đắt sô' không thua ca sĩ. Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ đang có dấu hiệu đi chệch.
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ điều chỉnh khâu giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường. Ảnh: Hồng Vĩnh

> Điều kiện cho “3 chung” và “1 riêng”
> Chưa đến lúc trao quyền tự chủ tuyển sinh

Bộ GD&ĐT cho biết sẽ điều chỉnh khâu giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Giảng viên 'đắt sô'

Năm học mới 2011 bắt đầu trong sự mất cân đối cơ cấu ngành nghề đào tạo và chủ trương mở thêm nhiều trường ĐH mới theo quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006 - 2020 (Quyết định 121/2007/QĐ-TTg). Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng GD&ĐT Trần Hồng Quân bộc lộ lo lắng: “Đội ngũ giảng viên của ta chỉ có chừng đó, thầy chạy sô thì cũng là chừng ấy con người. Giảng viên là khâu hạn chế nhất”.

Ngành GD&ĐT có chiến lược cụ thể nào cho vấn đề này? Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngành giáo dục đã sớm thấy thực trạng thiếu giảng viên và đã có chiến lược từ nay đến 2020 đào tạo 20.000 tiến sĩ nhằm bổ sung đội ngũ cho các trường hiện có và trường mới mở trong tương lai.

Đề án này bắt đầu từ năm 2010 và năm nay bắt đầu tuyển người học. Trước đó, Đề án 322 (Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng Ngân sách nhà nước) cũng đã góp phần đào tạo, bổ sung giảng viên cho các trường ĐH.

Tuy nhiên, ông Ga cũng cho biết, việc gửi cán bộ đi nước ngoài để đào tạo theo đề án 322 cũng như chủ trương đào tạo 20.000 tiến sĩ đang gặp phải một rào cản lớn là trình độ ngoại ngữ của người đi học.

Theo ông Ga, thực trạng thầy chạy sô đi dạy không có thời gian dành cho nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng tùy vào ngành đào tạo. Những ngành như: Ngân hàng, tài chính, kinh tế do nhu cầu lớn nên các thầy dạy nhiều và bận bịu.

“Tổng số giảng viên không thay đổi, do vậy có sự dịch chuyển giảng viên từ trường này sang trường kia là vì họ được trả lương cao hơn. Điều đó là không lành mạnh. Làm như thế sẽ dẫn đến tình trạng trường này đủ, trường kia thiếu trong toàn hệ thống”.

Chệch quy hoạch

Ông Ga cũng cho rằng, năm học 2011 bắt đầu trong bối cảnh cơ cấu ngành nghề đã đi lệch khá xa so với quy hoạch của Quyết định 121. Theo quyết định này, đến năm 2010 chỉ được phép có 20 % sinh viên trong các ngành quản lý kinh tế, luật, tài chính ngân hàng… Nhưng hiện nay tỷ lệ này là 36% lệch 1,8 lần so với dự kiến, trong khi các ngành khoa học cơ bản hay khối nông lâm chưa đạt tỷ lệ như mong muốn.

Vậy, Bộ GD&ĐT có điều chỉnh khâu giao chỉ tiêu đào tạo cho các trường trong những năm tới để cân bằng lại cơ cấu ngành nghề? Thứ trưởng Ga cho biết, Bộ đang làm đề án điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ.

Trong điều chỉnh lần này, ngành GD&ĐT đề xuất Chính phủ quy định rõ các trường thuộc ngành nào mới được phép mở ra; ngành đào tạo nào đã đủ thì không mở nữa nhằm cân đối lại và đảm bảo cơ cấu ngành nghề hợp lý.

Việc giao chỉ tiêu những năm tới sẽ quan tâm hơn tới các ngành nghề đang khó tuyển thí sinh như: xã hội - nhân văn, văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, công nghệ và khoa học cơ bản đang cần phát triển. Việc giao chỉ tiêu cũng quan tâm đến cơ cấu ngành nghề; tăng các ngành nghề như: Y dược, nông lâm, khoa học cơ bản; các ngành khác giữ nguyên hoặc giảm dần.

Trong khi nhiều trường đang sốt ruột chờ thí sinh đến xét tuyển NV2, các trường ĐH tốp đầu đã gọi tân sinh viên đến nhập học từ hôm nay (25-8).

Theo Báo giấy