Đánh nhau nhập viện vì nước tưới

TP - Hơn nửa năm qua, TT-Huế chỉ có 1-2 đợt mưa nhỏ khiến tình trạng hạn hán trở nên khốc liệt, đặc biệt là những xã vùng cao thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền. Đã xảy ra việc nông dân đánh nhau gây thương tích vì giành nguồn nước tưới. 
Khô hạn khốc liệt, ruộng đồng bị bỏ hoang tại TT-Huế

Hơn nửa tháng trước, khi ra đồng chăm sóc lúa, nhiều người dân tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) bàng hoàng chứng kiến một nông dân ở xã này bị một người đi lấy nước tưới ruộng dùng cuốc sắt bổ vỡ quai hàm. Người này được đưa đi cấp cứu, kẻ gây thương tích cho bạn làm đồng bị công an điều tra, xử lý.

Những tưởng, sau vụ việc đáng tiếc này, tình trạng “xung đột” vì nước tưới giữa người dân tại Phong Sơn sẽ lắng xuống. Tuy nhiên, do căng thẳng nguồn nước tưới kéo dài, người dân địa phương sẵn sàng gây hấn, dọa đánh nhau, khiến lãnh đạo địa phương, công an phải ra ruộng túc trực, tránh xảy ra vụ việc tương tự.

Ông Nguyễn Bá Nam, Bí thư Đáng ủy xã Phong Sơn cho biết, do không có mưa kéo dài, hồ thủy lợi Hòa Mỹ cung cấp nước tưới cho ruộng đồng xã này cạn trơ đáy, các nguồn nước dự trữ khác phục vụ nông nghiệp thuộc hệ thống kênh mương ao suối trên địa bàn cũng khô kiệt, nên nông dân đành ngậm ngùi nhìn gần 200ha lúa hè thu bị mất trắng. Tình trạng thiếu nước không chỉ ảnh hưởng sản xuất, an ninh lương thực, mà còn khiến tình hình trật tự xã hội trên địa bàn thêm phức tạp.

Theo ông Đỗ Văn Đính, lãnh đạo Cty Quản lý và Khai thác Công trình Thủy lợi (QL&KTCTTL) tỉnh TT-Huế, hồ Hòa Mỹ phục vụ nước tưới cho các xã Phong Sơn, Phong Mỹ, Phong Xuân (huyện Phong Điền) hiện xuống dưới mức nước chết, nên đơn vị mất hoàn toàn khả năng khai thác hồ này để phục vụ tưới cho gần 500 ha lúa của nông dân 3 địa bàn kể trên.

Hơn 3.000 ha cây trồng thiếu nước

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 1.600 ha lúa hè thu bị khô hạn, mất khả năng phục hồi, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng cao A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc. Theo ông Vang, mức độ thiệt hại về sản xuất nông nghiệp dự báo sẽ nghiêm trọng hơn, nếu hạn hán vẫn tiếp diễn trong thời gian tới. Ngoài cây lúa, nhiều diện tích hoa màu cũng bị ảnh hưởng nặng nề do hạn hán. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 ha cây trồng bị thiếu nước, nguy cơ mất trắng, tập trung ở các vùng không có công trình thủy lợi hoặc không chủ động được nguồn nước.

Vì sao hạn hán ngày càng khốc liệt?
Theo GS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, các kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt động kinh tế, xã hội, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp đã làm gia tăng lượng Cac-bon trong khí quyển, khiến trái đất hấp thụ nhiệt nhiều hơn, nhiệt độ trái đất ngày một cao, gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu. Khi xảy ra hiện tượng El Nino, thời tiết phổ biến các nước ở bờ tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam là ít mây và ít mưa, nắng nóng kéo dài hơn càng khiến cho nhiệt độ tăng cao, do đó khô hạn và xâm nhập mặn xảy ra gay gắt hơn bình thường.

NGUYỄN HOÀI

Theo Ngọc Văn